MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới “room” ngoại: Cần thiết nhưng phải tính toán kỹ

19-12-2021 - 17:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Nới “room” sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại các NHTM Việt Nam là cần thiết, nhưng nới ở mức nào, lộ trình ra sao, có nên “đánh đồng” hay không… là những vấn đề mà các chuyên gia đặt ra.

Nới "room" sẽ mang lại nhiều lợi ích

Theo báo cáo "Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN tại các NHTM Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố, việc nới "room" ở mức độ hợp lý cho NĐTNN có thể mang lại những lợi ích như: Tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cho các NHTM; Tăng khả năng thu hút đầu tư và tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài; Giúp tránh được rủi ro NĐTNN chi phối hoạt động của NHTM...

Theo bà Virginia Foote - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bay Global Strategies, thời gian tới sẽ có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong phục hồi hậu Covid-19. Đối với ngành Ngân hàng, các NĐTNN (trong đó có NĐT Mỹ) không chỉ quan tâm đến tổng thể cả ngành mà còn rất quan tâm đến từng NHTM cụ thể để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Mỗi NĐT sẽ có cách tiếp cận riêng, khẩu vị rủi ro khác nhau… Nhưng nếu giữ trần 30% sẽ khó hỗ trợ các ngân hàng thu hút được vốn.

Nới “room” ngoại: Cần thiết nhưng phải tính toán kỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Việc đưa ra thông điệp đưa trần sở hữu lên trên 30% - dù chỉ là một con số cụ thể nào đó - sẽ là thông điệp rất tích cực cho các NĐTNN thấy Việt Nam chú trọng đến vấn đề này, muốn tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam và muốn các NĐTNN, các đối tác chiến lược nước ngoài tham gia vào quá trình này", bà Virginia Foote nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, việc tham gia của NĐTNN trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các TCTD theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết. "Nới "room" sẽ thu hút dòng vốn của NĐTNN, giúp các NHTM tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội", TS. Hùng nói.

Đảm bảo hài hòa các mục tiêu

Tuy nhiên, mức tăng cần phụ thuộc vào thực tế. Tổng thư ký VNBA lấy ví dụ, số liệu tính đến 30/6/2021 cho thấy có 19/48 TCTD có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu từ 1% trở lên. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 11 TCTD có "room" của tổ chức nước ngoài trên 15%, trong đó có 5 TCTD có tỷ lệ trên 25%. Như vậy, các NĐTNN còn nhiều room so với mức trần cho phép ở hầu hết các TCTD. Nguyên nhân do đâu? Do trần đó vẫn thấp, do các NĐTNN chưa mong muốn hay bản thân các TCTD chưa đáp ứng các kỳ vọng của NĐTNN, hoặc chính các TCTD trong nước lo ngại không muốn tăng "room" cho NĐT ngoại?... Những vấn đề này cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để nới "room" ở mức độ hợp lý.

Đồng tình với quan điểm cần thiết nâng "room" cho NĐTNN trong tương lai, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lưu ý thêm, hiện chúng ta đang chuẩn bị cho kế hoạch tái cơ cấu lại hệ thống tài chính giai đoạn 5-10 năm tới và nhu cầu tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, Basel III là rất lớn. Trong khi đó với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dự kiến triển khai sắp tới, nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng các năm tới rất lớn nên tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn, ví dụ năm 2022 chúng tôi dự báo có thể ở mức 13-14%... Những yếu tố đó cho thấy nới "room" để thu hút vốn NĐTNN là cần thiết.

Cũng theo vị chuyên gia này, dù ngành Ngân hàng được nhìn nhận là rất có tiềm năng nhưng trong nhiều năm qua, thị phần của các ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh tại Việt Nam thực tế vẫn chỉ quanh 10%. Việc chưa "sử dụng" hết trần "room" hiện tại có thể vì tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài phù hợp là không dễ dàng (có cả nguyên nhân khách quan là các định chế tài chính nước ngoài thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn nên có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh), quá trình thẩm định đánh giá phê duyệt của Việt Nam quá lâu khiến NĐT bị lỡ cơ hội; nguy cơ có những điều chỉnh trong chính sách, quy định…

Với những phân tích như vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng mức độ nới room sẽ phụ thuộc vào Đề án Cơ cấu lại TCTD mà Chính phủ thông qua tới đây cũng như việc sửa Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Các TCTD; mặt khác là tính toán kỹ mức độ khả thi và hài hòa của cung - cầu (giữa nhu cầu phía các NĐTNN và đối tượng NHTM trong nước cụ thể).

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, việc quy định "room" cũng cần được phân loại theo nhóm. Đối với nhóm các NHTM, có thể nới room tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Với các NHTM đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao lên Basel III, có thể nâng trần "room" lên cao hơn tỷ lệ 30%. Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh hơn để khuyến khích các NĐTNN tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên ông Hùng cũng lưu ý: "Việc tăng "room" cần thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các NĐT với vai trò quản lý Nhà nước".

Báo cáo của CIEM đưa ra một số kiến nghị cụ thể:

Thứ nhất, cần cân nhắc một cách tiếp cận mở hơn trong điều tiết ngành Ngân hàng, trong đó có tiếp cận mở đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN tại các NHTM.

Thứ hai, cần nghiên cứu chi tiết hơn về lợi ích tiềm năng của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN tại các NHTM, gắn với các kịch bản điều chỉnh cụ thể.

Thứ ba, cần cân nhắc cập nhật chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, trong đó có cân nhắc cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của NĐTNN.

Thứ tư, cần cân nhắc cải thiện khung pháp lý theo hướng hiện đại và mở, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Thứ năm, cần cân nhắc khả năng nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN tại NHTM trong các đề xuất (nếu có) về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Fintech…

Theo Đỗ Lê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên