Nóng chuyện ‘đất trống thì không quy hoạch, mà quy hoạch vào nhà dân’
Trước những vấn đề tồn đọng dai dẳng về quy hoạch, lãnh đạo huyện Củ Chi (TPHCM) khẳng định nếu quy hoạch nào bất hợp lý thì sẽ điều chỉnh, còn phần nào vì sự phát triển chung của thành phố và huyện thì không thể điều chỉnh.
- 30-11-2023Hé lộ những khu vực bất động sản đang được nhà đầu tư âm thầm “săn lùng” cuối năm
- 30-11-2023Từng sôi sục vì sốt đất và được ví như Đà Lạt của Tây Nguyên, nơi đây sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực vào năm 2045
- 30-11-2023Một số khu vực bất động sản thuộc “hàng xóm” của Đà Nẵng gần như rơi vào ngủ đông
Sáng 30/11, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 10 gồm bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM và Thiếu tướng Phan Văn Xựng – Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM và tổ đại biểu HĐND TPHCM đơn vị 27, 28 đã tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND TPHCM, cử tri Võ Minh Trí (xã Phước Thạnh) cho biết chuyện quy hoạch “treo” nhiều năm là vấn đề nói mãi nhưng không giải quyết được.
Bản thân ông được gia đình cho một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không sử dụng được bởi khi xin phép xây dựng và chuyển mục đích sử dụng đất đều gặp những khó khăn. “Tôi kiến nghị, quy hoạch đó nếu thực thi thì tiến hành, còn không thì xóa để dân bớt khổ”, ông Trí bày tỏ.
Cùng chung “nỗi lòng”, cử tri Lê Đình Văn (xã Phước Vĩnh An) cho rằng bà con rất quan tâm đến câu chuyện thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch bởi điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống, gây lãng phí tài nguyên đất.
Trong khi đó, cử tri Phạm Thị Ngọc Dung (xã Bình Mỹ) cho biết tuyến đường Hà Duy Phiên trên địa bàn có lưu lượng xe đông và thường xảy ra các vụ tai nạn. Hiện, tuyến đường này bị sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng lại ngập nặng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Do đó, người dân kiến nghị các cấp lãnh đạo thành phố sớm đầu tư nâng cấp, cải tạo.
Chờ bước chuyển mới từ Nghị quyết 98
Trao đổi với cử tri xoay quanh công tác đầu tư hạ tầng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Bùi Hòa An, cho biết, đối với những vướng mắc liên quan các dự án hạ tầng giao thông, cái “kẹt” là ngân sách thành phố không đảm bảo hết các nhu cầu này, do đó cũng phải cân nhắc làm cái nào trước, cái nào sau.
Tuy nhiên, ông An cũng cho hay, Nghị quyết 98 của Quốc hội mang lại điều thuận lợi là cho phép sử dụng một số hình thức đầu tư khác và tới đây ngành giao thông sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố, qua đó hy vọng có bước chuyển mới về hạ tầng giao thông thành phố trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền nhấn mạnh, việc đầu tư đường Hà Duy Phiên là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay vì đây là tuyến đường gắn liền với cụm khu công nghiệp Long An, cụm cơ khí ô tô khu vực Tân Uyên – Củ Chi, gắn kết hai huyện Hóc Môn – Củ Chi. “Chính quyền huyện kiến nghị sở, ngành, thành phố đầu tư tuyến đường này để giảm áp lực đi lại trên tuyến, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông”, bà Hiền nói thêm.
Điều chỉnh những quy hoạch bất hợp lý
Đối với vấn đề quy hoạch, bà Phạm Thị Thanh Hiền cho biết huyện kiến nghị UBND TPHCM và sở, ngành để điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo cho sự phát triển chung của thành phố và huyện.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi thừa nhận hiện nay còn có những quy hoạch chưa phù hợp với phần đông nhân dân. Hiện nay huyện có nhiều quy hoạch chung riêng như quy hoạch cụm Tây Bắc, khu công nghiệp Tây Bắc, quy hoạch đất giáo dục, cây xanh, đường giao thông…, do đó cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. “Huyện nhìn nhận nếu quy hoạch nào bất hợp lý thì sẽ điều chỉnh, còn cái nào vì sự phát triển chung của thành phố và địa phương thì không thể điều chỉnh”, bà Hiền nêu rõ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo huyện Củ Chi bày tỏ mong muốn kiến nghị Quốc hội và thành phố quan tâm đến những khu vực quy hoạch mà khi chưa thực hiện quy hoạch thì Luật Đất đai, Luật Xây dựng cần phải có những cơ chế thoáng để tạo điều kiện cho nhân dân được thực hiện quyền của mình trên những mảnh đất bị quy hoạch để đảm bảo quyền lợi người dân.
Nỗ lực "giải phẫu" quy hoạch
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận vấn đề quy hoạch, quy hoạch treo, kể cả vấn đề tách thửa, chia tách hiện còn vô cùng khó khăn. Về quy hoạch, quy hoạch treo trên địa bàn, bà Lệ đề nghị UBND huyện phải tập trung rà soát thật kỹ, chỗ nào quy hoạch không phù hợp phải báo cáo, đề xuất điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, còn chỗ nào quy hoạch đã lâu, treo nhưng đến giờ này khả năng tài chính không thực hiện được thì phải báo cáo rõ lên UBND thành phố.
Người đứng đầu HĐND thành phố cho rằng thời gian qua, Củ Chi quy hoạch nhiều cái không hợp lý, “đất trống thì không quy hoạch, mà lại quy hoạch vào nhà dân”, hoặc đất người dân đang canh tác, sản xuất thì quy hoạch thành khu này, khu khác, gây tốn kém, lãng phí và gây bức xúc cho người dân. “Điều này nhiều lúc người dân không biết, đến khi có nhu cầu đi xem xét thì mới biết đất nhà mình do ông bà để lại bỗng dưng trở thành đất quy hoạch “khu công nghiệp bẩn””, bà Lệ nêu từ chính trường hợp của gia đình bà tại huyện Củ Chi.
Chủ tịch HĐND TPHCM yêu cầu trong thời điểm hiện nay khi thành phố đang điều chỉnh và quy hoạch chung toàn thành phố giai đoạn 2024 tầm nhìn đến năm 2060, bằng hết khả năng của mình, huyện Củ Chi nỗ lực “giải phẫu” rõ vấn đề quy hoạch để người dân bớt khổ. “Huyện cứ khảo sát, rà soát điều chỉnh và đề xuất trong trách nhiệm của mình. Cùng với đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng các đơn vị chức năng chủ động thẩm định, tham mưu báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định phê duyệt quy hoạch đó”, bà Lê đề nghị.
Tiền Phong