Nỗi sợ tháng "cô hồn" của môi giới bất động sản
Tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là tháng cô hồn) sắp tới, nhiều môi giới BĐS lại cảm giác “uể oải” khi suốt 2 tháng qua gặp khó khăn bởi thị trường BĐS chững lại.
Dù những năm qua, quan niệm về tháng cô hồn trong kinh doanh BĐS không quá nặng nề. Tuy nhiên, không có nghĩa là tháng này không "kiêng kị" điều gì. Nhiều môi giới BĐS cho rằng đây là tháng "khó bán hàng" nhất trong năm. Trong bối cảnh thị trường BĐS chững lại do tâm lý dè dặt của nhà đầu tư thì việc sắp đến tháng cô hồn cũng gây nên những lo lắng cho môi giới BĐS.
Tuấn, môi giới tự do BĐS khu Đông Tp.HCM tỏ ra lo lắng khi hơn 1 tháng này chưa có giao dịch nào, trong khi sắp tới đây lại đến tháng cô hồn. Theo Tuấn, mọi năm đến tháng 7 âm lịch lượng khách hàng đi xem đất hay kí giao dịch giảm hơn hẳn so với các tháng bình thường. Còn thời điểm này, thị trường BĐS vốn đã chững lại thì tháng cô hồn như "cú bồi" khiến hoạt động giao dịch BĐS có thể trầm lắng hơn.
Đã có 7 năm làm môi giới BĐS nhà đất tại Tp.HCM, anh H cho hay, nếu nói không kiêng tháng cô hồn là không đúng. Bởi tâm lý của khách mua nhà đất – mua tài sản lớn họ thường né thời điểm mà dân gian kiêng kị nhằm đón may mắn trong làm ăn. Ở khu vực phía Nam, dù không quá quan niệm về tháng 7 âm lịch nhưng những người làm ăn lớn, mua bán nhà đất họ vẫn coi đây là tháng nên hạn chế giao dịch mua bán để giữ "hên". Vì thế, đây cũng chính là tháng mà khó làm ăn của môi giới BĐS.
"Thực ra, nếu tâm lý thị trường tốt thì việc kiêng kị không quá lo ngại với môi giới BĐS. Đàng này, thị trường BĐS thời gian qua, vừa ảnh hưởng bởi Covid-19, hiện lại bị tâm lý bởi các chính sách siết của nhà nước thì tháng cô hồn lại kéo dài thời gian chững của thị trường thêm, khiến nhiều môi giới BĐS gặp khó khăn, nhất là những môi giới mới vào nghề", anh H chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt thực ra hiện tượng giao dịch "trùng" xuống trong "tháng cô hồn" vẫn được ghi nhận qua các năm. Thêm vào đó, BĐS thường có giá trị lớn, có nhiều khi gom góp rất nhiều năm mới mua được, là chuyện hệ trọng cả đời nên rất nhiều người dè dặt trong tháng 7 âm lịch vì niềm tin dân gian. Cộng thêm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khả năng thị trường chuyển biến sôi động hơn trong tháng cô hồn là không nhiều.
"Tuy vậy, để kích cầu, các chủ đầu tư đang rất tích cực tung ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Rất khó để tìm được mức giá tốt tương tự trong giai đoạn bình thường, không bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như tâm lý kiêng kỵ", chuyên gia Colliers nhấn mạnh.
Một số người lại quan niệm rằng, tháng cô hồn không mấy ảnh hưởng đến thị trường BĐS. Có chăng thời điểm này sẽ khó hơn bởi thị trường BĐS đang gặp khó. Một doanh nghiệp BĐS cho rằng, thị trường bất động sản đã không còn ngại tháng Ngâu. Thực chất đây chỉ là tâm lý kiêng kỵ trong tín ngưỡng dân gian. Đối với khách hàng, cùng với xu hướng sống ngày càng hiện đại, quan niệm, suy nghĩ của khách hàng đang ngày càng "thoáng" và cởi mở hơn trong việc mua nhà. Đối với các chủ đầu tư, họ đã tìm ra được những lời giải, giải pháp bán hàng trong thời gian này. Đó là việc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi tốt. Đồng thời, nhiều chủ đầu tư còn để dành những sản phẩm đẹp để bán trong tháng này.
"BĐS có xu hướng tăng giá qua thời gian ở tất cả các phân khúc. Mua được BĐS giá tốt trong khoảng thời gian này sẽ là khoản đầu tư tốt cho tương lai. Với những người không có tâm lý kiêng kỵ quá nhiều, có nguồn tiền nhàn rỗi hoặc đã tích lũy tương đối, NĐT sẽ tìm cách "xuống tiền" để sở hữu BĐS mơ ước ngay cả trong "tháng cô hồn". Chúng tôi ủng hộ cách nhìn và phương thức đầu tư này vì sẽ tận dụng được rất nhiều ưu thế về giá, nguồn BĐS dồi dào để lựa chọn với tâm lý thoải mái nhất có thể", ông David Jackson nhấn mạnh.