MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nỗi lòng" của các doanh nghiệp xây dựng trình bày với Thủ tướng

04-10-2024 - 07:17 AM | Doanh nghiệp

Tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vừa diễn ra các doanh nghiệp xây dựng lớn đã có những kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.

"Nỗi lòng" của các doanh nghiệp xây dựng trình bày với Thủ tướng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo Chính phỉ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện gần 30 doanh nghiệp, nhà thầu tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các hiệp hội.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo: Hoàn thiện thể chế về đầu tư, hợp đồng, đấu thầu; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; có cơ chế chỉ định thầu đối với một số công trình, gói thầu đặc biệt; tăng hạn mức vay cho các doanh nghiệp xây dựng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên kết với doanh nghiệp quốc tế để triển khai các dự án nhằm tranh thủ công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực, quản lý để doanh nghiệp trong nước không ngừng lớn mạnh…

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hệ thống định mức xây dựng hiện hành vẫn còn một số hạn chế, như: Thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới, áp dụng phương pháp thi công mới; một số định mức vẫn còn bất cập, chưa phủ kín các loại công tác xây dựng, điều kiện áp dụng.

"Nỗi lòng" của các doanh nghiệp xây dựng trình bày với Thủ tướng- Ảnh 2.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng cho rằng, hệ thống định mức xây dựng hiện hành vẫn còn một số hạn chế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệp của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…

"Nỗi lòng" của các doanh nghiệp xây dựng trình bày với Thủ tướng- Ảnh 3.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệp của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường nêu một số đề xuất liên quan sử dụng đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng, giúp thay thế vật liệu xây dựng đang khan hiếm hiện nay và giảm thiểu tác động môi trường…

"Nỗi lòng" của các doanh nghiệp xây dựng trình bày với Thủ tướng- Ảnh 4.

Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường Nguyễn Văn Trường nêu một số đề xuất liên quan sử dụng đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng, giúp thay thế vật liệu xây dựng đang khan hiếm hiện nay và giảm thiểu tác động môi trường… - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

6 nhiệm vụ để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược

Kết luận cuộc làm việc với các doanh nghiệp xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 nhiệm vụ để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, cùng nhau xây dựng các công trình tầm cỡ, công trình thế kỷ đánh dấu sự phát triển vươn mình của đất nước.

Thứ nhất , nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia trong tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí lotistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế. Việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược đã và đang được làm tốt, sắp tới phải cùng nhau làm tốt hơn.

Thứ hai , cùng nhau huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba , cùng nhau tập trung ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh trong hoạt động của các doanh nghiệp và triển khai các dự án.

Thứ tư , tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu… trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.

Thứ năm , các doanh nghiệp phát huy tinh thần tự lực, tự cường đi lên từ sức mạnh nội sinh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Thứ sáu , Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp luôn chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu với các khó khăn, thách thức, động viên, khích lệ về những thành quả đã làm được, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, nguồn lực, nhân lực để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước.

Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện tốt yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Theo Lê Sáng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên