MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nơi 'tạo sóng' trên thị trường gạo thế giới

31-03-2024 - 11:02 AM | Thị trường

Thời gian qua, thế giới đã chứng kiến những thay đổi liên tục về chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ - quốc gia cung cấp hơn 40% gạo xuất khẩu toàn cầu. Do là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo nên mỗi quyết định hoặc thay đổi của Ấn Độ trong chính sách xuất khẩu gạo ít hay nhiều cũng đều tác động tới thị trường gạo thế giới, đồng thời ảnh hưởng tới chính sách xuất-nhập khẩu gạo của các nước.

Nơi 'tạo sóng' trên thị trường gạo thế giới- Ảnh 1.

Nông dân tách vỏ trấu khỏi hạt gạo ở Amritsar, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Những thay đổi tạo sóng

Ngược dòng thời gian về ngày 8/9/2022, thế giới đã chứng kiến Chính phủ Ấn Độ chính thức áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. Theo đó, nước này áp thuế 20% đối với gạo không phải loại basmati (gạo tẻ thường), đồng thời cấm xuất khẩu gạo tấm.

Ngày 20/7/2023, thế giới đã chao đảo khi Chính phủ Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, chỉ xuất khẩu theo giấy phép đối với một số quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Cho đến nay, Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp cấm xuất khẩu cả gạo tấm và gạo tẻ thường.

Vào cuối tháng 8/2023, Chính phủ Ấn Độ lại áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ (có hiệu lực đến ngày 15/10/2023) và quy định giá tối thiểu 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu. Giữa tháng 10/2023, Ấn Độ quyết định gia hạn thuế xuất khẩu gạo đồ đến ngày 31/3/2024, sau đó đến cuối tháng 2/2024 lại đổi thành không xác định thời hạn.

Cuối tháng 10/2023, Ấn Độ quyết định giảm giá sàn xuất khẩu gạo basmati từ 1.200 USD/tấn xuống còn 950 USD/tấn. Theo thống kê, lượng gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2022 chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu. Việc áp thuế xuất khẩu không xác định thời hạn đối với gạo đồ đã củng cố nhận định về giá gạo cao trên thị trường quốc tế. Vậy lý do nào dẫn tới việc Chính phủ Ấn Độ liên tiếp thay đổi chính sách xuất khẩu gạo?

Lý do dẫn tới thay đổi

Một trong những lý do mà Chính phủ Ấn Độ đưa ra để giải thích cho những thay đổi chính sách nhằm hạn chế xuất khẩu gạo nói trên là “để đảm bảo đủ nguồn gạo tẻ thường tại thị trường trong nước và để giảm đà tăng giá ở thị trường nội địa”.

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ là đảm bảo nguồn cung có sẵn để hỗ trợ chương trình thực phẩm miễn phí của đất nước, mang lại lợi ích cho hơn 800 triệu người. Việc phát lương thực trở nên quan trọng hơn khi chi phí thực phẩm tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ đặc biệt chú trọng những chính sách mang lại lợi ích cho người tiêu dùng cũng như cho nông dân. Trước tình trạng giá bán lẻ gạo ở New Delhi tăng 18% so với một năm trước, các bộ ngành hữu quan Ấn Độ phải liên tục theo dõi giá lương thực để đưa ra những thay đổi quyết sách phù hợp, đúng thời điểm.

Ngoài nguồn cung gạo phục vụ đời sống người dân, Chính phủ Ấn Độ cũng ưu tiên đảm bảo đủ nguồn cung cho các lĩnh vực khác. Ông Sudhanshu Pandey, quan chức cấp cao thuộc Bộ Tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối Công cộng Ấn Độ, giải thích: Sự gia tăng bất thường lượng tấm xuất khẩu gây thiếu hụt nguồn cung làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất ethanol trong nước.

Một lý do khác được giới truyền thông nhấn mạnh đó là Ấn Độ muốn nâng giá gạo. Ông Vijay Setia - cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA), cho rằng Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tẻ thường thấp hơn giá xuất khẩu từ các nước khác. Ông hy vọng sau những quyết định thay đổi chính sách xuất khẩu gạo, việc hiện thực hóa giá "dự kiến sẽ cải thiện ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi".

Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ được áp dụng để kiểm soát giá trong nước và còn như một biện pháp phòng ngừa trước hiện tượng thời tiết El Nino, gây ra hạn hán dẫn đến năng suất thấp hơn hoặc thậm chí mất mùa. Diện tích gieo trồng và sản lượng vụ Hè Thu 2023 - vụ quan trọng nhất trong năm của Ấn Độ đã giảm do mưa rải rác. Lượng mưa tích lũy trong thời kỳ gió mùa từ tháng 6-9/2023 ở mức thấp nhất trong 5 năm.

Ngoài ra, giá gạo tăng cao sẽ gây bất bình cho cử tri Ấn Độ trước thềm cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 4-5/2024. Giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Ấn Độ không muốn chứng kiến tình trạng lạm phát do giá gạo tăng cao trước thềm bầu cử nên đã chủ động mạnh tay kiểm soát thị trường.

Nơi 'tạo sóng' trên thị trường gạo thế giới- Ảnh 2.

Một cửa hàng bán gạo tại Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tác động tới thị trường

Sau nhiều tháng kể từ khi áp dụng các lệnh cấm/hạn chế xuất khẩu gạo, giá gạo trong nước tại Ấn Độ vẫn chưa được kiềm chế như mong muốn của Chính phủ. Thậm chí, giá bán lẻ gạo ở Delhi tháng 1/2024 cao hơn khoảng 11% so với một năm trước. Trên toàn quốc, giá gạo bán lẻ đã tăng 14,5% và 15,5% trên các thị trường bán buôn.

Chuyên gia Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng khu vực Ấn Độ và châu Á tại Nomura Holdings Inc., nhận định rằng chừng nào giá gạo trong nước còn phải đối mặt với áp lực tăng cao thì các hạn chế của Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục được duy trì, ngay cả sau cuộc tổng tuyển cử thì những biện pháp này vẫn có thể sẽ được gia hạn.

Do tác động của lệnh cấm/hạn chế từ Ấn Độ, giá gạo trên thị trường thế giới liên tục tăng nhanh, mạnh, và đang ở mức cao kỷ lục trong 15 năm qua. Từ tháng 10-12/2023, lượng gạo tẻ thường của Ấn Độ trên thị trường thế giới giảm gần như toàn bộ, khoảng 600.000 tấn/tháng. Từ tháng 9-12/2023, bốn tháng kể từ khi Ấn Độ áp thuế 20% xuất khẩu gạo đồ, mỗi tháng lượng gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ giảm khoảng 250.000 tấn. Như vậy, từ tháng 9/2023 đến nay, lượng gạo Ấn Độ xuất khẩu giảm khoảng 800.000 tấn/tháng. Hầu hết các khu vực nhập khẩu những loại gạo mà Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đều chứng kiến mức giảm từ 50% trở lên so với năm trước, đặc biệt là khu vực châu Phi phía Nam Sahara. Điều này buộc các nước nhập khẩu phải thay đổi chính sách và khẩn trương tìm nguồn gạo thay thế nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Thậm chí các nước xuất khẩu gạo cũng phải thay đổi chính sách xuất khẩu do cũng phải đối mặt với áp lực từ thị trường cũng như những tổn thất sản xuất do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

Tuy nhiên, để duy trì vị thế là quốc gia dẫn đầu trong số các nền kinh tế mới nổi và là đồng minh của các quốc gia Nam toàn cầu, Ấn Độ cần mở rộng hỗ trợ, trực tiếp hoặc gián tiếp, ngay cả khi điều kiện toàn cầu hỗn loạn. Điều này sẽ ngăn cản Ấn Độ thực hiện các chính sách đối ngoại quyết liệt, đặc biệt liên quan đến hạn chế thương mại nông sản. Ở thời điểm hiện tại, việc Ấn Độ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo theo đường ngoại giao là thông điệp khá rõ ràng về việc nước này sẽ chưa nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong thời gian sắp tới. Điều này có thể sẽ khiến thị trường gạo thế giới tạm thời duy trì tình trạng cung thấp hơn cầu và giá cao.

Việc Ấn Độ tiếp tục thắt chặt các hạn chế đối với xuất khẩu gạo đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái trong xuất khẩu gạo, nhưng nước này vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm xuống dưới 20 triệu tấn vào năm 2023 (trong khi con số này của hai năm 2021 và 2022 là trên 20 triệu tấn), nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với các nước xuất khẩu lớn khác như Thái Lan và Việt Nam.

Điểm sáng cho thị trường gạo toàn cầu

Một yếu tố tích cực đối với thị trường thế giới trong thời gian tới là lượng gạo dự trữ tại Tập đoàn Lương thực Ấn Độ ở mức 56 triệu tấn tính đến ngày 1/12/2023, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi mức tồn kho cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn dự trữ đệm của chính phủ, có hy vọng rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu sẽ dần được nới lỏng. Theo đó, các nhà xuất khẩu lạc quan rằng khi hoạt động thu mua trong nước bắt đầu chậm lại trong mùa này thì nguồn cung để xuất khẩu sẽ được cải thiện.

Bên cạnh đó, một yếu tố tích cực nữa đối với sản xuất toàn cầu là tác động của El Nino đến điều kiện cây trồng ở các nước sản xuất lúa gạo ở Nam và Đông Nam Á không nhiều tính đến cuối tháng 1/2024, ngoại trừ tình trạng khô hạn ở miền Nam Ấn Độ.

Với những nhận định trên, thị trường gạo thế giới hy vọng sẽ dần thoát khỏi áp lực và các quốc gia sẽ có thể đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đời sống cho người dân.


Theo Ngọc Thúy

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên