Nói lời sau cùng, cựu thư ký tài chính Công ty AIC bật khóc kêu oan
Nói lời sau cùng tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương - cựu Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC bật khóc và kêu oan.
- 10-10-2023Trước ngày xét xử, Bộ Công an tiếp tục kêu gọi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC ra đầu thú
- 31-08-2023Thủ đoạn của cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
- 20-08-2023Đồng Nai: Dừng thanh tra các dự án, gói thầu liên quan AIC
Trước khi HĐXX chuyển sang phần nghị án, các bị cáo trong phiên toà sơ thẩm xét xử vụ vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan đã nói lời sau cùng.
Tại phiên xét xử, 4 bị cáo đang bỏ trốn ở nước ngoài, toà xử vắng mặt. 11 bị cáo khai nhận hành vi phạm tội, xin nhận được sự khoan hồng của pháp luật và mong HĐXX tuyên mức án giảm nhẹ so với đề nghị của đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương - cựu Trưởng bộ phận thư ký Công ty AIC vẫn một mực kêu oan tại toà khi nói lời sau cùng.
Bị cáo Phương bật khóc tại toà và trình bày, tháng 3/2022, bị cáo xuất cảnh ra nước ngoài để chữa bệnh và du lịch, đến tháng 8/2022 vụ án này mới xảy ra và bị điều tra, khởi tố. Mặc dù nhiều người khuyên đừng về nước để đỡ bị tạm giam nhưng bị cáo phải về để minh oan cho mình.
Tuy nhiên, theo đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh, các quy trình tố tụng đều tuân thủ quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội và khách quan.
Trước đó, tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương cũng nói, bản thân về nước do thấy mình bị oan và không thừa nhận hành vi phạm tội. Phương cho rằng, "mọi người sợ trách nhiệm nên đổ tội".
Bị cáo đồng thời phủ nhận mình là Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC mà chỉ là thư ký trong ban thư ký của doanh nghiệp này, được phân công theo dõi thời gian làm việc của các nhân viên và một số việc vặt khác như đóng tiền nhà, tiền điện nước.
Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương phủ nhận mối quan hệ quen biết với bị cáo Trần Quốc Công - Tổng Giám đốc Công ty Uy Tín Toàn Cầu như lời Công khai trước đó tại phiên toà.
Bị cáo Phương cũng khẳng định, bị cáo làm kế toán trưởng Công ty Phúc Hưng, nơi anh trai Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Tổng Giám đốc nhưng chỉ làm kế toán, không làm công việc khác.
"Bị cáo ký vào báo cáo tài chính của Công ty Phúc Hưng vì là kế toán trưởng và theo đúng quy định của luật kế toán, bị cáo không làm sai", bị cáo Phương khai tại toà và cho biết bản thân làm kế toán trưởng công ty này từ khi doanh nghiệp bắt đầu thành lập, lương 5 triệu đồng/tháng do Công ty Phúc Hưng trả.
Trong khi đó, anh trai Nguyễn Thị Thanh Nhàn khai, công ty do bị cáo làm Tổng Giám đốc không có hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguyễn Thị Thu Phương cũng nói tại toà, bản thân không có trao đổi liên quan đến dự thầu với bị cáo Tạ Hải Anh, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ cao và không đưa hồ sơ thầu cho bị cáo Nguyễn Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng ký.
Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Thị Thu Phương được Nguyễn Thị Thanh Nhàn phân công là Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC và giao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, điều hành một số Công ty trong hệ sinh thái AIC, gồm: Công ty Mopha, Công ty Bất động sản Phúc Hưng (Công ty Phúc Hưng), Công ty Công nghệ cao, Công ty Cổ phần Uy Tín Toàn Cầu (Công ty Uy Tín Toàn Cầu).
Theo yêu cầu của Nhàn, Nguyễn Thị Thu Phương chỉ đạo thực hiện việc lập hồ sơ dự thầu liên danh do Công ty Phúc Hưng đứng đầu với các công ty khác để người đại diện các công ty này ký và tham gia dự thầu làm “quân xanh” cho Công ty AIC, Công ty Mopha tại các Gói thầu số 01, 02, 03; chỉ đạo lập hồ sơ dự thầu của Công ty Uy Tín Toàn Cầu để làm “quân xanh” cho Công ty AIC tại gói thầu số 07; ký mục Kế toán trưởng tại các báo cáo tài chính năm 2010, 2011 và 2012 trong hồ sơ dự thầu của Công ty Phúc Hưng.
Nguyễn Thị Thu Phương chỉ đạo việc sử dụng tiền của Bộ phận Thư ký tài chính, chỉ đạo nhân viên nộp tiền vào các tài khoản của Công ty Mopha, Công ty Công nghệ cao, Công ty Uy Tín Toàn Cầu, Công ty Phúc Hưng để đảm bảo hoạt động của các công ty này.
Trong đó có hoạt động lập hồ sơ dự thầu và tham gia dự thầu (do thực chất cổ đông các công ty nêu trên chỉ đứng tên mà không góp vốn, đồng thời các công ty này cũng không có hoạt động kinh doanh).
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương bỏ trốn, đến ngày 28/7/2023 ra đầu thú. Quá trình lấy lời khai, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Nguyễn Anh Dũng, Trần Quốc Công, Đặng Minh Tâm, Trần Thị Tâm, các nhân viên Công ty AIC và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định: Theo chỉ đạo, phân công của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Thu Phương điều hành các công ty trong hệ sinh thái AIC tham gia làm “quân đỏ”, “quân xanh” tại 4 gói thầu để Công ty AIC trúng thầu 6 gói thầu, tổng trị giá hơn 232 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 50 tỷ đồng.
Trong ngày làm việc thứ 2, đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Đối với 14 bị cáo bị đưa ra xét xử tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", căn cứ hồ sơ vụ án, diễn biến phiên toà và lời khai của các bị cáo, đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC mức án 10-11 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Hồng Sơn – cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC Trương Thị Xuân Loan và cựu Trưởng Ban quản lý dự án 3 công ty AIC lần lượt bị đề nghị 7-8 năm tù và 5-6 năm tù.
Đại diện Viện KSND cũng đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương – cựu Trưởng Bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC 6-7 năm tù.
Các bị cáo khác bị đề nghị mức án cao nhất 3-4 năm tù, có bị cáo được đề nghị án treo.
Hai bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là Lương Văn Tám và Lê Thị Phú lần lượt bị đề nghị mức án 2-3 năm tù và 30-36 tháng tù hưởng án treo.
Dự kiến, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ tuyên phạt các bị cáo vào chiều 26/10.
vtc.vn