Nới room ngoại sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường
Với những quy định mới về room ngoại, khi có hiệu lực sẽ là một tiêu chí rất quan trọng, góp phần đẩy nhanh hơn quyết định nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức đầu tư quốc tế. Đây là mục tiêu chung của cả thị trường đang hướng đến và đặt kỳ vọng lớn.
Đây là chia sẻ của ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về nỗ lực và quyết tâm nới room ngoại (tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài) của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.
* PV: Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK có nhiều nỗ lực, tuy nhiên nới room ngoại vẫn được cho là điểm nghẽn lớn trên thị trường hiện nay. Theo ông, đâu là lý do khiến việc "nới room ngoại" chưa được như kỳ vọng?
- Ông Đỗ Bảo Ngọc: Theo tôi có mấy nguyên nhân chính làm chậm quá trình mở room tại Việt Nam. Chẳng hạn như, do sự chồng chéo của các quy định liên quan đến vấn đề giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán,…) dẫn đến nhiều thời điểm việc sửa luật này lại phải chờ những thay đổi của luật kia.
Cùng với đó, do quan điểm của các cơ quan quản lý có thực sự quyết liệt trong việc cần phải có sự đồng lòng giữa nhiều bộ, ngành để cùng tháo gỡ những vướng mắc hay không? Thời gian gần đây chúng tôi nhận thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến trình hội nhập thị trường tài chính với quốc tế và do đó, quá trình sửa luật có được đẩy nhanh hơn nhiều so với những giai đoạn trước đây. Những nỗ lực này nhằm cụ thể hóa mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam mà Chính phủ đã đặt ra từ năm 2018.
Bên cạnh đó, do tâm lý muốn kiểm soát "cuộc chơi riêng" ở nhiều doanh nghiệp lớn, dẫn tới việc có một bộ phận không nhỏ lãnh đạo doanh nghiệp không thực sự ủng hộ chủ trương mở cửa, thậm chí cố gắng tạo ra các quy định riêng tại nhiều doanh nghiệp thông qua đại hội cổ đông để làm chậm lại quá trình mở room chung của cả TTCK.
* PV: Thưa ông, tại dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán sửa đổi đã có nhiều quy định mới về sở hữu nước ngoài. Ông đánh giá thế nào về những điểm mới này?
- Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng, những điểm mới của dự thảo nghị định đã thể hiện quan điểm quyết đoán của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện công khai, minh bạch quá trình mở room ngoại tại các doanh nghiệp hiện nay. Điều này tiến tới tạo ra một cuộc chơi công bằng giữa nhà đầu tư nội và nhà đầu tư ngoại, tạo cơ hội cho yếu tố thị trường quyết định tới vấn đề sở hữu của doanh nghiệp.
Với quan điểm và những quy định mới này thì tiến trình mở room sẽ được đẩy nhanh hơn, góp phần đáp ứng tiêu chí công bằng đối với nhu cầu chính đáng của khối nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Tiêu chí tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường cũng là 1 tiêu chí vô cùng quan trọng trong việc quyết định nâng hạng đối với TTCK Việt Nam của các tổ chức đầu tư quốc tế. Do đó, vì mục tiêu chung của cả thị trường thì thực sự rất cần những bước tiến dài trong việc công khai, minh bạch, tạo ra một sân chơi bình đẳng về khuôn khổ pháp luật.
* PV: Nếu những quy định trong dự thảo nghị định được thông qua thì sẽ tác động thế nào tới việc nâng hạng thị trường và thu hút vốn ngoại của TTCK Việt Nam, thưa ông?
- Ông Đỗ Bảo Ngọc: Nếu các quy định trong dự thảo được áp dụng, thì Việt Nam sẽ tiến thêm được một bước tiến khá dài trong việc thỏa mãn một trong những điều kiện lớn để đáp ứng tiêu chuẩn nâng hạng lên TTCK mới nổi. Đồng thời, nếu tiếp tục nâng cao được yếu tố quy mô và thanh khoản, cùng với các điều kiện khác thì việc TTCK Việt Nam được nâng hạng trong giai đoạn tới là khá sáng.
Khi đó, một lượng tiền lớn được phân bổ từ các quỹ đầu tư chỉ số, các quỹ đầu tư chủ động… sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Thị trường sẽ đón nhận dòng vốn lớn để phát triển và ngày càng hoàn thiện theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Sự lớn mạnh của thị trường tài chính trong nước khi đó sẽ hỗ trợ mạnh cho quá trình tăng trưởng kinh tế nói chung, vì vậy, cái lợi lớn là có thể nhìn thấy rất rõ.
* PV: Nới room ngoại hay nâng hạng TTCK không thể thành công nếu chỉ riêng nỗ lực trong việc hoàn thiện quy định pháp lý của ngành Chứng khoán. Theo ông, các cơ quan quản lý, các bộ, ngành, địa phương cần làm gì để mục tiêu nâng hạng thành hiện thực?
- Ông Đỗ Bảo Ngọc: Thực tiễn cho thấy có nhiều quy định còn chồng chéo, nên để có thể giải quyết dứt điểm những vấn đề của TTCK Việt Nam, ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý chuyên ngành, rất cần sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, đơn vị hữu quan khác,… trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.
Theo tôi, có nhiều vấn đề rất cần sự phối hợp chung, tổng lực mới đem lại hiệu quả cao nhất, như: đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; mở room cho nhà đầu tư nước ngoài; tạo thêm nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khối ngoại; thu hẹp các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để phù hợp với thực tế hiện hành; tạo cơ chế để các doanh nghiệp FDI có thể đại chúng hóa, niêm yết trên TTCK; …
Tôi nghĩ rằng, khi giải quyết hết các vấn đề nêu trên thì TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu nâng hạng trong tương lại rất gần.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Thời báo tài chính