Nokia và BlackBerry: “Ông hoàng” trở lại hay chỉ là “ăn mày dĩ vãng”
Cả Nokia và BlackBerry đều đang sử dụng triệt để chiến lược "hồi tưởng quá khứ" để mong "ngoi lên" thêm một lần nữa trong năm 2017. Nhưng khi hiệu ứng này kết thúc, cả hai có tự tạo cho mình được chỗ đứng thực sự?
- 11-12-2016Câu chuyện tạo nên lịch sử chỉ có Nokia mới làm được
- 15-05-2016Microsoft đóng cửa mảng điện thoại phổ thông, bán tên Nokia cho Foxconn?
Dĩ vãng là một thứ có sức mạnh. Con người thường bị hấp dẫn bởi những thứ thân thuộc, đặc biệt là những ký ức tốt đẹp trong quá khứ. Các công ty cũng hiểu được nhu cầu cơ bản này của con người và còn biết rõ rằng người dùng sẵn sàng bỏ tiền để mua những sản phẩm mới từ những cái tên, những thương hiệu hoặc thậm chí là những dòng sản phẩm đã cũ.
Xu hướng này đã xuất hiện vào năm 2016 và dường như vẫn đang tiếp tục trong năm 2017. Năm ngoái, chúng ta đã được chứng kiến hãng Kodak cố gắng đem chiếc máy ảnh “vàng son” quá khứ Super 8 và thậm chí là cả một chiếc smartphone chuyên camera quay trở lại. Chúng ta cũng chứng kiến Nintendo ra mắt phiên bản “Classic Edition” lấy cảm hứng từ chiếc NES đời đầu kèm theo nhiều game tích hợp. Ngoài ra, còn có thể kể đến nhiều ví dụ khác về phim, chương trình truyền hình...
Giờ đây, hai “ông hoàng” trong quá khứ là Nokia và BlackBerry đang cố gắng sử dụng chiến thuật “hồi tưởng dĩ vãng” và nhận dạng thương hiệu để “ngoi lên” thêm một lần nữa vào năm 2017. Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là liệu Nokia và BlackBerry có thể tự mình tỏa sáng không khi hiệu ứng “hồi tưởng dĩ vãng” hết tác dụng? Để trả lời câu hỏi này không phải là một việc đơn giản. Hãy cùng nhìn vào thương hiệu, chiến lược và những nỗ lực của cả hai cho đến thời điểm này.
BlackBerry: Tập trung vào kinh doanh và chú trọng vào hiệu ứng “hồi tưởng dĩ vãng”.
Với BlackBerry Priv, BlackBerry đã thử sử dụng hiệu ứng “hồi tưởng dĩ vãng” và sự hỗ trợ của các fan trung thành để lôi kéo người dùng về với những thiết bị Android bàn phím trượt. Kết quả tạo ra là một sản phẩm pha trộn. Nhiều người tìm đến với sản phẩm này vì nhớ nhung những chiếc BlackBerry “thần thánh vang bóng một thời”, thế nhưng nếu chỉ dựa trên trải nghiệm người dùng thì chiếc điện thoại không thể tự tạo được chỗ đứng.
Chúng ta đều biết rằng điều này đã khiến BlackBerry phải tìm ra một lộ trình khác, và cuối cùng, thương hiệu BlackBerry về tay TCL, một công ty đứng sau Alcatel.
Chúng ta đang ở trong năm 2017 và BlackBerry KEYone dường như lại là một chiến dịch phục hưng thương hiệu nữa. Đem những bàn phím vật lý đến với điện thoại Android là một hình thức “hồi tưởng dĩ vãng” nhưng chiếc điện thoại này còn hơn cả vậy. Nó cũng đã đưa tất cả trở về với thời kỳ đầu của BlackBerry.
Với Priv, BlackBerry cố gắng nhắm vào những người dùng thường ngày, nhưng với KEYone, dường như công ty đã đổi chiến lược và chỉ tập trung phục vụ các doanh nghiệp. Liệu con đường này có giúp công ty thành công? Chiến lược có thể hiệu quả, có điều không rõ liệu KEYone có là chiếc điện thoại được thị trường đón nhận hay không mà thôi.
Thành thực mà nói bàn phím vật lý của KEYone rất thú vị với một cảm biến vân tay nữa nhúng vào phím cách trống và hơn 50 phím tắt sử dụng các nút trên bàn phím. Chiếc bàn phím này không hẳn đã giúp chiếc điện thoại tốt hơn vì thế chưa chắc những người dùng doanh nhân đã yêu thích nó.
BlackBerry còn làm được gì nữa? Một số ứng dụng và dịch vụ Android đặc biệt của BlackBerry thực sự hữu ích cho người dùng doanh nhân. Vấn đề là các đối thủ từ lâu đã rất nỗ lực để vượt mặt BlackBerry trong lĩnh vực này. Cả Apple lẫn Samsung đều có những tính năng dành riêng cho người dùng doanh nhân. Hai hãng thậm chí còn có những phần mềm và dịch vụ thay thế có khả cạnh tranh như Knox của Samsung, nhưng nhiều người vẫn lập luận rằng BlackBerry dù sao thì cũng đi trước những đối thủ này một bước.
Vậy KEYone còn điểm gì nổi bật? Thẳng thắn mà nói là chẳng có gì rõ rệt ngoại trừ thiết kế cổ điển và phần mềm. Điều này đồng nghĩa với việc BlackBerry phụ thuộc nặng nề vào khả năng nhận dạng thương hiệu, hy vọng rằng khách hàng doanh nghiệp sẽ biết đến BlackBerry như một sản phẩm hữu ích và bảo mật.
BlackBerry có tiếng tăm đủ lớn để các doanh nghiệp biết đến, thêm vào đó, KEYone lại có vẻ ổn định hơn so với Priv ra đời năm ngoái. Vấn đề duy nhất ở đây là tại sao các công ty lại phải mạo hiểm đầu tư vào một sản phẩm như vậy?
KEYone có giá 550 USD và có thông số chẳng khác gì những chiếc điện thoại Android giá 300 USD (hoặc thấp hơn). Các doanh nghiệp có thể mua nhiều siêu phẩm khác với mức giá chỉ ngang ngửa KEYone và thậm chí còn mua được những thiết bị có thể dùng lâu dài hơn chiếc KEYone trước khi cần phải thay mới. Đó là còn chưa kể đến việc BlackBerry có thương hiệu thật, nhưng ai cũng biết thương hiệu ấy đã "lỗi thời”.
BlackBerry vẫn có thể kiếm được người dùng, có lợi nhuận, đặc biệt là người dùng doanh nghiệp, nhưng chỉ khi nào công ty tìm ra mức giá hợp lý cho sản phẩm kèm theo chiến lược marketing vững mạnh để thuyết phục được khách hàng mạo hiểm thử trải nghiệm một BlackBerry hoàn toàn “mới”.
Nokia: Hồi tưởng quá khứ và đỉnh cao theo một cách lớn lao hơn
Nokia 3310 (2017)
Đã xong phần của BlackBerry, còn HMD Global và những chiếc Nokia mới thì sao? Rõ ràng là Nokia cũng đang dùng chiến thuật “hồi tưởng quá khứ” để khiến người dùng hào hứng về chiếc Nokia mới. Cứ nhìn vào chiếc Nokia 3310 (2017) là đủ hiểu.
Không thể phủ nhận rằng Nokia vẫn còn rất nhiều fan ngoài kia, đặc biệt là tại châu Âu. Tình yêu các fan dành cho Nokia còn lớn hơn tình yêu của các fan BlackBerry với những sản phẩm của “Dâu Đen”. Nhiều người đã nhìn thấy một Nokia mới quay trở lại và cố gắng xóa sạch sai lầm lớn nhất của Nokia cũ: cổ xúy Windows thay vì Android.
Những yếu tố khác có tác động tích cực đến HMD Global đó là sự hết mực tận tâm của các cựu nhân viên Nokia cũng như thương hiệu Phần Lan của Nokia. Hãy cùng nhìn xem những nỗ lực theo kiểu “hồi tưởng quá khứ” ấy sẽ đi đến đâu. Khi trào lưu phai nhạt, thương hiệu Nokia có thể tự mình tỏa sáng? Bây giờ vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi này, hãy cùng chờ xem họ sẽ tiến hành những chiến lược như thế nào trong tương lai.
ICTnews