MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo tuổi xế chiều của Masayoshi Son: Nợ SoftBank gần 5 tỷ USD, cổ phần trong Vision Fund 2 gần như không còn giá trị

20-11-2022 - 11:02 AM | Tài chính quốc tế

Các khoản nợ cá nhân của tỷ phú Son vừa được tiết lộ thông qua phân tích của Financial Times đối với hồ sơ SoftBank - công ty đầu tư đang điêu đứng vì làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ.

Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm CEO SoftBank, đang nợ công ty này gần 5 tỷ USD vì thua lỗ gia tăng từ những khoản đầu tư công nghệ, theo Financial Times. Số nợ này khiến giá trị cổ phần của ông Son trong quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund 2 gần như không còn giá trị.

Các khoản nợ cá nhân ngày càng tăng của tỷ phú Son được tiết lộ thông qua phân tích của Financial Times đối với hồ sơ SoftBank, trong bối cảnh công ty đầu tư đang điêu đứng vì làn sóng bán tháo các cổ phiếu công nghệ trong suốt 1 năm qua. Định giá các công ty SoftBank rót vốn theo đó lao dốc thảm hại.

Tuần trước, ông Son, 65 tuổi, cho biết sẽ dừng điều hành các công việc hàng ngày của SoftBank. Ông nói rằng trọng tâm chính của ông sẽ Arm - công ty con thuộc SoftBank hiện có trụ sở tại Anh và tập trung vào lĩnh vực chip nhớ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi SoftBank báo cáo khoản lỗ đầu tư 10 tỷ USD trong quý III/2022.

Thua lỗ chồng chất khiến nợ của Son tại công ty, chủ yếu liên quan đến các vụ đặt cược công nghệ, tăng thêm hàng tỷ USD. Nguyên nhân là bởi SoftBank cấp vốn cho Masayoshi Son để rót tiền vào các quỹ đầu tư công nghệ, trong khi thời hạn thanh toán những khoản vay này kéo dài rất nhiều năm.

Theo Financial Times, giá trị 17,25% cổ phần của ông Son trong Vision Fund 2 - quỹ có quy mô 56 tỷ USD - đến cuối tháng 9 vừa qua gần như bị cuốn bay hoàn toàn. Trong quý vừa rồi, định giá số cổ phần này chỉ còn 682 triệu USD.

 Nỗi lo tuổi xế chiều của Masayoshi Son: Nợ SoftBank gần 5 tỷ USD, cổ phần trong Vision Fund 2 gần như không còn giá trị  - Ảnh 1.

Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm CEO SoftBank, đang nợ công ty này gần 5 tỷ USD vì thua lỗ gia tăng từ những khoản đầu tư công nghệ.

Điều này trái ngược hoàn toàn với hồi cuối năm 2021, khi cổ phần của ông Son trong quỹ Vision Fund 2 lên tới 2,8 tỷ USD. Đây là thời điểm bùng nổ của nhiều startup, qua đó cho phép SoftBank bán ra cổ phiếu của một số công ty nổi bật trong danh mục đầu tư, chẳng hạn như WeWork và AutoStore.

SoftBank hiện chưa thu lại số tiền 2,8 tỷ USD mà ông Son mắc nợ liên quan đến cổ phần trong Vision Fund 2. Vị tỷ phú này cũng nợ SoftBank 669 triệu USD trong một thỏa thuận tương tự tại một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên hỗ trợ các startup trên khắp lục địa. Nếu tính đến cả khoản lỗ trong quỹ phòng hộ của tập đoàn SB Northstar, tổng số tiền mà ông Son nợ công ty là 4,7 tỷ USD.

Việc Son nợ Softbank hàng tỷ USD diễn ra trong bối cảnh công ty đang đẩy mạnh tốc độ mua lại cổ phiếu trong những tuần gần đây. Động thái này đã đẩy giá cổ phiếu SoftBank lên mức cao nhất 12 tháng trong tháng này, bất chấp tình trạng thua lỗ tại các quỹ Vision Fund.

Theo Financial Times, cá nhân ông Son đã gánh 1/3 khoản lỗ tại Northstar, quỹ phòng hộ từng “làm mưa làm gió” trên thị trường cổ phiếu công nghệ Mỹ hồi năm 2020. Tổng thua lỗ từ đầu tư của Northstar tính đến cuối tháng 9 năm nay đạt gần 6 tỷ USD.

Được biết Vision Fund 2 là một trong số những nhà đầu tư lớn của FTX. Sóng gió thời gian gần đây đối với sàn giao dịch tiền số này khiến SoftBank mất khoảng 100 triệu USD.

Trước đó, Softbank báo lỗ 35 tỷ USD trong nửa đầu năm. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm công ty này chứng kiến 2 quý liên tiếp thua lỗ. Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ gặp khó. Phần lớn thua lỗ gần đây đến từ quỹ Vision Fund vốn đã mất tới 19,9 tỷ USD trong quý vừa qua.

 Nỗi lo tuổi xế chiều của Masayoshi Son: Nợ SoftBank gần 5 tỷ USD, cổ phần trong Vision Fund 2 gần như không còn giá trị  - Ảnh 2.

Son chuyển trọng tâm chính sang Arm - công ty con thuộc SoftBank hiện có trụ sở tại Anh và tập trung vào lĩnh vực chip nhớ.

Dẫu vậy, Son vẫn lạc quan rằng cơn bão sẽ qua đi. Khi đó, SoftBank sẽ vực dậy mạnh mẽ cùng sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ. Hiện tại, SoftBank đang cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư vào startup.

“Chúng tôi muốn tích lũy nhiều tiền mặt,” ông Sơn cho biết trong lần báo cáo thu nhập hồi tháng Năm. “Chúng tôi sẽ cẩn thận hơn trong những lần đầu tư sắp tới’’.

Trong khi đó, đối thủ của Son đang không ngừng bành trướng. Insight Partners, nổi tiếng với các khoản đầu tư phần mềm, hồi tháng 2 tuyên bố huy động thành công 20 tỷ USD cho quỹ hàng đầu thứ 12. Andreessen Horowitz cũng huy động được 4,5 tỷ USD cho một quỹ tập trung vào tiền số vào tháng 5, tức gấp đôi quy mô quỹ huy động hồi năm ngoái. Chúng chắc chắn vượt xa Vision Fund của Son, nếu xét đến số lượng các khoản đầu tư mới.

Đối với các công ty đang tìm kiếm nguồn vốn, đây được coi là cơ hội ngàn vàng để chào đón các nhà đầu tư mới, trong một môi trường cạnh tranh đầy thách thức.

“Đã có lúc các công ty nghĩ rằng họ sẽ thua lỗ nếu không có sự đầu tư của SoftBank. Tuy nhiên giờ đây, rất nhiều người có thể ký các tấm séc có giá trị tương đương. Vầng hào quang ngày xưa của SoftBank đã không còn", Ebihara của Rebright cho biết.

Ông Son thành lập SoftBank từ đầu những năm 1980 và gây dựng công ty thông qua một loạt các khoản đầu tư đa dạng. Vị tỷ phú này rót tiền vào một loạt các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn bùng nổ dot-com cuối những năm 1990, đồng thời cho biết việc đặt cược vào Yahoo thời đó đã khiến ông trở thành người giàu nhất thế giới.

Theo: FT, Nikkei Asia


Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên