MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân “tiến thoái lưỡng nan” với đàn lợn nuôi ở vùng dịch

07-06-2019 - 08:44 AM | Thị trường

Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh ở các địa phương miền Trung khiến thịt lợn rớt giá thê thảm, hộ chăn nuôi lao đao.

Chưa bao giờ, gia đình bà Nguyễn Thị Xí (ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” với đàn lợn thịt 40 con của mình như lúc này. Lợn đến thời điểm xuất bán, mỗi con nặng trên dưới 100 kg hơi vẫn nằm im trong chuồng.

Mỗi ngày, bà Xí phải mua nợ 800.000 đồng tiền bột ở một đại lý gần nhà, mua cám ở 1 địa điểm cách nhà hơn 3 cây số. Thường thì mỗi ngày, bà Xí cho lợn ăn 3 bữa, nhưng mấy hôm xảy ra dịch, bà giảm phần ăn xuống còn 2 bữa vừa đỡ tốn tiền mua thức ăn, vừa hạn chế tăng cân. Khoản nợ mua thức ăn ngày một tăng, bà Xí đành mổ bớt 1 con lợn thịt hơn 1 tạ bán rẻ cho bà con lối xóm.

“Bà con họ vô thấy heo trong chuồng nhiều quá, rủ cũng phải mười mấy người chia rẻ cho họ theo giá heo hơi để họ làm thịt ăn chứ ở ngoài chợ họ không mua. Sợ đem heo bệnh về nhà lây. Bây giờ nợ tiền bột mười mấy triệu, tiền cám hai mươi mấy triệu. Nuôi xong đợt này lỗ quá, không dám nuôi nữa”, bà Nguyễn Thị Xí than thở.

Nông dân “tiến thoái lưỡng nan” với đàn lợn nuôi ở vùng dịch - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Xí đang chăm sóc đàn lợn nhà mình

Tại các chợ nông thôn ở tỉnh Quảng Nam, các quầy hàng lâu nay bán thịt lợn chuyển sang bán thịt bò. Các quán bún buổi sáng cũng không sử dụng thịt lợn.Giá thịt lợn tại thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng hiện ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg hơi, thấp hơn cách đây vài tháng cả chục ngàn đồng/kg. Dẫu biết rằng, virus tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng nhiều người vẫn có tâm lý e ngại không dám ăn. Xu hướng “tẩy chay” thịt lợn lan truyền cả thành thị lẫn nông thôn.

Ông Trần Đình Hưng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong lúc người chăn nuôi đang gặp khó khăn về thị trường đầu ra đối với thịt lợn thì công tác tuyên truyền chủ yếu đề cập đến việc chốt chặn, khoanh vùng dập dịch. Điều này khiến người tiêu dùng càng thêm lo lắng.

Nông dân “tiến thoái lưỡng nan” với đàn lợn nuôi ở vùng dịch - Ảnh 2.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng vùng dịch.

“Trong tờ rơi tuyên truyền chúng tôi nói rất rõ là bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và cho gia súc khác mà chỉ lây từ lợn sang lợn. Cho nên người dân cứ ăn thịt lợn được kiểm soát, có nguồn gốc rõ ràng thì nấu chín ăn vẫn là tốt. Hiện nay, các xã trong vùng dịch chúng tôi tạm cấm 1 thời gian để cho lắng dịu tình hình, sau đó kiểm soát lại và cho giết mổ chứ không phải cấm tuyệt đối”, ông Trần Đình Hưng nói.

Đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Nam dịch bệnh đã xuất hiện ở 8 huyện, thị xã, thành phố gồm: Duy Xuyên, Thăng Bình, Nam Trà My, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành, Nông Sơn, Phú Ninh. Hàng trăm con lợn bị bệnh phải tiêu huỷ. Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, vệ sinh chuồng trại không đảm bảo khiến dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 97.500 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Nam đề nghị tỉnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp khoảng 40.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng giúp các địa phương khoanh vùng dập dịch. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 38.000 đồng/kg đối với các trường hợp lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy. Đây là mức hỗ trợ đảm bảo khả năng tái đàn sau dịch. Đồng thời, khuyến khích người dân khi phát hiện dịch bệnh cần khẩn trương khai báo với chính quyền địa phương để tiến hành kiểm tra, xử lý.

Nông dân “tiến thoái lưỡng nan” với đàn lợn nuôi ở vùng dịch - Ảnh 3.

Phun thuốc tiêu độc xe chở lợn ra vào vùng dịch

Hiện nay, giá lợn thịt ngoài thị trường thấp hơn mức hỗ trợ của tỉnh nên không ít hộ chăn nuôi muốn tiêu hủy để được nhận tiền hỗ trợ. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp.

“Hiện nay ngành tham mưu là sẽ chốt phương án hỗ trợ 80% theo giá thị trường. Giá thị trường mà xuống 20.000 đồng thì hỗ trợ 80% của 20.000 đồng. Tiêu hủy thì đương nhiên là cán bộ thú y của xã, các lực lượng của xã, Trung tâm kỹ thuật của huyện làm quy trình (tức biên bản) công khai minh bạch để cho đi tiêu hủy”, ông Ngô Tấn cho biết thêm.

Theo Hoài Nam-Tuyết Lê

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên