MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nồng độ thủy ngân ở Công ty Rạng Đông vượt ngưỡng tại nhiều điểm đo

05-09-2019 - 08:19 AM | Xã hội

Không khí trong phạm vi bán kính 500m từ sự cố cháy nổ Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông có nguy cơ bị ô nhiễm thủy ngân. Vì vậy người dân trong khu vực này cần được theo dõi, đánh giá sức khỏe định kỳ. Chuyên gia môi trường cho hay, ở phạm vi rộng hơn, người dân nếu đã thực hiện theo khuyến cáo trước đó của UBND phường Hạ Đình và Bộ TN&MT có thể yên tâm sinh hoạt.

Khu vực cháy, nồng độ thủy ngân trong không khí vượt ngưỡng 10-30 lần

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả quan trắc môi trường không khí trong vùng từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy đến khoảng 200m cho thấy, mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị). Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy có nồng độ thủy ngân trong môi trường không khí cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10 - 30 lần ( ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người).

Trên cơ sở này, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo, phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là từ 200-500m. Bộ TN&MT đề nghị Bộ Y tế công bố thông tin tình trạng sức khỏe của các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy và người dân bị ảnh hưởng, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội xây dựng chương trình theo dõi sức khỏe thường xuyên định kỳ với người dân sống trong khu vực này.

Theo các chuyên gia môi trường, những người tiếp xúc trực tiếp với đám cháy, những người theo dõi đám cháy trong khoảng thời gian xảy ra đám cháy và sau đám cháy có nguy cơ phơi nhiễm thủy ngân cao nhất, đặc biệt là cảnh sát chữa cháy, dân phòng, phóng viên tác nghiệp hiện trường. Nhóm đối tượng này cần phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ.

Với người dân vùng ngoài bán kính 500m, theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, do tác động của các cơn mưa lớn nên chất lượng không khí được cải thiện nhiều, người dân có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường. Những gia đình đã thực hiện tổng vệ sinh, thau rửa nhà cửa đồ đạc như khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình và Bộ TN&MT có thể yên tâm, những gia đình còn lại nên tổng vệ sinh.

Nồng độ thủy ngân ở Công ty Rạng Đông vượt ngưỡng tại nhiều điểm đo - Ảnh 1.

Vụ cháy ở công ty phích nước Rạng Đông tối 28/8, Cảnh sát PCCC và những người liên quan chữa cháy cần phải trang bị bảo hộ lao động Ảnh: Nhật minh

Cùng với mẫu không khí, áp theo quy chuẩn Việt Nam, có 2/9 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đó là điểm đo hồ Hạ Đình và điểm đo trên sông Tô Lịch. Theo quy chuẩn Việt Nam có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn.

Lý giải về vấn đề này Bộ TN&MT cho biết, các chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh là thủy ngân và một số kim loại nặng được phát sinh từ cháy nổ bóng đèn huỳnh quang và compact. Các chất ô nhiễm này một phần được phát tán vào môi trường không khí, đất, nước, xung quanh, phần còn lại lắng đọng vào nước trong quá trình dập lửa và theo dòng nước này thoát ra chảy vào sông Tô Lịch và tích tụ trong trầm tích đáy.

Tro tàn đám cháy phải xử lý như chất thải nguy hại

Theo các chuyên gia môi trường, vấn đề quan trọng bây giờ là xử lý được đống tàn tro còn lại sau vụ cháy. Ông Đào Nhật Đình lý giải, do chất cháy là sản phẩm bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact nên đống tro tàn từ vụ cháy có khả năng chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty Rạng Đông khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khu vực bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường. Đối với chất tàn dư sau vụ cháy phải thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để xử lý theo quy định; phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh hóa học, Bộ Quốc phòng) tẩy độc khu vực bị cháy bằng bột lưu huỳnh, sau đó bê tông hóa.

Chuyên gia Đào Nhật Đình cho rằng, có một số khu vực cần lưu ý xử lý. Theo đó khu vực hồ Hạ Đình, người dân không được ăn cá câu được trong hồ. Khu vực Nhà máy nước Hạ Đình cần kiểm tra lấy mẫu nước và làm vệ sinh giàn mưa, bể lắng cát, bể lắng thô. Đồng thời phải tiến hành phân tích, lấy mẫu thường xuyên nhằm đánh giá diễn biến chất lượng môi trường khu vực xung quanh đám cháy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã đề nghị Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Tổng cục Môi trường thiết lập mô hình giám sát ô nhiễm môi trường, quan trắc online thủy ngân trong khu vực nhằm kiểm soát tồn dư của thủy ngân sau sự cố có ảnh hưởng, tác động đến môi trường và sức khỏe con người. Nghiên cứu, đánh giá và quản lý các rủi ro môi trường sau sự cố cháy tại công ty Rạng Đông. Nghiên cứu khả năng tác động của thủy ngân hữu cơ hình thành ngay sau sự cố có thể tác động đến hệ sinh thái và con người.

Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội về lâu dài di dời toàn bộ hoạt động của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông nói riêng và các nhà máy sản xuất có sử dụng hóa chất độc hại có nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô.

Trên cơ sở này, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo, phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là từ 200-500m. Bộ TN&MT đề nghị Bộ Y tế công bố thông tin tình trạng sức khỏe của các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy và người dân bị ảnh hưởng, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội xây dựng chương trình theo dõi sức khỏe thường xuyên định kỳ với người dân sống trong khu vực này.


Theo Nguyễn Hoài

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên