Nối tiếp đại dịch, cơn ác mộng tiếp theo đang xảy đến với thời trang xa xỉ: Đồ hiệu second-hand!
Mấy ai ngờ chính đại dịch lại là yếu tố giúp khách hàng châu Á phá vỡ tan tành định kiến về đồ hiệu second-hand.
- 04-10-2021Chiêu trò lừa tình, lừa tiền theo kiểu "mổ lợn" từ Trung Quốc đang lan rộng, 90% phụ nữ có học vấn cao vẫn bị “sụt hố”
- 01-10-20215 loại thực phẩm mà tế bào ung thư "thích" nhất, rất nhiều người không hay biết mà nạp vào cơ thể mỗi ngày
- 24-09-2021Làm thêm giờ không được trợ cấp, nhưng đi muộn sẽ bị trừ tiền, bạn nghĩ sao? Câu hỏi phỏng vấn hack não khiến nhiều ứng viên "đau tim"
Chỉ sau 2 năm bùng dịch, ngành công nghiệp thời trang đã liểng xiểng ngấm đòn. Nhu cầu ăn mặc của người tiêu dùng theo đó mà thay đổi đáng kể. Họ rủ nhau tiết kiệm, hướng tới các mặt hàng có giá trị bền vững hơn và ít bị tác động bởi các xu hướng từng mùa. Và ngay tại thị trường gần chúng ta nhất, Trung Quốc, cũng dã diễn ra nhiều chuyển biến thú vị xung quanh trào lưu mới: đầu tư vào đồ hiệu second-hand.
Giới trẻ Trung Quốc: Dùng đồ hiệu second-hand không còn là "đú"
Theo thống kê thì Jingdaily thì khách hàng thế hệ Millennials và Gen Z ngày càng có thiện cảm với thời trang đã qua sử dụng. Yuya Yamauchi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của chuỗi cửa hiện resale mang tên Brand Off, khẳng định Trung Quốc không khác nào mỏ vàng trong mảng miếng đồ hiệu second-hand. Mỗi tội dù cầu vượt quá cung, hiện ở quốc gia tỷ dân này vẫn chưa có nền tảng nào tầm cỡ để thâu tóm thị phần béo bở. Tình trạng cũng diễn ra tương tự với nhiều thị trường láng giềng, điển hình như Việt Nam.
Buôn hàng hiệu đã quá quen, giờ buôn đồ hiệu second-hand mới là thức thời.
Trong khi đó thì, tây phương vốn đã thịnh mảng đồ hiệu second-hand từ lâu với sự tăng trưởng ổn định từ các nền tảng như The RealReal và Vestiaire Collective. Điều này còn giúp tạo nên mô hình vòng tròn trong nền kinh tế, tránh lãng phí và giảm thiểu "dấu chân carbon" (lượng khí nhà kính thải vào khí quyển).
Lý do để mua đồ hiệu second-hand cũng đa dạng. Gen-Z chọn phương thức này để tránh "đau ví" trong khi lại được sở hữu những sản phẩm mang tính di sản của nhà mốt. Giới khách hàng sinh sau năm 1980 thì chú trọng hơn đến tính bền vững, bản thân không còn muốn đua chen với mốt. Được biết, 52% khách hàng của đồ hiệu second-hand tại Trung Quốc nằm trong độ tuổi từ 29 đến 36.
Theo một nghiên cứu trước đại dịch của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế số Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, doanh thu thời trang second-hand đã đạt đến 1.000 tỷ NDT (khoảng 154 tỷ USD) vào năm 2020. Con số này gấp đôi năm 2017, cho thấy thị hiếu người dùng thay đổi mạnh và doanh thu chắc chắn còn phình to hơn trong tương lai. Dù chỉ chiếm 5% trong tổng doanh thu thị trường xa xỉ và thua kém nhiều so với Nhật Bản (28%) và Hoa Kỳ (31%), nhưng điều này khẳng định một xu hướng đang tiếp diễn.
Vintageqoo là cửa hàng đồ hiệu second-hand trứ danh nhất Tokyo mà tín đồ thời trang nào cũng sẽ ghé qua. Đa dạng nhất ở đây là các sản phẩm xưa cũ từ Chanel.
Vậy tại sao thị trường đồ hiệu second-hand tại Trung Quốc nói riêng và các nước láng giềng nói chung lại sinh sau đẻ muộn hơn Nhật hay Mỹ?
Cơ bản là bởi tính sĩ diện. Những người tiêu dùng thuộc "thế hệ đầu tiên" thường chê bôi nghèo hèn mới phải dùng đồ thừa từ người khác, lại còn gắn mác nhóm tiêu dùng này là "đú". Lâu dần, tâm lý tạo thành định kiến. Chỉ đến khi Gen Z ngày càng lớn mạnh cùng sự bùng nổ công nghệ số mới khiến định kiến này bị phá vỡ.
Giới trẻ Việt Nam: Cũng lùng sục đồ second-hand nhưng dễ "thượng vàng - hạ cám"
Dù thích hay không cũng khó phủ nhận những điểm tương đồng trong thị trường Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt ở xu hướng đồ hiệu second-hand. Một phần nguyên nhân đến từ những quý cô mua sắm bạt mạng, tích trữ quá nhiều hàng hiệu không dùng đến. Đại dịch chính là thời điểm hoàn hảo để họ dọn dẹp tủ đồ, chủ động thanh lý nhằm gỡ gạc túi tiền bị ảnh hưởng bởi giãn cách lâu dài.
Có điều hầu hết các phi vụ mua bán đồ hiệu second-hand tại Việt Nam vẫn còn mang tính cá nhân cao và chưa được chuyên nghiệp hóa. Chẳng hạn như màn thanh lý của Ngọc Trinh hồi đầu năm bị bóc mẽ là để đánh bóng bản thân là chính, hình ảnh không chính chủ, các sản phẩm đều hét giá trên trời, có cái còn đắt hơn đồ mới 100%.
Ngọc Trinh rất nhanh tay cập nhật xu hướng mua bán đồ hiệu second-hand, mỗi tội không được uy tín lắm.
Hay như chuyện dở khóc dở cười về một Hoa hậu nổi tiếng rao thanh lý đống đồ xa xỉ qua trang cá nhân. Cô còn mang chiếc áo hiệu Fendi được "bạn thân cũ" tặng để bán, để rồi bị người mua chỉ điểm đấy là... hàng fake. Thế mới biết chuyện mua bán đồ hiệu second-hand ở Việt Nam còn rất tạp nham.
Các cuộc mua bán chủ yếu diễn ra trong loạt group chuyên về hàng hiệu trên MXH. Muốn mua một cách "chắc cốp" thì khách hàng chí ít phải có một kiến thức thời trang rất vững vàng, bỏ công sức để được sờ tận tay - day tận mặt. Bởi các trường hợp mua phải đồ không ở hiện trạng mong muốn, thậm chí là đồ fake, là "chuyện thường ngày ở huyện". Nguyên nhân do thiếu vắng các nền tảng giúp thẩm định và phân phối.
Một group chuyên về mua bán trao đổi đồ hiệu second-hand khá uy tín, được chủ trì bởi MC Moon Doãn .
Xu hướng này có trở thành cơn ác mộng tiếp theo đối với thương hiệu xa xỉ?
Dù nhìn rõ sự phát triển vượt bậc của mảng đồ hiệu second-hand nhưng hầu hết các thương hiệu không tỏ ra hứng thú, nếu không muốn nói là tìm cách tránh càng xa càng tốt.
Âu cũng do, họ lo rằng phương pháp kinh doanh này sẽ ăn mòn tổng doanh thu từ những sản phẩm bán full giá, lại còn bồi thêm nguy cơ làm giảm tính độc quyền trong giá trị thương hiệu. Chưa kể mô hình vòng tròn vẫn chưa hoàn thiện do quá phức tạp, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Antoine Arnault, trưởng bộ phận hình ảnh tại LVMH, cho biết cách thức phân phối dài hạn cùng các thiết kế đầy tính sáng tạo theo mùa mới là yếu tố cốt lõi của các thương hiệu xa xỉ. "Chúng tôi tốn đến 20 năm để phát triển hình thức kinh doanh hiện tại, không thể nào lại chạy theo thị trường second-hand được", ông cho biết, "Các khách hàng cứ thoải mái mua đi bán lại, đó là quyền của họ."
Xu hướng mua đồ cũ bùng phát ở ngay chính thị trường tiềm năng nhất hiện tại khiến các thương hiệu có chút đau đầu.
Mối giao kết giữa các thương hiệu và thị trường second-hand vốn "nhạy cảm" từ lâu. Julie Wainwright, CEO của The RealReal, hé lộ rằng cô từng bị các thương hiệu lẫn nhà bán lẻ xua đuổi theo đúng nghĩa đen khi đề cập đến vấn đề hợp tác. "Họ có thái độ kiểu như: Tôi ghét các người, biến đi cho khuất mắt!", Julia chia sẻ.
Thế nhưng, mặt tích cực không ngờ là theo dữ liệu từ BCG và Vestaire Collective, thị trường second-hand vô tình đóng vai trò như công cụ giúp các thương hiệu xa xỉ thu hút người dùng. Nôm na, người mua đồ cũ hôm nay có thể chính là khách hàng tiềm năng tương lai. 62% người tìm đến đồ hiệu second-hand khẳng định họ sẽ tiếp tục lựa chọn thương hiệu đó, 57% người còn muốn mua đồ mới hẳn từ chính thương hiệu.
Thôi thì cố gắng vì "đồ cũ hôm nay, đồ mới ngày mai". Chưa kể giới IT girl hiện đang dùng đồ second-hand ầm ầm cơ mà.
Một khía cạnh khác lại đến từ chính người mua - kẻ mua. Olivier Abtan, Giám đốc điều hành kiêm đối tác của BCG tiết lộ: "Vị thế giữa người mua và bán trong mảng nàykhông giống nhau. Cụ thể người bán vốn là khách quen với các mặt hàng xa xỉ truyền thống. Họ có bán cũng chỉ để mua thêm nhiều đồ mới và đắt hơn thôi". Bên cạnh đó, đại đa số người bán second-hand hiếm khi chủ động mua đồ cũ.
Với những dẫn chứng trên cùng vô số lợi ích với môi trường, xem ra xu hướng mua đồ hiệu second-hand có thể là cơn ác mộng tạm thời với các thương hiệu nhưng lại là giấc mơ đẹp với hầu hết người tiêu dùng.
Nguồn: Jingdaily, WWD, Fashionunited
Trí Thức Trẻ