Nông dân trồng tiêu Đăk Lăk thiệt hại hàng tỷ đồng vì phân bón 'rởm'
Gần đây, nông dân Đăk Lăk phải hứng chịu “quả đắng” vì hàng nghìn trụ hồ tiêu đang thu hoạch bỗng nhiên cháy lá, rụng đốt, rụng quả, gây thiệt hại nặng nề. Các hộ dân cho rằng, hiện tượng này xảy ra sau khi họ dùng phân "có vấn đề" bón cho cây tiêu.
- 05-09-2017Nông dân lao đao với phân bón giả
- 22-08-2017Vạch trần các thủ đoạn đưa phân bón giả trà trộn vào thị trường
- 18-07-2017Nhan nhản phân bón giả, kém chất lượng ở ĐBSCL
Thiệt hại nặng nề
Cách đây mấy tháng, ông Ma Văn Phú (thôn 2 Bình Hòa, xã Bình Thuận, TX Buôn Hồ) qua giới thiệu của chi hội nông dân thôn Bình Hòa 2, đã mua 5 tấn phân hữu cơ của Công ty Phân bón Humic Quảng Ngai, giá trên 5,5 triệu đồng/tấn. Ngay buổi trưa, vợ chồng ông đem 13 bao phân bón liền một mạch cho 1.000 trụ tiêu đang thời kỳ kinh doanh. Ngày hôm sau, thấy lá tiêu cháy trụi như bị lửa đốt, trái non rụng xuống, nên gọi điện báo công ty.
Vườn tiêu nhà ông Phú bị cháy lá rụng quả sau khi bón phân
Tiêu nhà ông Phú ra quả non đều bị nổ hạt
Nhân viên thị trường xuống kiểm tra, nói tiêu cháy là do gia đình ông Phú bỏ sai quy trình. Một tuần sau, đại diện công ty gồm phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh xuống lấy 1 bao phân kiểm nghiệm trước sự chứng kiến của chi hội nông dân thôn Bình Hòa 2. Gia đình ông Phú bỏ 1 bao, khoảng 30 phút sau toàn bộ trụ tiêu do cả hai bên bón phân đều bị cháy lá nên lập biên bản ghi nhận, rồi ai nấy… ra về.
Hôm sau phía công ty thông báo sẽ thu hồi, hoàn tiền lại số phân ông Phú đã mua, chấp nhận hỗ trợ 7 triệu đồng để phục hồi vườn tiêu nhưng ông không đồng ý. Công ty tiếp tục tăng mức hỗ trợ lên 14 triệu đồng, 50 triệu và chốt lại ở con số 70 triệu nhưng ông Phú vẫn không... gật, nhân viên công ty quay sang thách thức. Ông Phú đã làm đơn gửi cơ quan chức năng.
Ông cho biết: "Sản lượng 1.000 trụ tiêu 10 năm tuổi của gia đình mất trắng vụ này do phân Humic tương đương 600 triệu. Chúng tôi yêu cầu Humic phải bồi thường 600 triệu, hoặc chúng tôi đồng ý nhận 70 triệu, nhưng công ty phải hỗ trợ gia đình tôi phục hồi vườn tiêu trong 5 năm, trụ tiêu nào chết không hồi phục được thì công ty đền 5 triệu đồng/trụ, nhưng phía công ty không nghe".
Phân bón Humic Quảng Ngãi nhà ông Phú sử dụng
Cũng vì một nhẽ “dẹp sạch nạn phân bón giả, kém chất lượng để nông dân yên tâm SX” mà hơn một năm nay, ông Nguyễn Văn Thỉnh, trú thôn Thanh Ba, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, gửi đơn đi khắp các cơ quan trong tỉnh lẫn ngoài Trung ương đòi quyền lợi cho gia đình và những người nông dân bị thiệt hại vì mua phải phân giả, kém chất lượng.
Sự việc bắt đầu khi ngày 23/9/2016, ông Thỉnh mua 2 tấn của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư nông nghiệp và phân bón An Thịnh tại KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Sau khi mua, ông đem 1,2 tấn phân bỏ cho 780 trụ tiêu. 10 ngày sau toàn bộ gốc tiêu được bỏ phân vàng lá, rụng lá, quả rồi chết 200 trụ, số còn lại sống “ngáp ngáp”, chậm phát triển.
Ông Thỉnh báo công ty, công ty 5 lần xuống làm việc, xem hiện trường rồi hứa hỗ trợ… bằng miệng. Sau đó công ty cử nhân viên xuống lấy mẫu tiêu gửi đi kiểm tra, gửi cho gia đình kết quả là tiêu chết do bị bệnh. Điều lạ là ngày nhận mẫu xét nghiệm là 10/11 trong khi ngày lấy mẫu là 11/11. “Họ đưa kết quả như vậy thể hiện sự không tôn trọng người dân, phủi tránh trách nhiệm. Tôi làm đơn nhờ Phòng NN- PTNT huyện Ea Kar lấy mẫu đi xét nghiệm để làm rõ trắng đen”.
Vườn tiêu của gia đình ông Thỉnh bị xoăn lá, khẳng khiu
Khi có kết quả của Trung tâm Kiểm nghiệm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 công bố hàm lượng ghi trên bao bì không đúng với kiểm nghiệm thực tế, công ty cứng họng nhưng chỉ chịu hỗ trợ 100 triệu đồng, gia đình ông Thỉnh không nghe, công ty cũng im lặng, bỏ đi bặt tăm luôn.
Ông Thỉnh cho biết: “Nguồn sống trông nhờ vào cây trồng, nhưng tình trạng loạn phân bón như hiện nay, chúng tôi như lạc vào ma trận. Một năm qua, tôi không dám mua bất kỳ loại phân nào về bón vì sợ lại mua trúng phân giả. Một năm nay tôi gửi đơn kêu cứu không chỉ để đòi quyền lợi cho mình mà cả những người dân đang ngày đêm thấp thỏm, thiệt hại vì nạn phân bón giả, kém chất lượng nhưng sự việc đến giờ vẫn dậm chân tại chỗ”.
200 trụ tiêu nhà ông Thỉnh chết trắng
Quả bóng trách nhiệm
Ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng QLTT tỉnh Đăk Lăk cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị tiếp nhận 2 vụ việc của ông Ma Văn Phú và Nguyễn Văn Thỉnh. Vụ việc ông Phú, sau khi đoàn liên ngành 389 xuống kiểm tra, lấy mẫu phân bón gửi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM phân tích, kết quả sau 2 lần đều đạt chất lượng, riêng nguyên nhân gây cháy, rụng lá thì chưa tìm ra. Chi cục yêu cầu trung tâm làm thực nghiệm vườn tiêu để tìm nguyên nhân nhưng trung tâm nói không đủ thiết bị, máy móc.
Còn vụ việc xử lý đơn của ông Thỉnh, trách nhiệm thuộc về UBND huyện Ea Kar. Sau khi Phòng NN- PTNT huyện lấy mẫu đi xét nghiệm, đã có kết quả thì căn cứ vào đó để giải quyết. Theo kết quả phân tích, ¾ thành phần các chất có trong phân bón ghi trên bao bì thấp hơn so với thực tế kiểm tra. Huyện Ea Kar cần yêu cầu công ty cung cấp giấy phép SX, công bố hợp quy, hợp chuẩn… trên cơ sở đó kết luận, xử lý. Vừa qua, UBND huyện có mở cuộc họp mời Sở Công thương, Sở NN- PTNT, Chi cục QLTT… xuống dự nhưng đành ra về vì không mời được công ty.
Không riêng 2 hộ ông Phú, ông Thỉnh mà nhiều hộ dân các huyện Cư M’gar, Cư Kuin cũng “khóc ròng” khi mua phải phân bón kém chất lượng về bón cây trồng chết hàng loạt, thiệt hại tiền tỷ. Trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay trước nạn “loạn phân bón” thì nông dân cũng quay quắt trước “ma trận” phân bón. Giữa một rừng thương hiệu, công ty SX, kinh doanh phân bón, nông dân không biết chọn loại nào. Người dân nói, thà để cây trồng sống cầm chừng, thu được bao nhiêu thu bấy nhiêu chứ không dám “đánh đổi miếng cơm” của mình với phân bón.
Nông nghiệp Việt Nam