Nông dân "đi đêm" mới vay được vốn
Rất nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp nhưng nông dân, chủ trang trại khó tiếp cận, người chấp nhận vay thương mại thì phải "đi đêm".
- 21-03-2017Khi nào được cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn trả nợ ngân hàng?
- 13-02-2017Cá nhân đại diện vay vốn cho hộ kinh doanh phải là chủ hộ hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân
- 13-02-2017Ngân hàng Nhà nước giải thích vì sao hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng
Nhận xét trên được nhiều đại biểu đưa ra tại diễn đàn Vai trò của tín dụng trong hỗ trợ kinh tế hợp tác và phát triển trang trại do Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) tổ chức tại TP HCM ngày 15-6.
Rất nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp nhưng nông dân, chủ trang trại lại khó tiếp cận Ảnh: THỐT NỐT
Ông Ưng Thế Lãm, chủ trang trại thanh long 10 ha ở Bình Thuận, cho biết khi ông liên hệ vay ưu đãi ở ngân hàng (NH) tỉnh thì tỉnh chỉ về TP HCM do ông có hộ khẩu TP. Đến chi nhánh TP thì NH không cho vay vì tài sản thế chấp ở tỉnh không giám sát được. Sau đó, ông đành phải chuyển sang vay thương mại với lãi suất 9%/năm nhưng phải "đi đêm" mới được vay và khoản vay rất ít do NH chỉ định giá dựa trên đất nông nghiệp với giá rất thấp.
Theo ông Võ Quan Huy, "nông dân ngàn tỉ" ở Long An, nhận xét trước giờ có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng không đến được nông dân. "Năm 2007 có chính sách hỗ trợ lãi vay 4% nhưng đòi hỏi phải có hóa đơn chứng từ trong khi thực tế sản xuất người dân mua hàng từ các đại lý hưởng thuế khoán nên không thể có hóa đơn đỏ đành "bó tay". Tiếp đến là những chính sách gián tiếp thông qua các doanh nghiệp thu mua, tạm trữ, chế biến lúa gạo, cá tra, tôm,…
Các doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi phải đầu tư cơ sở hạ tầng máy móc, kho tàng,… nhưng vốn có hạn nên lại dùng vốn vay ngắn hạn đầu tư dài hạn, sau đó lại dùng tiền mua nguyên liệu (được hỗ trợ) không đúng mục đích dẫn đến tình trạng mua nợ, trả chậm cho nông dân. Chuyện vay vốn để đầu tư nông nghiệp cũng luôn bị trở ngại bởi tài sản thế chấp chỉ là đất, giá trị rất thấp so với tổng vốn đầu tư.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì khách hàng lĩnh vực này có thể được vay vốn tại các tổ chức tín dụng không cần tài sản bảo đảm. Nhưng lại quy định thêm đối tượng này cần phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi làm thủ tục vay vốn, nghĩa là người muốn vay vốn phải có tài sản bảo đảm. Chưa kể, người có ruộng đất nhưng bị chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH.