Nóng chuyện nhân sự của PXL
PXL đã bầu mới 3 thành viên HĐQT, kế hoạch đổi tên và điều lệ mới bất thành.
Chiều ngày 11/9, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 lần 2 của CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí-IDICO (UPCoM: PXL) đã được tiến hành thành công. Trước đó, Đại hội thường niên lần 1 ngày 29/8 đã bất thành vì số cổ phần tham dự dưới 51%.
Nóng chuyện nhân sự
Tại Đại hội lần này, các cổ đông PXL đã thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022 đối với các ông Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Văn Thúy và Hoàng Bình Trung.
Để bầu bổ sung 3 vị trí trống, các nhóm cổ đông đã đề cử thêm 6 thành viên. Tuy nhiên, một số đề cử chưa hợp lý như Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC – mã PVX) đề cử ông Nghiêm Quang Huy làm thành viên HĐQT độc lập nhưng ông lại là trợ lý Tổng giám đốc PVC. Nhóm cổ đông đề cử ông Nguyễn Thế Hiếu nhưng văn bản đến trước Đại hội 1 ngày nên không hợp lệ.
Do đó, danh sách đề cử thành viên HĐQT còn 4 người trong tài liệu gửi cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồng Hải (đại diện 8,54% vốn IDICO), ông Lê Thanh Sơn (đại diện 6 triệu cp của PVC), ông Đặng Việt Hưng (đại diện nhóm cổ đông công ty tư vấn Anh và ông Đoàn Văn Tuyến, 6,9% vốn) và ông Trần Ngọc Hưng (cổ đông lớn 5,12% vốn do ông Lê Công Trung đề cử).
Kết quả bầu cử cuối cùng, 3 thành viên trúng cử là ông Nguyễn Hồng Hải, Đặng Việt Hưng và ông Trần Ngọc Hưng. Như vậy, cơ cấu PXL gồm 5 thành viên HĐQT, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập.
Đổi tên và điều lệ bất thành
Ngoài vấn đề nhân sự, các cổ đông của PXL cũng chưa đạt được sự thống nhất trong 2 tờ trình đổi tên công ty và tờ trình thông qua dự thảo Điều lệ công ty.
Trong tài liệu gửi cổ đông, PXL cho biết công ty không có cổ đông lớn nào chi phối nên không cần thiết giữ chữ ‘Dầu khí-IDICO’. Bên cạnh đó, xuất phát điểm công ty là làm Khu công nghiệp Long Sơn, do đó PXL đã trình tên mới là CTCP Đầu tư Phát triển Long Sơn – Việt Nam (tên viết tắc là LS).
Ngoài ra, công ty còn trình dự thảo Điều lệ công ty mới. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng quốc tế (VIB) cho rằng công ty nên trình bày những điểm mới thay vì đọc toàn bộ. Ngoài ra, cổ đông VIB cũng không tán thành điều khoản HĐQT phải xin ý kiến các dự án đầu tư, bán tài sản có giá trị từ 35% tổng tài sản trở lên, vị đại diện cho rằng nên thay bằng con số 10% để tránh tập trung quyền vào HĐQT.
Kết quả biểu quyết cuối cùng, cả 2 tờ trình đổi tên và điều lệ mới đều không được thông qua với tỷ lệ lần lượt là 63% và 45% (thấp hơn mức thông qua theo điều lệ là 65%).
Kế hoạch lãi gấp 3 lần năm trước
Năm 2017, hoạt động kinh doanh của PXL có sự sụt giảm. Lợi nhuận sau thuế đạt 11,6 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2016 và chỉ đạt 58% kế hoạch năm. Theo tổng giám đốc Trần Mạnh Dũng, sự sụt giảm là do công ty bị chậm tiến độ dự án Huỳnh Tấn Phát.
Ngoài ra, hoạt động góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác cũng kém hiệu quả. Tổng mức góp vốn là 283,4 tỷ đồng nhưng chỉ có PVC-Bình Sơn là đơn vị duy nhất có lãi 3,8 tỷ năm 2017, tổng mức trích lập dự phòng cho các đơn vị này là 75,5 tỷ đồng.
Sang năm 2018, Ban lãnh đạo PXL đã đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 472,5 tỷ, tăng trưởng 132%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến mang về 30,7 tỷ đồng, gần 3 lần năm 2017.
Việc kế hoạch tăng mạnh là do công ty sẽ bàn giao và thu tiền khoảng 220 tỷ chung cư Huỳnh Tấn Phát khi đã hoàn thành 100%. Riêng dự án Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (850ha) đang xin chuyển đổi tính chất, chức năng do dự án bị giãn tiến độ đến 2030. PXL cũng tập trung thu hồi nợ, thoái vốn,… nhằm đạt mục tiêu có lợi nhuận để năm 2019 cổ phiếu được giao dịch trở lại sàn HoSE.
Người đồng hành