MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân trồng mía ở Sơn La và nỗi ám ảnh đường lậu

16-08-2019 - 17:32 PM | Thị trường

Ngồi trong căn nhà sàn trị giá hơn 2 tỷ, thành quả của 10 năm trồng mía, Lò Thị Quyết vẫn không giấu nổi sự lo lắng về viễn cảnh đường lậu đang dần bóp chết đầu ra của những nông dân như chị.


Cây thoát nghèo

“Ngoài trồng mía ra thì gia đình tôi không trồng thêm cây gì khác vì mía dễ trồng, ít phải chăm sóc, đầu ra lại có Nhà máy chế biến mía đường Sơn La bao tiêu”, chị Lò Thị Quyết, dân tộc Thái, kể với giọng vui vẻ.

Nông dân trồng mía ở Sơn La và nỗi ám ảnh đường lậu - Ảnh 1.

Chị Lò Thị Quyết cho trâu ăn lá từ cây mía sau khi thu hoạch. Ảnh: Văn Việt.

Ngồi dưới mái hiên, chị Quyết nói điều lo sợ nhất hiện nay là Nhà máy chế biến mía đường Sơn La có thể không còn tiếp tục bao tiêu sản phẩm cho nông dân bản chị nữa. Từ 2016, nguồn thu từ mía ở bản Nong Te đã giảm dần do giá đường xuống thấp. Có vụ, nhà máy còn chậm trả tiền mía.Căn nhà sàn của chị Quyết nổi bật giữa bản Nong Te, xã Kò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La). Mỗi năm một vụ mía, trừ chi phí phân bón, mua giống, nhà chị Quyết còn dư hơn 100 triệu đồng.

Chị Quyết tâm sự, bắt đầu từ vụ mùa 2016 đền nay, nguồn thu từ cây mía trên địa bàn bắt đầu kém hơn. Giá mía nhà máy thu mua giảm sút, nguồn thu nhập của nông dân cũng vì vậy đã giảm xuống đáng kể. Thậm chí, có vụ mùa nhà máy phải trả chậm tiền thu mua mía của người dân. Còn phía người dân, giá cây mía xuống thấp, nên bắt đầu chuyển đổi tăng diện tích các cây ăn quá khác trên vườn đồi.

Trưởng bản Nong Te, ông Lò Văn Hào, cho biết cây mía không chỉ giúp bản xóa đói giảm nghèo mà còn phù hợp với địa hình, thời tiết Sơn La. “Đường lậu tràn vào, giá đường sản xuất trong nước xuống thấp. Nhà máy bảo vậy. Giá mía cứ mỗi năm lại xuống, chẳng biết còn duy trì được bao lâu nữa”, ông Hào nói.  Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp, diện tích trồng mía đã giảm trong năm 2018 và có xu hướng tiếp tục giảm trong năm 2019.

Bản Nong Te có 123 hộ trồng mía. Nhiều nhà đổi đời, mua sắm xe cộ, xây nhà, từ thu nhập do mía mang lại. Họ bắt đầu trồng mía từ 2006.

Xác nhận điều này, ông Hà Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết cả huyện có 6000 ha mía, chiếm hơn 50% diện tích cây công nghiệp. “Doanh nghiệp, chính quyền lo sợ diện tích cây mía bị thu hẹp. Người nông dân thì hoang mang, trăn trở trước đầu ra của doanh nghiệp sản xuất mía đường. Khi lợi ích của họ liên kết với nhau thì khó khăn của ngành mía đường cũng chính là khó khăn của người nông dân”, ông Bình cho biết.

Khốn đốn

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết niên vụ mía đường 2018/2019 là năm thứ 3 liên tiếp ngành này chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá đường trong nước và thế giới. Nhiều nhà máy sụt giảm sản lượng, thua lỗ, máy móc đắp chiếu. Trước đó, trong niên vụ 2015/2016, có 17/30 nhà máy bị lỗ.

Nông dân trồng mía ở Sơn La và nỗi ám ảnh đường lậu - Ảnh 2.

Đường tồn kho chất cao như núi trong Cty cổ phần Mía đường Sơn La. Ảnh: Văn Việt.


“Giá cả tụt giảm khiến các hộ trồng mía khốn đốn. Họ thấy sản xuất mía thu nhập thấp, đành phải bỏ ruộng hoặc phải chuyển cây trồng khác. Diện tích trồng mía nguyên liệu đã giảm từ 30% đến 60%”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho biết Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản cầu cứu Thủ tướng để “tháo gỡ khó khăn đặc biệt nghiêm trọng của ngành mía đường”. Nguyên nhân giá đường trong nước xuống thấp, được các doanh nghiệp và Hiệp hội Mía đường cho là do đường nhập lậu. Ông Doanh đánh giá hoạt động buôn lậu đường vào Việt Nam bùng nổ mạnh từ niên vụ 2015/2016. “Đường lậu và gian lận thương mại có nguồn gốc chủ yếu từ Thái Lan, qua biên giới Tây Nam. Còn ở miền Trung, đường lậu theo biên giới từ Lào sang”, ông Doanh nói.

Cơ quan đại diện của các doanh nghiệp mía đường cho biết khối lượng đường nhập lậu vào nước ta trung bình 800.000 tấn mỗi năm. “Có những gian thương lợi dụng kẽ hở của chính sách tạm nhập tái xuất, đăng ký tạm nhập đường nguyên liệu để sản xuất sản phẩm khác như sữa, bánh kẹo để xuất khẩu hoặc tạm nhập để tái xuất nhưng không xuất, mà đưa hàng vào tiêu thụ trong nội địa”, ông Doanh nói.

Đây là hai nguyên nhân khiến Hiệp hội Mía đường cho rằng ngành mía đang bị “hủy diệt”.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Cty cổ phần mía đường Sơn La, cho biết từ năm 2017, đơn vị này đầu tư gần 1.000 tỷ đồng nâng cấp máy móc, song đang lâm vào cảnh sống dở chết dở vì đường lậu. “Chúng tôi đang tồn kho 40.000 tấn đường thành phẩm, giá trị ước tính 500 tỷ đồng. Nếu cứ tiếp tục thế này có lẽ nhà máy không còn hoạt động được bao lâu nữa”, ông Tài nói.

Cty cổ phần mía đường Sơn La thu mua mía nguyên liệu từ ruộng của nông dân với giá 800đ/kg. Mức giá này được cty và nông dân cho là chỉ đủ “lấy công làm lãi”, còn nếu để nông dân thực sự lãi thì giá phải ít nhất 1.200đ/kg.

Ông Tài nói một số doanh nghiệp mía đường đã phải “chữa cháy” bằng cách nhập đường thô về tinh luyện rồi tái xuất. Cách này có thể giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng lại thu hẹp diện tích trồng mía trong nước.

Khó chống đỡ

Ông Lê Hồng Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết trong kiến nghị gửi Chính phủ, hiệp hội nhấn mạnh đến chính sách lỏng lẻo về đường tạm nhập tái xuất. Ông Thái nói cần phải quy định cụ thể thời gian tái xuất, tránh để đường nội địa bị cạnh tranh không lành mạnh. “Từ trước đến nay ngành đường mang tiếng là được bảo hộ. Nhưng không phải, chúng tôi rất chật vật. Chúng tôi có thể tự bỏ chi phí của mình ra hỗ trợ nông dân giá mía khi mía thấp, cùng liên kết với nông dân. Nhưng vì phía ngoài họ được hỗ trợ từ phía nhà nước quá nhiều rất khó để chúng tôi chống đỡ”, ông Thái nói.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, để chuẩn bị cho thời điểm thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) các nhà máy của ngành đường đã bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng để đầu tư đạt công suất tối ưu 162.300 tấn/ngày, đưa công nghệ, tự động hóa vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nông dân trồng mía ở Sơn La và nỗi ám ảnh đường lậu - Ảnh 3.

Ruộng mía ở bản Nong Te, xã Kò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La. Ảnh: Văn Việt.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cáo buộc rằng hệ thống buôn lậu đường hoành hành, cùng với các gian lạn thương mại quy mô quốc tế từ phía Thái Lan đã khiến những cố gắng hội nhập của ngành đường bị ảnh hưởng trầm trọng.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp mía đường với 100% vốn nước ngoài cũng gặp khó khăn bởi đường lậu. Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP), bày tỏ mong muốn có chính sách phù hợp như tạm hoãn thời gian hội nhập và làm sao để ngành mía đường có một chính sách tự quyết với những sản phẩm mà họ làm ra để tiếp tục đầu tư phát triển.

“Ví dụ như có chính sách cho sản xuất ethanol nhiên liệu, công ty xăng dầu có nhu cầu họ đến các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu họ mua, giá cả hai bên tự thỏa thuận. Hay có chính sách hỗ trợ về thuế”, ông Subbaiah nói.

Ông Subbaiah cho rằng nếu so sánh giá mía nguyên liệu giữa Việt Nam và Thái Lan thì chênh lệch khoảng 200.000 đồng/tấn. Nhưng người dân Thái Lan vẫn trồng mía và sống được nhờ vào cây mía. Lý do là Thái Lan có chính sách hỗ trợ đối với người trồng mía nên nông dân vẫn sống tốt dù giá thu mua mía thấp. “Chính điều này mà vừa qua Brazil đã khởi kiện Thái Lan ra WTO, vì đã hội nhập thì phải bình đẳng. Thái Lan đã cam kết là không hỗ trợ người nông dân nữa. Nhưng thực tế họ có hỗ trợ nữa hay không thì cũng chưa ai có thể kiểm soát được”.

Thái Lan có một lợi thế nữa là đất đai của họ diện tích cánh đồng lớn, bằng phẳng. Đặt biệt họ có nguồn giống riêng phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng, khí hậu của họ.  Do đó cây mía đảm bảo được chất lượng cũng như năng suất cao.

Bên cạnh đó, năng suất lao động bên Thái Lan ổn định hơn. Trong khi ở Việt Nam lực lượng lao động thường rời các vùng nông thôn đến làm tại các khu công nghiệp nên việc tuyển dụng lao động tại địa phương gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại giá đường trong nước của Thái Lan rất cao nhưng giá đường xuất khẩu lại thấp. Thái Lan có chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp mía đường của họ. Ví dụ bây giờ các nhà máy đường thu được lợi nhuận từ giá đường thì đem lợi nhuận đó đi đầu tư cho người nông dân. Còn lợi nhuận của các nhà máy thu từ các sản phẩm phụ như cồn, điện.

Cũng dự án điện, như giá điện tại KCP chỉ 5,8cent trong khi ở Thái Lan là 14cent. Rõ ràng có một sự chệnh lệch về giá rất lớn.

“Nói chung trong khối Đông Nam Á  đối với đường mình chỉ thua Thái Lan còn với Trung Quốc mình đã có chính sách thì không đáng lo ngại có thể cạnh tranh”, ông Subbaiah nói.

Theo Hoài Phương

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên