MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân trồng lúa miền Tây trúng mùa, trúng giá

22-01-2023 - 21:30 PM | Thị trường

Nông dân Sóc Trăng đang có niềm vui đầu tiên của năm mới Quý Mão. Đó là vụ lúa trên đất nuôi tôm trúng mùa, trúng giá.

Giá bán cao không chỉ do nhu cầu của thị trường cần, mà còn do người nông dân biết cách chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển bền vững.

Mở đồng ngày đầu năm, anh Đương (xã Gia Hòa 2, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bán lúa được 8.100 đồng/kg - mức giá cao nhất mấy năm trở lại đây.

"Làm theo mô hình hữu cơ. Người dân được bao tiêu đầu vào tới đầu ra, được giá cao, hứa hẹn cái Tết đầy sung túc", anh Lê Văn Đương chia sẻ.

Ở vùng lúa tôm Mỹ Xuyên của Sóc Trăng, nếu lúc trước tôm là vật nuôi chính thì nay đã nhường chỗ cho cây lúa. Mọi sự thay đổi từ khi có doanh nghiệp về chuyển giao kỹ thuật theo mô hình canh tác bền vững. Không phân, không thuốc hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học, nhưng lúa cứng cáp, chống chịu sâu bệnh, cho năng suất đến 6 tấn/hecta. Quan trọng đây là những sản phẩm chất lượng, an toàn, được người tiêu dùng lựa chọn.

Nông dân trồng lúa miền Tây trúng mùa, trúng giá - Ảnh 1.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Giá bán cao, nông dân phấn khởi. Tuy nhiên điều ngành nông nghiệp muốn hướng tới chính là sự bền vững và giá trị từ các mô hình tiên phong.

"Thêm các vùng sản xuất lúa hữu cơ, kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu nhằm nâng cao giá trị lúa gạo do bà con làm ra", ông Trần Vĩnh Nghi, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, cho biết.

Bữa cơm sáng đầu năm ở miền Tây cũng là lúc bà con quây quần bên nhau và tính chuyện mần ăn cho năm mới. Từ những hạt gạo dẻo thơm tự tay canh tác, gia đình anh Phong đã tự tin đưa sản phẩm đến khách hàng gần xa. Đây cũng là cách để nông dân sống bền vững với nghề, từ đó sống bền vững với nghề.

Xuất khẩu gạo với nhiều gam màu sáng

Năm 2022, gạo Việt Nam đã tiến sâu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU… Một số giống đặc sản như ST24, ST25... có giá xuất khẩu trên 1.000 USD/tấn, tức là gấp đôi so với các loại gạo trắng thông thường. Điều này cho thấy một khi chuỗi sản xuất được tổ chức bài bản, từ nông dân đến doanh nghiệp, giá trị hạt gạo Việt sẽ không ngừng được nâng cao.

Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) hoạt động gần như liên tục để xuất khẩu đơn hàng 20.000 tấn gạo sang Hong Kong, Trung Quốc và châu Phi. Đại diện doanh nghiệp cho rằng lợi thế của gạo Việt là tươi, bởi mùa vụ chỉ cách nhau 3 tháng, cùng với đó là tỷ lệ gạo chất lượng tăng cao, chiếm hơn 85% cơ cấu giống.

"Đầu năm, chúng tôi cũng xuất theo hợp đồng đã ký và kéo dài đến tháng 2. Đến tháng 2 chúng tôi ký tiếp các hợp đồng tháng 3, 4", ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, Tiền Giang, chia sẻ.

"Thị trường thì các doanh nghiệp đã có sẵn hết, đặc biệt là đàm phán là ký. Sắp tới lúa gạo cho năm 2023 là giá tốt, thị trường bán được", ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long, cho hay.

Chất lượng nâng cao từ giống, quy trình canh tác nên có thời điểm giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn, còn Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn. Riêng các dòng gạo chất lượng cao xuất khẩu vào châu Âu, Nhật Bản cũng ở mức 750 - 1.200 USD/tấn tùy loại - mức giá đầy hấp dẫn cho cả doanh nghiệp và bà con nông dân.

"Thông tin về những doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào châu Âu, Nhật... để minh chứng rằng chúng ta đã thấy không còn tư duy sản lượng mà hướng đến chất lượng. Đó là tín hiệu cho thấy khi chúng ta thay đổi sẽ tạo ra được giá trị, từ đây dẫn dắt người trồng lúa làm theo tiêu chuẩn ngay từ chọn giống, ứng dụng quy trình canh tác", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đánh giá.

Những ngày qua, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định, ở mức 458 USD/tấn đối với gạo 5% tấm; gạo 25% tấm ở mức 438 USD/tấn.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023, bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Riêng Philippines - thị trường lớn nhất của Việt Nam, sẽ tiếp tục nhập khẩu để bù đắp cho thiếu hụt sản xuất.

Kéo dài chuỗi giá trị lúa gạo

Từ những tín hiệu tích cực về thị trường, hạt gạo Việt sẽ còn làm nên nhiều chuyện trong năm mới 2023. Tương lai rộng mở đang ở phía trước và khai thác tối đa giá trị các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cây lúa, hạt gạo sẽ là hướng đi bền vững và phù hợp với xu thế. Nhiều chuyên gia còn cho biết nếu nông dân canh tác tốt, họ có thể bán cả tín chỉ carbon, qua đó tăng thêm thu nhập. Nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị đang dần được định hình.

Hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp, cây lúa giờ gần như không có thứ gì là bỏ đi. Sau mỗi vụ thu hoạch, rơm có thể cuộn lại và nhanh chóng được tiêu thụ; hay như trấu có thể làm viên nén chất đốt và xuất khẩu. Có thể thấy người nông dân vẫn có thể làm giàu nếu có cái nhìn kinh tế cho sản xuất nông nghiệp.

Từ mô hình canh tác hữu cơ, hợp tác xã Tấn Đạt đầu tư dây chuyền xay xát, chế biến và đóng gói các sản phẩm như: gạo trắng, gạo lức và gạo thảo dược, được chứng nhận OCOP 4 sao. Từ gạo thảo dược, sự sáng tạo của người nông dân vẫn chưa dừng lại.

"Đã ra được một số sản phẩm: trà gạo thảo dược, trà gạo thảo dược túi lọc, sữa chua từ gạo thảo dược", ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, Vĩnh Long, cho biết.

Ngoài quy trình canh tác đạt chuẩn, công nghệ là yếu tố then chốt để kéo dài chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo. Bên cạnh trích xuất dầu từ cám, doanh nghiệp đầu tư máy móc để ép trấu thành viên. Loại chất đốt này đang có thị trường rất lớn, nhờ giá thành rẻ hơn từ 30 - 60% so với các chất đốt khác. Còn phần bã trấu sau quá trình ép, lại được tái sử dụng làm phân bón.

"Ép ra được cái này, mình tận dụng, mình sẽ ép viên và dự trữ, đến những mùa nghịch thì nó sẽ tăng giá trị lên gấp 2 - 3 lần", ông Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Nhà máy trấu viên Cỏ May Lai Vung, Đồng Tháp, cho hay.

Chỉ riêng Đồng Tháp, hiện đã nâng tỷ lệ chế biến trong ngành lúa gạo của địa phương lên 50%, tăng đáng kể so với mức 20% như trước đây.

Nông dân trồng lúa miền Tây trúng mùa, trúng giá - Ảnh 2.

Gạo Việt đang đứng trước dư địa xuất khẩu lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Hiện nay đã hình thành nên những nhà máy chế biến dầu cám trích ly, nhà máy chế biến trấu, chế biến rơm rạ, những làng bột và nhà máy chế biến sau gạo như hủ tiếu, bánh tráng..., Đồng Tháp đã hình thành trên 100 mặt hàng chế biến sau gạo", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin.

Cuối năm 2022, trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Starup lần I diễn ra tại Đồng Tháp, dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành hàng gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã được khởi động. Sự tham gia của hơn 130 doanh nghiệp trên lĩnh vực này hứa hẹn sẽ mở ra giá trị mới cho ngành hàng vốn xuất khẩu dựa theo số lượng. Trong tương lai không xa, khi nói về ngành hàng lúa gạo xuất khẩu, sẽ có thêm các danh mục mới như: viên nén trấu, cám trích ly, dầu cám khô, dầu ăn tinh luyện, cám sấy...

Năm 2022, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 7,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,5 tỷ USD, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Không chỉ tăng cả sản lượng và giá trị, hạt gạo Việt ngày càng chiếm lĩnh đa dạng thị trường. Trong đó, các thị trường "khó tính" cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 85%, thị trường EU tăng 82%.

Bỏ tư duy buôn chuyến, chuyển hướng đi đường dài; chuyển dần từ sản xuất gạo chất lượng thấp, sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, với những bộ giống gạo thơm ngon. Thị trường năm 2023 có nhiều triển vọng tích cực, khi nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Trung Quốc giảm sản lượng do ảnh hưởng thiên tai. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia cũng tranh thủ thu mua, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Gạo Việt đang đứng trước dư địa xuất khẩu lớn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết để nâng tầm hạt gạo Việt Nam.

Theo Ban Thời sự

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên