Nới room tín dụng là cần thiết!
Đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% và nhu cầu vay vốn đang tăng mạnh trong khi nhiều ngân hàng đã đụng trần tín dụng, chỉ còn biết chờ được cấp thêm hạn mức.
- 29-05-2022Ngân hàng đồng loạt xin nới room tín dụng, đại diện NHNN nói gì?
- 25-05-2022Sắp có thêm đợt nới room tín dụng mới, ngân hàng nào sẽ được cấp hạn mức cao nhất?
- 05-05-2022BVSC: MB có khả năng được nới room tín dụng lên 30 - 35%
Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một trong những vấn đề được đại biểu đặt ra là mặc dù NH dồi dào thanh khoản nhưng không dễ cho vay vì hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng có hạn và được cấp theo từng thời điểm.
Làm sao giải ngân gói hỗ trợ?
Nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) tăng nhanh trong thời gian qua đã đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao so với cùng kỳ những năm trước. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH trong 5 tháng đầu năm nay so với cuối năm ngoái đạt 8,03% - mức tăng trưởng rất cao. Một số NH thương mại tăng trưởng cho vay ở mức 2 con số, thậm chí có NH đã đụng trần.
Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng của các NH thương mại được cấp theo năm, một số thời điểm được cấp theo quý. Do vậy, mặc dù nhiều khách hàng muốn vay vốn nhưng NH trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định vẫn không thể giải ngân.
Đáng lưu ý, các NH đang gấp rút triển khai chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng, áp dụng cho những khoản vay hiện hữu hoặc vay mới. Như vậy, trong trường hợp khách hàng vay mới có nhu cầu vay để được hỗ trợ lãi suất mà NH không còn room tín dụng thì làm sao giải ngân?
Nhiều ngân hàng thương mại đang thừa thanh khoản song khách hàng không dễ vay được tiền Ảnh: TẤN THẠNH
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy việc tiếp cận vốn vay hiện nay khá khó khăn. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Golden Smile Travel, cho hay sau khi nghe thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, ông đã liên hệ một số NH thương mại để hỏi về thủ tục, điều kiện vay vốn, bổ sung vốn kinh doanh... Tuy nhiên, khi DN không còn tài sản thế chấp và room tín dụng của NH không còn nhiều thì việc vay vốn không dễ chút nào.
"Khách hỏi vay rất nhiều nhưng chúng tôi phải cân nhắc vì không còn hạn mức tăng trưởng tín dụng để giải ngân. Hiện NH đang xin thêm room cho vay" - lãnh đạo một NH cổ phần ở TP HCM thông tin.
Nới room: Cần nhưng không ồ ạt
Trước đó, trong phiên chất vấn Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trên nghị trường, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu rõ cơ chế hạn mức tín dụng khiến NH có tiền và khách hàng muốn vay mà không vay được. Việc này không phù hợp trong bối cảnh cấp bách thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng mang "dáng dấp bao cấp", vị đại biểu đặt vấn đề có nên thực hiện trong thời gian tới nữa hay không?
Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các NH thương mại được NH Nhà nước áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất, lạm phát bị đẩy lên cao. Theo đó, mức trần tín dụng áp cho các NH bình quân 13%-14%, căn cứ vào tình hình lãi suất huy động vốn, dư nợ cho vay của năm trước, tỉ lệ nợ xấu, năng lực quản trị điều hành... "Tùy NH thực hiện quy định như thế nào sẽ được xem xét duyệt tỉ lệ tín dụng nhất định sao cho hạn mức cho vay trên toàn hệ thống không quá 14%. Cơ chế này có phần thiếu công bằng giữa các NH, có tình trạng NH nào sử dụng không hết room tín dụng được cấp cũng cố gắng dùng hết để năm tiếp theo có cơ hội được cấp room mới với tỉ lệ ngang bằng năm trước" - nguyên tổng giám đốc một NH phân tích.
Theo Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nền kinh tế Việt Nam vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống NH. Hiện nay, dư nợ tín dụng trên GDP đang ở mức 124% và thuộc nhóm có tỉ lệ cao nhất trên thế giới, theo đánh giá của NH Thế giới. Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng NH, khi có các cú sốc bên ngoài khiến DN và người dân khó khăn thì lập tức ảnh hưởng đến hệ thống NH. "NH Nhà nước kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 và thấy đây là biện pháp hiệu quả, giúp đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại. Công cụ này thời gian qua cũng phát huy hiệu quả trong việc chặn được các cuộc đua lãi suất, huy động tín dụng cao" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng trong 1-2 năm tới, vẫn cần dùng công cụ hạn mức tín dụng để kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên và giữ mức độ tăng trưởng không quá "nóng".
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, một số tổ chức tín dụng đã tăng trưởng khá nhanh về hạn mức cho vay trong quý đầu tiên của năm; có NH tăng trưởng tín dụng 9%-10%, thậm chí 15%. Do đó, việc nới room tín dụng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. "Tuy vậy, không thể nới ồ ạt nhằm tránh tình trạng tín dụng tăng trưởng quá nhanh sẽ gây rủi ro. Mức tăng trưởng tín dụng 14%-15% là hợp lý và trong tầm kiểm soát" - TS Lực nhận định.
Theo Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thị trường vốn đang trong quá trình phát triển non trẻ nên việc cung cấp vốn cho DN còn hạn chế. Khi thị trường này phát triển đầy đủ, DN có thể tiếp cận vốn vay trung - dài hạn từ các phân khúc trên thị trường và chỉ vay vốn ngắn hạn từ hệ thống NH. Khi đó, áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của NH Nhà nước sẽ bớt đi.
Người lao động