Nóng chuyện lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc
Tháng 7 tới đây, kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn 3.600 lao động Việt Nam đi Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS sẽ diễn ra, nhưng tỉ lệ lao động Việt bỏ trốn còn rất cao khiến nhiều cơ quan lo lắng.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện tỉ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước vẫn trên 40%, cao hơn rất nhiều nước có lao động phái cử sang Hàn Quốc làm việc. Con số này cho thấy mục tiêu giảm tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn theo yêu cầu từ phía Hàn Quốc là điều rất khó.
Mới đây, phía Hàn Quốc đã đưa ra một điều kiện, nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vượt quá 40% so với mức hai bên cam kết (cam kết 30%) thì sẽ dừng chuyện đưa lao động Việt Nam sang tiếp. Có thể nói, việc ký kết văn bản trên giữa hai bên đã làm tổn hao không ít công sức đàm phán nhưng hiện đang có nguy cơ mất trắng nếu như chúng ta không đảm bảo tỷ lệ lao động bỏ trốn như thỏa thuận.
Người lao động tham gia phỏng vấn chương trình EPS
Theo thông báo từ phía Hàn Quốc, hiện họ đang tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia phái cử lao động tới làm việc. Các nước này đều có lao động bỏ trốn nhưng tỉ lệ bỏ trốn trung bình của họ chỉ nằm trong khoảng 8-9%. Nước nhiều nhất cũng chỉ chiếm 15-16%.
Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết câu chuyện lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc là câu chuyện không còn mới nhưng vẫn rất đang "nóng".
Theo bà Lan, ngoài quy định xử lý đối với lao động cư trú bất hợp pháp, hiện phía Hàn Quốc cũng đã có chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp với mức phạt 20 triệu won (tương đương 20 nghìn USD). Các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi với phía Hàn Quốc để tìm giải pháp, cụ thể đã thực hiện giải pháp truy quét lao động bỏ trốn, ân hạn cho lao động bỏ trốn về nước.
Thực hiện đặc cách cho lao động quay về nước đúng hạn có thể quay lại Hàn Quốc làm việc, tuy nhiên có nhiều giải pháp đưa ra không thực hiện được trong thực tế do vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật, hoặc thực hiện nhưng hiệu quả không cao.
Đại diện Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền, vận động lao động tại nhiều tỉnh, thành chưa quyết liệt, chưa hiệu quả.
Đại diện Dolab cho rằng việc chưa quyết liệt trong xử lý lao động bỏ trốn là lý do khiến tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vẫn đang rất cao. Cùng với đó là chế tài xử lý lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe chủ sử dụng lao động Hàn Quốc và người lao động Việt Nam. Trong khi đó, cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước đối với người lao động trở về còn gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch về thu nhập giữa việc làm trong nước và Hàn Quốc quá cao khiến nhiều lao động tìm cách trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc... Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao tại Hàn Quốc hiện nay.
Người lao động