MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong, nhà đầu tư có nên tin vào lời "cá mập"?

Chỉ sau 2 ngày trước 2 động thái của thị trường, một lãnh đạo công ty chứng khoán lớn đưa ra 2 nhận định tương đối nghịch nhau, tức "thị trường đang đi vào giai đoạn rất nhạy cảm" và rồi "thị trường đang đi vào chu kỳ tốt nhất kể từ lúc thành lập cho đến nay"?!

Thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ đang đi vào giai đoạn nóng nhất từ đầu năm đến nay, khi mà chỉ số VN-Index liên tục trồi sụt với mức biến động lên đến hơn 40 điểm! Đỉnh điểm phiên 19/4 thị trường nhuốm sắc đỏ khi VN-Index giảm đến 44 điểm, đánh mất vùng giá 1.138 để quay về mốc 1.094. Khối ngoại bán tháo, nhà đầu tư hoang mang. Vào những thời khắc thế này, thị trường cần lắm nhận định của những chuyên gia, những tay chơi có sức ảnh hưởng lớn.

Và trong cơn bĩ cực ấy, người đứng đầu một công ty chứng khoán lớn trong nước, gọi nôm na là "cá mập" tỏ ra rất quan ngại về diễn biến tương lai gần của thị trường chứng khoán thế giới khi cuộc chiến thương mại Trung Mỹ tiếp tục gia tăng cũng như việc FED tiếp tục nâng lãi suất. Theo vị này, nếu xảy ra những biến động của thị trường thế giới thì Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng nặng, thị trường do đó đang đi vào giai đoạn rất nhạy cảm.

Liên quan đến chứng khoán thế giới, chiến thương mại và động thái tăng lãi suất của FED không còn là thông tin mới và cũng được cho là nguyên nhân gây nên cú sụt giảm dữ dội vào ngày 5/2 và 5/3 của chỉ số VN-Index từ đầu năm nay. Bất chấp mọi triển vọng từ bức tranh vĩ mô hay câu chuyện nâng hạng thị trường Việt Nam trong bảng xếp hạng của MSCI, nhiều "cá mập" khác cùng tỏ ra lo lắng cho thị trường sau những cú giảm sốc trên.

Trở lại phiên giao dịch ngày 19/4, sau cú giảm mạnh đánh rớt mốc 1.138 thì phiên liền sau đó, VN-Index quay đầu tăng hơn 25 điểm, hồi phục về mức 1.119,86. Thị trường tăng điểm, song các lo ngại về kịch bản thủng đáy lại lên cao? Trả lời, cũng vị lãnh đạo hôm nọ lại khẳng định thị trường đang đi vào chu kỳ tốt nhất kể từ lúc thành lập cho đến nay?!

Lý lẽ đưa ra lần này rằng đánh giá thị trường đang tốt không có nghĩa rằng chỉ số VN-Index phải luôn luôn tăng trưởng cao, mà theo "cá mập" có rất nhiều yếu tố để đánh giá tốt hay xấu. Tuy nhiên, có 2 mục tiêu của thị trường cần lưu ý là thực hiện chức năng huy động vốn và cung cấp vốn cho nền kinh tế. Trên thực tế vài năm nay chức năng huy động vốn của thị trường chứng khoán đang rất tốt và nền kinh tế có thể dựa vào đó để phát triển.

Thậm chí, "cá mập" này còn cho rằng VN-Index lên - xuống, cao - thấp, có tăng có giảm đan xen nhau, mới là dấu hiệu của sự bền vững. Bởi lẽ không có thị trường nào cứ tăng lên mãi hay cứ đi xuống mãi. Nếu ai cũng nghĩ ngày mai chứng khoán lên thì ai bán, và ngược lại, tất cả đều nghĩ ngày mai chứng khoán xuống thì ai mua vào, vị này đặt câu hỏi.

Như vậy, chỉ sau 2 ngày trước 2 động thái của thị trường, chuyên gia chứng khoán trên đưa ra 2 nhận định tương đối nghịch nhau, tức "thị trường đang đi vào giai đoạn rất nhạy cảm" và rồi "thị trường đang đi vào chu kỳ tốt nhất kể từ lúc thành lập cho đến nay".

Nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong, liệu rằng nhà đầu tư có nên tin vào lời "cá mập"?

VN-Index tiếp tục rớt thảm ngay sau kỳ nghỉ lễ

Đó là câu chuyện từ tháng 4 trở về trước, một ví dụ về niềm tin vào "cá mập" giai đoạn nghỉ lễ là dự báo thị trường của những công ty chứng khoán. Theo thống kê, nhiều công ty chứng khoán, chuyên gia đồng thuận cho rằng thị trường chứng khoán sẽ bùng nổ sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Có 4 nguyên nhân chính cho sự lạc quan trên:

(1) Số lệnh mua đã áp đảo số lệnh bán, khối lượng đặt mua cũng áp đảo khối lượng đặt bán;

(2) sự hoảng loạn đã không còn;

(3) nhà đầu tư đã quên "sell in May" và hành động hoàn toàn ngược lại;

(4) KQKD của nhiều doanh nghiệp quý 1 khả quan và dự báo cả năm 2018 tăng trưởng;

Thậm chí, hiểu được tâm lý của nhà đầu tư lo lắng khi thị trường biến động thất thường chính là cơ hội cho "cá mập" gom hàng, nhiều chuyên gia còn trấn an rằng nhà tạo lập chỉ có thể tạo lập được giá nhưng chỉ báo thì không thể.

Nhưng, trên thực tế, ngay phiên đầu giao dịch lại (2/5), thị trường không những không bùng nổ mà còn rớt thảm đến 21 điểm, tiến sát về vùng giá 1.000. Khối ngoại tiếp tục động thái bán tháo với khối lượng bán ròng phiên 2/5 là 380 tỷ đồng. Hai phiên tiếp sau đó, VN-Index có chững lại, chốt tuần giao dịch sau kỳ nghỉ lễ tại mức 1.026,08 điểm, tổng lượng bán ròng 3 phiên (2-4/5) của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 1.850 tỷ đồng!

Nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong, nhà đầu tư có nên tin vào lời cá mập? - Ảnh 1.

Biến động chỉ số VN-Index 6 tháng qua.

Tựu trung lại, sẽ còn niềm tin nào ở lại trong giới đầu tư sau bấy nhiêu diễn biến trên? Và phải chăng, trong lúc thị trường khá nhạy cảm, nhận định đến từ các chuyên gia, đặc biệt những "cá mập" có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số có lẽ chỉ nên xem là tham khảo cho động thái đầu tư. Bởi đó cũng là những dự báo cá nhân, chưa kể trong nhiều trường hợp xuất phát từ những mục đích riêng. Nhà đầu tư không muốn cháy tài khoản thì bất kể lúc nào cũng phải luôn có chiến lược rõ ràng và tuân thủ những nguyên tắc đầu tư, tức không quá tham lam khi thị trường tăng cũng như không quá sợ hãi khi thị trường giảm.

Nói về chiến lược đầu tư sao cho hiệu quả, nhớ lại trong một buổi hội thảo các chuyên gia từng phát biểu: "Một cách đầu tư thông minh và tránh trường hợp xấu nhất là "chết" khi thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư bên cạnh chiến lược rõ ràng, điều kiện tiên quyết phải có tiền mặt, của đề dành". Hay "với nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường thì các bạn nên học cách kiểm soát cảm xúc của các bạn, đây là điều tiên quyết nhất. Thứ hai là bạn phải biết có của để dành đi cùng với chiến lược cụ thể, mục tiêu sinh lợi trên timeline rõ ràng". Trong bối cảnh thị trường liên tục dò đáy như hiện nay, nhà đầu tư cũng có thể tham khảo để giữ vững được vị thế của mình.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên