MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nối tiếp dầu khí, thép, mía đường, nhóm cổ phiếu "vàng trắng" đang tăng trưởng phi mã nhờ sự phục hồi của giá hàng hóa

Sau quãng thời gian dài ảm đạm vì sự sụt giảm của giá cao su thế giới, kết quả kinh doanh 9 tháng được công bố đã cho thấy sự khởi sắc của các doanh nghiệp và đây là yếu tố quan trọng giúp giá cổ phiếu cao su phục hồi.

Sau khi tạo đỉnh vào năm 2011, giá cao su tự nhiên đã trải qua 4 năm liên tiếp lao dốc và yếu tố này đã kéo theo sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu cao su.

Tuy vậy, mọi chuyện đang dần thay đổi trong trong thời gian gần đây khi nhóm cổ phiếu “vàng trắng” đã có những diễn biến hết sức bất ngờ theo chiều hướng tích cực.

Cụ thể, tính tới hết phiên giao dịch 27/10, cổ phiếu Cao su Phước Hòa (PHR) đã tăng 20%; Cao su Tây Ninh (TRC) tăng 10%; Cao su Quảng Nam (VHG) tăng 29%; Cao su Đồng Phú (DPR) tăng 8% so với thời điểm đầu tháng 10.


Diễn biến giá cổ phiếu PHR trong thời gian gần đây

Diễn biến giá cổ phiếu PHR trong thời gian gần đây

Vượt kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng

Báo cáo KQKD được công bố đã cho thấy sự khởi sắc của ngành cao su với khá nhiều doanh nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch năm 2016 chỉ sau 9 tháng.

Tiêu biểu là trường hợp Cao su Phước Hòa với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 131 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch năm. Tương tự, Cao su Đồng Phú cũng đạt lợi nhuận trước thuế 103,5 tỷ đồng, vượt 48% chỉ tiêu cả năm 2016. Cao su Tây Ninh cũng vượt 15% kế hoạch năm 2016 chỉ sau 9 tháng với lợi nhuận trước thuế 43 tỷ đồng.

Có thể thấy, sau quãng thời gian dài ảm đạm vì sự sụt giảm của giá cao su thế giới, kết quả kinh doanh 9 tháng được công bố đã cho thấy sự khởi sắc của các doanh nghiệp và đây là yếu tố quan trọng giúp giá cổ phiếu cao su phục hồi.

Giá cao su đã tạo đáy?

Bên cạnh yếu tố KQKD tích cực trở lại, việc cổ phiếu cao su tăng mạnh trong thời gian gần đây còn bắt nguồn từ những kỳ vọng về sự phục hồi của giá cao su thế giới. Tính tới ngày 27/10, hợp đồng tương lai cao su trên sàn Tocom đã ở mức trên 180 yên/kg, tăng 20% so với thời điểm cách đây 2 tháng.


Giá cao su đang phục hồi ấn tượng. Nguồn: tradingeconomics

Giá cao su đang phục hồi ấn tượng. Nguồn: tradingeconomics

Diễn biến thuận lợi của giá cao su thời gian qua có tác động từ cả nguồn cung và nguồn cầu. Cụ thể, trong giai từ tháng 3 đến tháng 8 vừa qua, các nhà sản xuất lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã nhất trí cắt giảm xuất khẩu 615 nghìn tấn cao su nhằm hạn chế đà lao dốc. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của 11 nước thuộc khối ANRPC đã tăng tốt 3,5% so với cùng kỳ năm trước cũng giúp giá cao su được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, việc giá dầu liên tục leo dốc trong năm 2016 cũng giúp giá cao su tự nhiên hồi phục. Bởi lẽ, giá dầu tăng sẽ kéo theo đà tăng của cao su tổng hợp (sản phẩm từ dầu mỏ) và người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay trở lại với cao su tự nhiên.

CTCK BSC cho biết, theo tính chu kỳ, giá cao su thường có xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu năm và giảm trong nửa cuối năm. Do vậy, việc giá cao su hồi phục được BSC đánh giá là điều tích cực cho ngành cao su năm nay.

Về diễn biến giá cao su trong nước, BSC cho rằng giá bán ra của các doanh nghiệp thường có độ trễ so với giá cao su thế giới khoảng 2-3 tháng. Bởi vậy, việc giá cao su thế giới đang hồi phục mạnh trong 2 tháng qua được kỳ vọng giúp giá cao su bán ra của các doanh nghiệp trong nước được cải thiện trong thời gian tới.

BSC kỳ vọng giá cao su bán ra của các doanh nghiệp trong nước trong quý 4 sẽ dao động quanh mức 30 – 31 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch (26 triệu đồng) và cao hơn 12% so với mức giá bán trung bình trong quý 4/2015 – 27,3 triệu đồng/tấn. Thông thường, sản lượng khai thác cao su sẽ gia tăng về cuối năm và với việc giá cao su đang trên đà hồi phục, nhiều khả năng lợi nhuận các doanh nghiệp cao su sẽ tăng trưởng tích cực trong quý 4.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên