Nới room 100%: Vì sao doanh nghiệp nội, nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà?
Mặc dù Nghị định 60 của Chính phủ đã cho phép nới room lên 100% cho nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện chỉ có 25 hồ sơ xin nới room từ phía các doanh nghiệp.
- 06-11-2016Thua lỗ nặng nề trong đầu tư chứng khoán, vì sao nhà đầu tư vẫn “kiên cường” nắm giữ?
- 31-10-2016Ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh
- 31-10-2016Không phải công ty chứng khoán nào cũng có lãi từ môi giới
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC), doanh nghiệp chưa muốn nới room cho thấy không phải tất cả các doanh nghiệp niêm yết đều có nhu cầu. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại lại “chọn mặt gửi vàng”, họ chọn kỹ lưỡng từng doanh nghiệp để đầu tư.
Vậy “Làm thế nào để thúc đẩy các công ty đại chúng nới room?” và các nhà đầu tư ngoại hăm hở mua vốn từ những công ty này mới thực sự là thành công của Nghị định 60/2015/NĐ-CP về chứng khoán (Nghị định 60). Vì dù đã được nới room lên 100% và được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp trong nước nhưng việc đầu tư tại Việt Nam của nhà đầu tư ngoại vẫn bị hạn chế bởi các quy định chồng chéo của luật hiện nay.
Theo ông Quách Ngọc Tuấn (hiện công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nghị định 60 đã quy định rõ về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp các luật liên quan cũng có quy định về giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hay các luật liên quan thì sẽ phải thực hiện theo những luật này, chỉ khi trong các luật liên quan không quy định thì sẽ thực hiện theo Nghị định 60.
Trong Luật Đầu tư và các Thông tư hướng dẫn đã quy định trường hợp ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được Bộ cập nhật thường xuyên.
Còn theo Nghị định 118, đối với những ngành nghề chưa mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài nhưng trong quá trình thực hiện sẽ xem xét, nếu được thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ công bố trên Cổng thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư không phải hỏi lại nữa.
Còn đối với ngành nghề không hạn chế thì nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như nhà đầu tư trong nước và được sở hữu 100%.
Một điều chú ý nếu doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề và trong đó có ngành nghề thuộc loại hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài thì điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài là áp dụng riêng về tỷ lệ sở hữu, hình thức đầu tư, đối tác… chứ không phải đối với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Như vậy, doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nếu đi đầu tư vào doanh nghiệp khác thì sẽ tính thế nào?
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên thì mới gọi là doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, khi doanh nghiệp này đầu tư sang doanh nghiệp khác, hoặc thành lập một doanh nghiệp mới sẽ được áp dụng điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài.
Trước kia, chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 49%, nay theo Nghị định 60 được sở hữu 100% vốn điều lệ của một doanh nghiệp và được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp trong nước. Nhưng theo Luật Đầu tư họ vẫn bị coi là doanh nghiệp nước ngoài và bị áp các quy định hạn chế về đầu tư với nhà đầu tư ngoại. Điều này rất khó khăn cho nhà đầu tư ngoại khi muốn mua 100% vốn doanh nghiệp nội.
Còn đối với doanh nghiệp niêm yết thì tỷ lệ của nhà đầu tư nước ngoài thay đổi thường xuyên theo giao dịch của thị trường. Chẳng hạn, theo Luật Doanh nghiệp 2014 nếu tỷ lệ vốn ngoại dưới 51% thì họ là doanh nghiệp nội, theo Nghị định 60 doanh nghiệp này được nới lên 100% và tỷ lệ sở hữu vốn ngoại khi lên trên 51% lại là doanh nghiệp ngoại, do đó cần xem xét đến tính đặc thù này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần trao đổi với nhau để có giải pháp về những trường hợp này. Do đó, sắp tới đây sẽ sửa Luật Chứng khoán và xử lý các vấn đề xung đột và các pháp luật liên quan khác. Chẳng hạn, Điều 4, Luật Đầu tư quy định nếu các luật chuyên ngành liên quan có những quy định chuyên ngành thì cũng chỉ được xử lý đến phần thủ tục đầu tư thôi, do đó sẽ rất hạn chế tính hiệu lực của các luật này.
Về quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài đối với Nghị định 60, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC), cho biết các nhà đầu tư ngoại cho rằng còn mong manh lắm, vẫn còn nhiều điều phải làm. Chẳng hạn, đối với HSC là doanh nghiệp nước ngoài nên vẫn bị nhiều rào cản, phải suy nghĩ và tính toán nhiều hơn.
Về nới room trong ngành ngân hàng Việt mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng chưa được đề cập mạnh mẽ, ông Jun Nitta, Giám đốc quản lý tài chính IFC, cho biết tại Mexico những năm 1980 khi đồng peso bị mất giá thảm hại, các ngân hàng tại Mexico bị phá sản, Chính phủ nước này đã bán ngân hàng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ đó Mexico đã vực dậy được nền kinh tế và khôi phục hoạt động ngân hàng ổn định cho đến nay.
Ba Lan những năm 1988 cũng thực hiện nới room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng. Tại Châu Á, Philipiné, Thái Lan và Campuchia đã mở cửa giới hạn sở hữu nước ngoài và nước ngoài có thể mua 100% vốn của ngân hàng. Indonesia về kỹ thuật cũng mở room 100% cho ngân hàng.
Tại Việt Nam, giới hạn sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng là 30%, nó đã làm giới hạn sở hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và giới hạn luôn hiệu quả quản lý rủi ro và quản trị. Nếu mở cửa giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư ngoại thì chất lượng tài sản ngân hàng sẽ tăng lên nhưng cũng bị mất kiểm soát. IFC khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên có độ mở giới hạn sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng cao hơn tỷ lệ 30% hiện nay.
BizLIVE