Giá lợn giống khoảng 4 kg có giá gần 2 triệu đồng, nông dân khó tái đàn
Việc tái đàn lợn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn do thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, giá lợn giống quá cao.
- 02-06-2020Chính phủ lập phương án điều tiết giá thịt lợn, không để loạn thị trường
- 01-06-2020Trước khi lập đỉnh 105.000 đồng/kg, giá lợn có 5 tháng đầy biến động
- 01-06-2020Giá thịt lợn hơi 'hạ nhiệt' vì thông tin cho nhập thịt lợn sống nguyên con
Hiện nay, hầu hết các địa phương ở tỉnh Quảng Nam đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi và đang khuyến khích nông dân tái đàn, tăng đàn lợn. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn do áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học ở hộ chăn nuôi nông hộ còn hạn chế, giá lợn giống quá cao, trong khi công tác kiểm soát giết mổ quá lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh có thể tái phát và lây lan trong thời gian đến.
Giữa trưa, nhiều hộ chăn nuôi ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vẫn loay hoay sửa sang chuồng trại để mua lợn giống về nuôi. Sau đợt dịch tả lợn châu Phi, có đến hơn một nửa số hộ dân của phường bỏ trống chuồng trại. Địa phương này giáp ranh với thành phố Đà Nẵng, bị quá trình đô thị hóa tác động nên số hộ làm nông nghiệp và chăn nuôi giảm dần, từ hơn 400 hộ chăn nuôi giảm còn khoảng 100 hộ. Trên địa bàn hiện còn khoảng hơn 1.200 con lợn, giảm hơn 2 phần 3 so với thời điểm trước dịch.
Nhiều hộ nuôi ở Quảng Nam lâm cảnh trắng tay sau dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Hữu Giọng (ở thôn Tứ Ngân, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cho biết, 1 con lợn giống khoảng 4 kg có giá gần 2 triệu đồng. Rất nhiều hộ chăn nuôi chần chừ không dám mua vì sợ nguồn giống không đảm bảo chất lượng, dễ phát sinh dịch bệnh.
"Hiện nay giá heo quá đắt. Người chăn nuôi nhỏ lẻ từ 10 đến 20 con là không dám nuôi. Mình cũng lo không biết nguồn gốc xuất xứ từ đâu. Mình mua của thương lái thì họ đảm bảo cho mình chứ ngoài chợ bán mà không ai dám mua", ông Nguyễn Hữu Giọng nói.
Thị xã Điện Bàn là một trong những địa phương ở tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi. Số lợn bị tiêu hủy gần 26.000 con, trọng lượng khoảng 180.000 tấn. Kinh phí chi hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi có lợn tiêu hủy hơn 50 tỷ đồng. Hiện nay, do nguồn giống cung cấp tại chỗ khan hiếm, giá lợn giống từ các cơ sở giống lại quá đắt nên nhiều hộ chăn nuôi sợ rủi ro chấp nhận bỏ trống chuồng trại.
Nguồn lợn giống trong dân hiện nay đang khan hiếm. |
Mặt khác, các quy định về chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phần “khắt khe” đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khiến việc tái đàn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã qua 30 ngày. Mặc dù địa phương chủ động khuyến khích nông dân tái đàn, nhưng do thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ nên khi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, rất nhiều hộ chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn.
"Địa phương chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp phối hợp với Phòng Kinh tế kiểm tra, rà soát hướng dẫn cho người dân phục vụ cho việc tái đàn. Trước hết là kiểm soát số lượng cho chặt chẽ. Thứ 2 là nhu cầu người dân tái đàn hiện nay. Địa phương hiện đang làm việc với một số nơi cung cấp con giống, còn biện pháp kỹ thuật thì yêu cầu Trung tâm tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho bà con", ông Nguyễn Minh Hiếu cho biết.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 86 trang trại chăn nuôi lợn. |
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện còn 6 xã ở 4 huyện, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Các địa phương đã qua 30 ngày đang thực hiện các bước công bố hết dịch và xác nhận các điều kiện để nông dân chăn nuôi tái đàn. Thống kê đến cuối tháng 4, tổng đàn lợn của tỉnh là 250.000 con. Trong đó, lợn nái giống sinh sản hơn 17.000 con, lợn con theo mẹ khoảng gần 71.000 con. Địa phương có 86 trang trại chăn nuôi với hơn 86.000 con.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, đa số hộ chăn nuôi trên địa bàn không quan tâm đến việc đăng ký chăn nuôi tại hộ gia đình (quy định trong Luật Chăn nuôi). Theo ông Ngô Tấn, để việc tái đàn thuận lợi cần hỗ trợ người chăn nuôi tiếp cận nguồn giống. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo lượng giống và nguồn gốc xuất xứ.
"Muốn như vậy thì phải liên kết, liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng đàn lợn con. Tức là mấy doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn vừa qua họ vẫn giữ được đàn lợn bố, mẹ có nguồn giống tốt. Phải tiếp cận các doanh nghiệp đó để có sự hỗ trợ về giống. Thứ 2, phải tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức trong việc thực hiện Luật Chăn nuôi mới. Làm thế nào để có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội là phải đăng ký. Đồng thời, cũng có trách nhiệm nhận thức trong an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Ngô Tấn nhấn mạnh./.
VOV