MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp"

15-07-2023 - 08:42 AM | Doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn tháng 7/2023

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn tháng 7/2023

"Tôi thích câu nói: Trường học chính là cuộc sống. Sinh viên học trên trường phải hiểu được cuộc sống, đừng để khi kết thúc 4 năm học mới bước ra đời với bỡ ngỡ và rụt rè” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

“Nhiều năm về trước, Nhật Bản trải qua một giai đoạn giống Việt Nam, khi “bọn trẻ” rời các làng quê lên Tokyo học và làm nhiều ngành khác nhau, nhưng không ai chịu làm nông nghiệp cả” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam Lê Minh Hoan tâm sự trong một Hội nghị được tổ chức gần đây.

Thế nhưng Nhật Bản vẫn phát triển được một nền nông nghiệp kiểu mẫu với những “nông dân” giàu có và tri thức. Cách làm của Nhật Bản là chìa khoá mà ông Lê Minh Hoan mong muốn có thể giải quyết được nghịch lý trong vấn đề nhân sự cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp" - Ảnh 1.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022, cả nước có 521.263 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo, nhưng chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và thú y. Tức chỉ chiếm 1,37%.

Phân ngành nhỏ hơn, tỷ lệ tuyển sinh của ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 0,86%. Chỉ tiêu tuyển sinh đạt được của ngành này qua các năm 2020, 2021, 2022 là 44,2%; 62,32% và 49,1%. Đây là một trong những ngành có kế quả tuyển sinh kém nhất trong 3 năm liên tiếp.

Kết quả thống kê từ các trường của Bộ NN&PTNN cho biết, giai đoạn 2016-2020, học sinh, sinh viên đăng ký ngành học liên quan đến nông lâm nghiệp thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011-2012.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp" - Ảnh 2.

Tương phản với sự giảm sút về số lượng người học là nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản. 5 năm qua, các doanh nghiệp cho biết đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học.

Ví dụ, tại trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế giai đoạn 2018-2023, hàng năm các DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200 – 3.000 kỹ sư, bác sỹ thú y nhưng số sinh viên ra trường chỉ có 1.500 – 2.000, đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng. Đại diện CTCP Greenfeed cho biết, hàng năm công ty này cần trung bình 1.000 nhân sự. Đặc biệt, trong thời đại số hóa, yêu cầu người lao động cần có những kỹ năng đa dạng mới để đáp ứng nông nghiệp công nghệ cao.

“Điều đáng buồn hơn nữa là tình yêu với công việc trong lĩnh vực nông nghiệp của các sinh viên ra trường rất thấp. Họ sẵn sàng từ bỏ công việc này khi gặp khó khăn hoặc có cơ hội trong ngành nghề khác” – Đại diện CTCP Tập đoàn PAN nói.

Theo đại diện các trường đại học, một trong những lý do cho hiện tượng này là phụ huynh và học sinh THPT đều cho rằng ngành nông nghiệp sẽ vất vả, chịu nhiều rủi ro bởi điều kiện thời tiết trong khi mỗi gia đình chỉ có 1 – 2 con. Xu thế lựa chọn ngành nghề theo sở thích, danh tiếng của ngành học hơn là cơ hội việc làm và thu nhập sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, mặc dù nông nghiệp được xác định là trụ đỡ nhưng chưa có chính sách lớn đối với các trường về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… cũng như hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên khối ngành nông lâm ngư nghiệp.

Bộ NN&PTNN tính toán, nhu cầu đến năm 2025 là 10.000 cán bộ quản lý nông nghiệp, 80.000 cán bộ HTX nông nghiệp, 100.000 nông dân được đào tạo và 60.000 người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Trong khi đó, báo cáo Ngân hàng thế giới 2019 cho thấy Việt Nam sẽ cần khoảng 40.000 kỹ sư trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản vào năm 2025. Nhu cầu này bắt nguồn từ nhu cầu triển khai các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như nông nghiệp chính xác, tự động hóa nuôi trồng thủy sản và canh tác thông minh, để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và nâng cao sản lượng.

Hơn nữa, thị trường toàn cầu cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đang mở rộng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa của mình.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn quốc tế, các nguồn nhân lực có kiến thức về chế biến thực phẩm, đóng gói và kiểm soát chất lượng là rất cần thiết. Ngoài ra, các kỹ sư có thể đóng góp vào sự phát triển của các hoạt động bền vững, chẳng hạn như canh tác hữu cơ, quản lý nước hiệu quả và giảm thiểu chất thải, đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của ngành.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp" - Ảnh 3.

Tháng 7/2023, lần đầu tiên Bộ NN&PTNN tổ chức một chuỗi Hội nghị quy mô lớn tại 3 tỉnh thành về Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn.

Khi phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ ấn tượng của mình sau chuyến tham dự diễn đàn G20 về một tập đoàn giống của Ấn Độ. Tập đoàn này đã xây một trường đại học lớn để trực tiếp đào tạo sinh viên làm nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp, cũng như cho ngành nông nghiệp Ấn Độ. Bộ trưởng nhận xét, không chỉ trên thị trường quốc tế mà tại Việt Nam, các tỷ phú, doanh nhân ngày càng đầu tư nhiều cho giáo dục, mở viện nghiên cứu và tài trợ các học bổng cho sinh viên.

Cuộc khảo sát của Bộ NN&PTNT với các trường và doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong sự hợp tác hiệu quả giữa các bên, là động lực để Bộ tổ chức chuỗi Hội nghị này.

Ông Lê Minh Hoan tâm sự: “Người ta thường nói, trường học là nơi chuẩn bị hành trang cho sinh viên bước vào cuộc sống. Nhưng tôi thích câu nói này hơn: Trường học chính là cuộc sống. Sinh viên học trên trường phải hiểu được cuộc sống, đừng để khi kết thúc 4 năm học mới bước ra đời với bỡ ngỡ và rụt rè”.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp" - Ảnh 4.

Nghịch lý cầu nhiều hơn cung đối với nhân sự của ngành nông nghiệp cần một bộ giải pháp đồng bộ, nhưng một trong những giải pháp có thể làm ngay để cân bằng nghịch lý, cũng như đáp ứng mong mỏi của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp: Doanh nghiệp bước vào trường học và thầy cô, HSSV bước vào các trang trại để sống trong thực tế.

“Nhà trường đã dạy cho học sinh kiến thức, kỹ năng và thái độ sống, còn Doanh nghiệp hãy dạy các em biết ước mơ. Hãy coi việc đến trường nói chuyện, diễn thuyết với các em về hành trình thành công của mình là một trách nhiệm. Hãy đưa một giấc mơ, một phương pháp luận về tư duy thực tế đến trường học để giúp cho sinh viên dám mơ lớn. Điều đó sẽ kích hoạt giấc mơ của cả một thế hệ trẻ” – Bộ trưởng bày tỏ.

Ông Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp phải theo đuổi lợi nhuận nhưng không thể coi lợi nhuận là mục tiêu duy nhất. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm tạo ra giá trị cho cộng đồng và trên con đường đó, họ cũng thu về giá trị cho mình.

“Tôi mong rằng các DN ngồi đây hiểu rằng những điều chúng ta làm hôm nay không chỉ là một văn bản thỏa thuận hợp tác hay một suất học bổng cho sinh viên, mà thiêng liêng hơn. Đó là hợp tác hợp lực cùng kiến tạo một con đường để tạo ra giá trị cho cuộc đời này. Dù bây giờ các doanh nghiệp đều rất khó khăn, những mỗi người một chút, hãy thấu cảm và có trách nhiệm với thế hệ trẻ vì 10, 15 năm nữa, họ sẽ là những người chủ của đất nước” – Bộ trưởng kết lại.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp" - Ảnh 5.

Thực tế, trước nghịch lý của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, bản thân các doanh nghiệp đều kỳ vọng có một mô hình hợp tác hiệu quả với các trường đại học, cơ sở đào tạo. Điều này không chỉ giúp giải bài toán của ngành mà còn là giải pháp cho vấn đề nhân sự chất lượng cao tại doanh nghiệp nông nghiệp.

Bên lề Hội nghị, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, cho biết “cần nhiều bước đi để nâng tầm nông nghiệp Việt Nam, trong đó, nâng cao nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng giúp ngành nông nghiệp theo kịp chuyển đổi số, công nghệ số”. Bà Trà My cũng nhận định, Việt Nam gần đây đã được quốc tế chú ý nhiều hơn trong câu chuyện an ninh lương thực, thực phẩm, nhiều nhà đầu tư đang mong muốn đến Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực này. Đây là thời điểm vàng để lan tỏa và thúc đẩy doanh nghiệp hỗ trợ cùng Bộ NN-PTNT trong đào tạo nguồn nhân lực.

Tham luận tại hội nghị của PAN chỉ ra rằng, chương trình giảng dạy tại các trường hiện tại cần theo kịp nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp và thủy sản.

Những tiến bộ công nghệ nhanh chóng đang đòi hỏi phải cập nhật liên tục các chương trình giáo dục để trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng mới nhất. Quá trình sửa đổi và điều chỉnh chương trình giảng dạy nếu diễn ra chậm sẽ hạn chế khả năng của các trường đại học trong việc theo kịp nhu cầu của ngành.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp" - Ảnh 6.

Là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, như giống cây trồng, các giải pháp quản lý dịch bệnh, bảo vệ mùa màng và thủy sản, Tập đoàn PAN và các công ty thành viên có nhu cầu rất lớn cho các vị trí như Kỹ sư nông nghiệp, Kỹ sư thủy sản, Chuyên viên nghiên cứu cây trồng và Quản lý sản xuất. Yêu cầu chung cho các vị trí này bao gồm kiến thức chuyên môn về nông nghiệp hoặc thủy sản, kỹ năng quản lý và làm việc nhóm, và khả năng thích ứng với môi trường làm việc nông nghiệp.

Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, với việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao như nước mắm, bánh kẹo, cà phê, hạt điều và các sản phẩm nông, thủy sản, các công ty thành viên của PAN thường tuyển dụng nhân sự cho các vị trí như Kỹ sư thực phẩm, Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Chuyên viên chất lượng, và Quản lý sản xuất.

“Những ứng viên gia nhập Tập đoàn PAN cần có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thực phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng và an toàn thực phẩm, cũng như kỹ năng tư duy sáng tạo và khả năng làm việc trong môi trường động và đòi hỏi chất lượng cao” – Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn PAN cho biết.

Trong những năm qua, mối quan hệ giữa các đơn vị giáo dục với doanh nghiệp đã được thiết lập. Ví dụ trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội, Cao đằng cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, Cao đẳng cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đã chủ động ký hợp tác với Samsung, Canon, Toyota, Foxconn, THAGRICO, CJ Vina Agri… để đưa sinh viên đến thực tập, cam kết việc làm và cung cấp học bổng, trả lương cho sinh viên trong quá trình học và thực tập.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp" - Ảnh 7.

Nhưng một sự hợp tác đơn giản là chưa đủ. Phía PAN đề xuất một mô hình hợp tác.

Trong đó, các trường đại học có thể thành lập ban cố vấn ngành bao gồm đại diện của các doanh nghiệp nông nghiệp và thủy sản. Các hội đồng này có thể cung cấp thông tin chi tiết về các xu hướng hiện tại của ngành, xác định khoảng cách kỹ năng và đưa ra các khuyến nghị để phát triển chương trình giảng dạy. Các cuộc họp và hợp tác thường xuyên giữa các học viện và ngành công nghiệp có thể đảm bảo rằng các chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu của ngành.

Về chương trình giảng dạy, các trường đại học nên ưu tiên các chương trình đào tạo và thực tập thực tế với sự hợp tác của các doanh nghiệp nông nghiệp. Bằng cách làm việc cùng nhau, các trường đại học có thể khai thác chuyên môn và nguồn lực của ngành, trong khi các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ những hiểu biết sâu sắc về học thuật và khả năng tiếp cận nhân tài.

Các trường đại học và doanh nghiệp có thể hợp tác trong các dự án nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức của ngành và thúc đẩy tiến bộ công nghệ; mời các chuyên gia trong ngành làm giảng viên khách mời hoặc trợ giảng. Điều này có thể cung cấp cho sinh viên những quan điểm trực tiếp về ngành, những hiểu biết thực tế và những tiến bộ công nghệ mới nhất.

Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết, bên cạnh cam kết trao học bổng cho sinh viên các trường, mục đích chính của tập đoàn là “đề xuất những giải pháp góp phần giải quyết bài toán khó của ngành, cùng nhau tạo ra thế hệ mai sau, cùng các bạn viết giấc mơ, khơi dậy ý tưởng sáng tạo, truyền cảm hứng để các bạn tự tin, bản lĩnh, sẵn sàng dấn thân trên hành trình không đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa” (hành trình nông nghiệp – PV) – bà Trà My chia sẻ.

Có chung quan điểm, Hội nghị này chứng kiến gần 50 văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp và các trường đại học. Riêng PAN Group trao tặng một gói học bổng 3 tỷ đồng cho 3 trường ĐH.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cách DN giải quyết nghịch lý "không ai muốn học ngành nông nghiệp" - Ảnh 8.

Nỗ lực của Bộ Nông nghiệp cùng sự chung tay của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ thổi lên động lực cho những người trẻ đam mê với nông nghiệp và trong tương lai không xa, Việt Nam có một nền nông nghiệp “kiểu mẫu”.

Ngô My - Vũ Nhật

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên