Nông dân và doanh nghiệp cần đi “cùng thuyền” trong xuất khẩu gạo
Chính sách xuất khẩu gạo thời gian tới cần có điều chỉnh, tạo sự công bằng giữa nông dân và doanh nghiệp.
ĐBSCL là vựa lúa gạo chủ yếu của cả nước và cả khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lúa gạo của vùng này trong nhiều năm nay vẫn còn nhiều bất ổn.
Trước thông tin Bộ Công Thương dự thảo nghị định mới điều chỉnh việc kinh doanh, xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ nêu ý kiến: Mỗi khi đến vụ thu hoạch Đông Xuân lại nổi lên những tranh luận về giá thu mua lúa, giá xuất khẩu gạo và sự không công bằng trong phân phối lợi nhuận của ngành hàng gạo xuất khẩu giữa nông dân và doanh nghiệp.
“Những tranh cãi dai dẳng phản ánh sự bất ổn về chính sách xuất khẩu lúa gạo trong quan kệ kinh tế, kỹ thuật giữa các tác nhân tham gia trong ngành hàng gạo xuất khẩu”, ông Toại chỉ rõ.
Trước tình hình này, đại diện các Sở, ban ngành tại khu vực ĐBSCL đều nhất trí cho rằng, Hiệp hội lương thực Việt Nam cần kiểm tra, đôn đốc hoạt động của sàn giao dịch lúa gaọ xuất khẩu đã được thành lập trước đây.
Trong đó, xây dựng cơ chế hoạt động chặt chẽ hơn; đồng thời cần hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, giúp nông dân và doanh nghiệp “đồng thuyền”, tránh tình trạng “đục nước béo cò” của các thương lái, cò mồi mỗi khi mùa thu hoạch đến.
“Chính sách xuất khẩu gạo thời gian tới cần hoàn thiện theo hệ thống pháp luật trong xu hướng hội nhập, giảm bớt các văn bản pháp luật chồng chéo tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt”, ông Toại đề xuất thêm./.
VOV