MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nóng: Đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2021

23-06-2020 - 13:57 PM | Xã hội

Sáng nay 23/6, tại tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp kín để bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Theo đó 2 phương án đã được đưa ra để thảo luận.

Sáng nay 23-6, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức phiên họp lần thứ nhất (họp kín) với sự tham gia của 15 thành viên do ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia,  chủ trì để bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021 và một số dự kiến hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Nóng: Đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2021  - Ảnh 1.

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tổ chức phiên thứ nhất (họp kín), để bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021

Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết tại hội nghị, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021:

Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức ương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).

Phương án 2: Từ 1-7-2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).

Nóng: Đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2021  - Ảnh 2.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Theo chương trình, tại phiên họp này, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghe Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng trình bày báo cáo phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021. Sau đó lần lượt là nghe phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021 của đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động. Sau đó Hội đồng sẽ thảo luận về các phương án này.

Trao đổi trước khi dự phiên đàm phán, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết năm 2021, thương lượng về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động có khác với những năm trước. Đó là hậu quả nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ được bàn thảo trong phòng đàm phán. Cả người lao động và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, có nơi khó khăn gay gắt.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động, trong mối quan hệ với sự thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp"- ông Hiểu cho hay.

Clip: Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ nhất tại Quảng Ninh

Về phía người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh đại dịch Coid-19 đang tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước nguy cơ giải thể. Điều dễ thấy là các đơn hàng không có, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu bị ngắt quãng. Doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tồn tại hay không tồn tại, đơn cử như các doanh nghiệp điện tử, dệt may, da giày.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, trả lời Báo Người Lao Động

Doanh nghiệp đứng trước bài toán duy trì hoạt động và trả lương cho người lao động. Do đó, nhiều Doanh nghiệp đã tính tới phương án cho người lao động nghỉ việc luân phiên. Người lao động và doanh nghiệp đều mong muốn tình hình ổn định trở lại như trước đây.

"Vì vậy, việc tăng hay không tăng lương tối thiểu cho năm 2021 cần cân nhắc kỹ" - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Thêm thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia là chuyên gia độc lập

Thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, ngày 3-7-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, trong đó quy định Hội đồng tiền lương quốc gia gồm 15 thành viên: 5 thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 5 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 5 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương; Hội đồng tiền lương quốc gia thực hiện chức năng tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng hàng năm.

Sau 8 năm thành lập và hoạt động, đến nay Hội đồng đã 8 lần khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng; Chính phủ cơ bản đều thống nhất với phương án Hội đồng đã khuyến nghị (áp dụng cho năm 2014 tăng bình quân 15,2%, năm 2015 tăng bình quân 14,2%; năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%; năm 2020 tăng bình quân 5,5%).

Theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia đang được lấy ý kiến, số lượng thành viên tối đa 18 người, trong đó giữ nguyên cơ cấu hiện nay 15 thành viên, gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (5 thành viên), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (5 thành viên), tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (5 thành viên) và bổ sung tối đa 3 thành viên là chuyên gia độc lập. Các chuyên gia độc lập này là các nhà khoa học có uy tín, đang công tác nghiên cứu, giảng dạy các nội dung thuộc lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội tại viện nghiên cứu, trường đại học (không bao gồm viện nghiên cứu, trường đại học thuộc hệ thống tổ chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức của người sử dụng lao động) và do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn, bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Theo Tin-ảnh-clip: Văn Duẩn - Trọng Đức

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên