Nổi tiếng tham công tiếc việc nhưng dân công sở Nhật lại đang lũ lượt nghỉ làm đi chơi, chính phủ thậm chí còn cổ vũ bằng cách giảm giá dịch vụ
Người Nhật Bản vốn nổi tiếng là “nghiện công việc”, thường xuyên làm thêm giờ và rất ít khi nghỉ phép. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai khi mô hình “workation” trở nên phổ biến hơn trong giới công sở.
- 03-09-2020Nghỉ việc không do áp lực công việc, mà vì sếp tồi: 8 kiểu sếp khó ưa khiến nhân viên "chạy mất dép"
- 03-09-2020Bí quyết của những người xuất phát chậm hơn nhưng "luôn về nhất": Để đạt được hiệu quả công việc tốt nhất, hãy sử dụng quy tắc 85%
- 25-06-202018 thứ chỉ Nhật Bản mới có khiến thế giới tròn mắt thán phục: Thứ số 11 nhiều người không biết
Khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ “gây sức ép” để dân công sở thực hiện mô hình “workation”, Yoshimasa Higashihara không cần chờ được hỏi đến lần thứ hai.
Là trợ lý quản lý tại hãng hàng không Japan Airlines, Higashihara đã sớm thực hiện một chuyến đi “workation” tới Osaka vài ngày cùng bạn bè vào hè năm nay. Anh đang lên kế hoạch cho một chuyến đi khác trong vài tuần tới.
“Tôi rất muốn thăm quan Ao Xanh ở Hokkaido sau khi xem vài bức ảnh về chỗ đó, nhưng chưa có dịp đến ngắm tận nơi”, anh nói.
Đối với Higashihara, mô hình workation chẳng có gì lạ lẫm. Đúng như tên gọi của nó - work (công việc) và vacation (du lịch), đây là xu hướng làm việc kết hợp với du lịch nhằm giúp người trẻ cân bằng giữa cuộc sống công sở và thời gian nghỉ ngơi.
Bản thân Higashihara đã từng thực hiện 7 chuyến “workation” trong nước và 3 chuyến tới nước ngoài, bao gồm New York, Hawaii và Singapore, trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo anh, mô hình vừa làm vừa chơi này đem đến những lợi ích tốt đẹp nhất về cả sự nghiệp lẫn đời sống cá nhân.
Anh Yoshimasa Higashihara đang tận hưởng một ngày làm việc từ xa tại thành phố Osaka (Nhật Bản). (Ảnh: Handout)
“Tôi thường đi du lịch một mình và gặp gỡ bạn bè để khám phá những vùng đất mới”, anh nói. “Tôi muốn dành cả tuần để đi du lịch, nhưng công việc không cho phép tôi làm điều đó. Vì thế, mô hình “workation” này là một cách để tôi có thể ở lại thật lâu”.
Thông thường, Higashihara sẽ làm việc khoảng 2-4 tiếng/ngày và sau đó dùng thời gian còn lại để nghỉ ngơi. Anh cho biết mình học được rất nhiều nét văn hóa mới và gặp gỡ những người thú vị.
Chính phủ Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng khi thực hiện chương trình Go To Travel (Đi Du Lịch) trong nước. Họ cũng dự định sẽ khuyến khích các công ty cho phép nhân viên thực hiện “workstation” để vừa hỗ trợ một phần ngành du lịch, vừa giúp cho kinh tế phát triển.
Ao Xanh tại Hokkaido (Nhật Bản). (Ảnh: Rhea Mogul)
Một trong những mục tiêu mà mô hình này hướng tới là các resort onsen - nơi thường hoạt động theo lối truyền thống và rất chậm chạp trong việc áp dụng các công nghệ mới. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ tài trợ giúp các khách sạn nằm trong những thị trấn onsen này có thể lắp đặt kết nối Wi-fi tốc độ cao.
Với ý tưởng này, các công ty có thể lựa chọn những thị trấn này làm văn phòng vệ tinh của mình trong suốt cả năm.
Theo thông tin từ chính phủ Nhật Bản, hơn 4,2 triệu người dân đã sử dụng các ưu đãi giảm giá trong chương trình Go To Travel trong vòng 3 tuần, tính đến ngày 20/8 - thời gian cao điểm của mùa du lịch mọi năm. Các dịch vụ được giảm giá bao gồm vé tàu hỏa, vé máy bay, tiền thuê khách sạn, phí vào cửa các danh lam thắng cảnh và dịch vụ ăn uống tại nhà hàng
Một onsen tại Nagayu (Nhật Bản).
Yếu tố quan trọng nhất trong mô hình này là khả năng làm việc từ xa. Người lao động tuy đi du lịch nhưng vẫn phải dành vài tiếng mỗi ngày để cho công việc. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản đã chủ trì một cuộc họp về du lịch trong tháng 8 vừa qua, nói rằng chính phủ cần phải hỗ trợ thêm cho các khách sạn để nhân viên có thể làm việc từ xa.
Nhiều tập đoàn đã liên hệ với các công ty lữ hành lớn nhất Nhật Bản để xây dựng dự án cho nhân viên của mình. Thậm chí, JTB Corp còn thành lập hẳn một bộ phận mới để giải quyết vấn đề này vào cuối tháng 7 vừa qua.
“Chúng tôi đã thành lập một bộ phận dịch vụ mới để làm việc với các công ty có nhu cầu xây dựng kế hoạch workation cho nhân viên, chủ yếu là tại các resort trên toàn đất nước”, Kaori Mori - phát ngôn viên của một công ty lữ hành lớn - cho biết.
Các công ty đang xây dựng chương trình cho phép nhân viên có thêm vài ngày vào cuối tuần. Như vậy, họ sẽ được nghỉ hẳn 5-6 ngày, nhưng vẫn đảm bảo công việc trong thời gian du lịch.
(Ảnh minh họa)
Vào ngày 31/8, JTB đã hợp tác cùng Tập đoàn NEC để triển khai một hệ thống cho phép nhân viên đặt phòng trống trong khách sạn và dùng nó làm văn phòng từ xa. Có khoảng 30 khách sạn ở thủ đô Tokyo đang tham gia giai đoạn đầu tiên. Kế hoạch này có thể sẽ được mở rộng sang Osaka và Nagoya vào đầu năm sau và trên toàn Nhật Bản vào tháng 3/2022.
“Ý tưởng làm việc từ xa đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, tuy nhiên còn quá sớm để bàn về mức độ phổ biến của nó tại Nhật Bản”, Mori nói thêm. “Tôi nghĩ sẽ phải mất nhiều thời gian để thay đổi tư duy của các công ty và dân văn phòng. Mô hình này có thể quen thuộc với bộ phận nhân viên, nhưng các công ty cần phải thay đổi quy định nội bộ của mình, mà điều này thì không hề đơn giản”.
Mô hình “workation” có thể sẽ giải quyết được một vấn nạn đã tồn tại rất lâu tại Nhật Bản, đó là việc dân công sở không nghỉ đủ số ngày phép hàng năm mà mình được hưởng.
Dân công sở Nhật Bản vốn nổi tiếng là những người "tham công tiếc việc".
Theo báo cáo từ công ty lữ hành Expedia, trung bình một nhân viên công sở người Nhật chỉ dùng khoảng 50% số ngày phép trong năm của mình. Đây là số liệu thấp nhất trong số 30 quốc gia tham gia khảo sát, trong khi người Đức, người Anh và người Singapore dùng lần lượt 100%, 96% và 93% số ngày nghỉ phép của mình.
Theo giới công sở tại Nhật Bản, họ cảm thấy không thoải mái khi xin nghỉ vì điều đó có nghĩa là đồng nghiệp sẽ phải làm thay công việc của họ. Ngoài ra, họ còn lo lắng hành động này sẽ thể hiện sự thiếu tận tụy đối với công ty.
(Theo SCMP)