Nông dân miền Trung vui vụ hoa Tết
Dù thời tiết cuối năm mưa lạnh thất thường, nhưng các vựa hoa Tết miền Trung vẫn vui và hy vọng với nhiều tín hiệu tốt lành cho một mùa bội thu.
Bội thu
Xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) là một trong những vựa trồng hoa Tết lớn nhất Đà Nẵng, diện tích trên 5ha. Ông Nguyễn Trung, thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, cho biết, năm nay gia đình ông trồng khoảng 1.000 chậu hoa cúc, hoa ly, hoa vạn thọ, thược dược… Đặc biệt, ông còn nhập thêm các giống hoa mới ở Đà Lạt như hoa hoàng yến, cẩm thiên mai với giá mỗi chậu lên tới 1,5 triệu đồng.
“Mặt bằng hoa Tết năm nay đẹp hơn, giá hoa sẽ nhích hơn so với năm ngoái, thấp nhất là 180 nghìn đồng/chậu. Thương lái dưới thành phố đã đặt mua hết, dự tính ngày 18 âm lịch sẽ đến chở. Năm nay, gia đình tôi đầu tư 200 triệu đồng cho mùa hoa Tết, trừ chi phí thuốc men, phân bón khoảng 50 triệu đồng, còn lại là lãi”, ông Trung phấn khởi nói.
Cách đó không xa là vựa hoa Tết của vợ chồng anh Trần Ngọc Long với 1.100 chậu hoa các loại, trong đó có 650 chậu hoa cúc pha lê và khoảng hơn 100 chậu hoa cúc đại đóa. Thông thường, loại hoa cúc đại đóa có giá cao hơn 100.000 đồng so với cúc pha lê. Theo dự tính của anh Long, khoảng ngày 25 âm lịch tất cả hoa trong vườn sẽ đồng loạt nở rộ. Ông Lê Văn Tùng, một người lâu năm trồng hoa ở Hòa Liên, cho biết hoa phát triển tốt và đẹp hơn năm ngoái. Dự kiến khoảng 800 chậu hoa của ông trừ chi phí sẽ thu lãi trên 30 triệu đồng.
Vụ Tết năm nay, gia đình ông Nguyễn Quang (thôn Vân Dương) trồng trên 3.000 chậu hoa. Hoa nở đẹp nên gia đình ông rất phấn khởi.
“Năm nay, gia đình tôi thuê thêm nhân công (200 - 300 nghìn đồng/ngày) phụ thêm công việc tỉa lá, chăm bón cây, nhằm tung ra kịp thị trường Tết”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Trung cho biết thêm: “Toàn hợp tác xã Vân Dương chủ yếu trồng khoảng 36.000 chậu hoa cúc nhiều hơn so với năm ngoái (27.000 chậu), hoa ly khoảng 15.000 củ, các chậu hoa loại khác khoảng 40.000 chậu. Người dân ở đây đang phấn khởi về một mùa hoa bội thu”.
“Thủ phủ mai vàng” An Nhơn (Bình Định) những ngày này tấp nập cảnh các thương lái từ khắp nơi đến chở hoa. Trong đó riêng thôn Háo Đức (xã Nhơn An) là vựa mai lớn nhất tại Bình Định với khoảng 400 nhà trồng mai, bình quân mỗi hộ trồng khoảng 1.500 chậu mai. Những đợt bão lũ hồi cuối năm ngoái đã khiến người trồng mai bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng với kinh nghiệm lâu đời, bà con đã biết cách “cứu” thành công một vụ mai. Bà Bùi Thị Hương, thôn Háo Đức cho biết: “Các thương lái từ Bình Thuận, Hải Phòng, Đà Nẵng đã đến chọn chậu, mua mai rồi. Giá mai năm nay nhỉnh hơn năm ngoái, từ 300 ngàn/chậu đã lên 500 ngàn/chậu, bà con trồng mai chúng tôi phấn khởi lắm!”.
Huế - hoa Tết vươn dậy sau lũ
Tưởng chừng không thể gượng dậy nổi do mưa lũ tàn khốc đầu tháng 11/2017 liên tục vùi dập, nhưng đến nay, nhiều làng hoa Tết tại Thừa Thiên- Huế đã kịp phục hồi, sống dậy mạnh mẽ, hứa hẹn góp thêm những sắc màu hoa xuân cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Những ngày này, tranh thủ lúc thời tiết nắng ráo hoặc có mưa nhẹ, nông dân tại “thủ phủ” hoa Tết xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) hối hả chạy đua với thời gian, tập trung chăm sóc những ruộng hoa để kịp đưa ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán. Sau trận lũ cuối năm ngoái, xã Phú Mậu tập trung trồng khoảng 10 ha hoa các loại như cúc, lan, thược dược, ly ly... để phục vụ bán Tết, tập trung ở các thôn Thanh Tiên, Thế Vinh, Tiên Nộn, Vọng Trì.
Tại các xã Phú Thượng (huyện Phú Vang), Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), nghề trồng hoa chậu phục vụ Tết cũng phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, với số lượng hàng chục nghìn chậu. Những ngày cuối năm Đinh Dậu này, hàng chục nghìn chậu hoa cúc tại hai địa phương này cũng kịp kết nụ, đơm hoa để người trồng chuẩn bị tung ra thị trường. Nhiều gia đình đã bắt đầu cung cấp hoa chậu đi các nơi trong tỉnh, chủ yếu là tại thành phố Huế.
Những ngày cận Tết này, nông dân của các làng hoa, vùng trồng hoa tập trung nổi tiếng khác như thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy), Phú Mỹ, Phú Dương (huyện Phú Vang), Hương Hồ (thị xã Hương Trà) cũng hối hả nỗ lực chăm sóc và hy vọng hoa kịp nở đúng dịp Tết để gia đình có thêm nguồn thu trong năm mới, đón Tết no ấm hơn.
Được biết, toàn tỉnh TT-Huế có khoảng 50 ha ruộng hoa và gần 100.000 chậu hoa từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ cuối năm 2017. Đến nay, nhiều làng hoa trên địa bàn đã kịp phục hồi, sống dậy mạnh mẽ, hứa hẹn góp thêm những sắc màu hoa xuân rực rỡ cho Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp tới.
Đà Nẵng đấu giá chợ hoa Tết
Như mọi năm, chợ hoa Tết Đà Nẵng được tổ chức tại khu vực Quảng trường 29/3 và Đài tưởng niệm 2/9 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), bắt đầu từ ngày 7-15/2 (tức ngày 22-30 tháng Chạp). Điểm mới năm nay là sẽ đấu giá lô chợ hoa Tết công khai. Theo đó, thành phố sẽ đấu giá 164 lô đất, giá khởi điểm mỗi lô chợ hoa là 4,3 triệu đồng, được chia thành nhiều cụm nhỏ. Cụ thể: 7 cụm (2 lô) với giá 8,6 triệu đồng; 25 cụm (3 lô) giá khởi điểm 12,9 triệu đồng; 10 cụm (4 lô) giá 17, 2 triệu đồng; và 7 cụm (5 lô) có giá 21,5 triệu đồng. Ngoài ra, để tránh làm mất mĩ quan đô thị chợ hoa ngày tết, thành phố không cho phép dựng các lều tạm bợ để bán đồ thủ công mỹ nghệ trước mặt các nhà hàng tiệc cưới, trong khuôn viên vườn hoa đài tưởng niệm… như mọi năm.
Trần Loan
Tiền phong