MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp cán đích kỷ lục

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm vùng quýt Lai Vung (Đồng Tháp). Vùng trái cây đặc sản này trước đây đất bị ô nhiễm nặng khiến cây bị bệnh, nguy cơ xóa sổ 1.200 ha; hiện nay đang được phục hồi với quy mô khoảng 570 ha

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm vùng quýt Lai Vung (Đồng Tháp). Vùng trái cây đặc sản này trước đây đất bị ô nhiễm nặng khiến cây bị bệnh, nguy cơ xóa sổ 1.200 ha; hiện nay đang được phục hồi với quy mô khoảng 570 ha

Năm 2021, với phương châm thích ứng linh hoạt, ngành Nông nghiệp đã đạt được “mục tiêu kép” một cách ngoạn mục, thể hiện vẫn là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, với xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm qua đạt kỷ lục chưa từng có với 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước.

Xuất khẩu tiến sát 50 tỷ USD

Năm qua, đại dịch COVID-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, với phương châm thích ứng linh hoạt, vượt thách thức từ “tình huống bất bình thường”, sáng tạo, toàn ngành đã đạt được “mục tiêu kép”, vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh, góp phần vào tăng trưởng, phát triển chung kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội...

Theo đó, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 ước tăng trưởng khoảng 2,85%-2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%. Đặc biệt, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra.

Năm qua, sản lượng lúa đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn. Các loại cây trồng hàng năm, rau quả, cây công nghiệp đều tăng sản lượng, giá tương đối ổn định. Xuất khẩu các sản phẩm như: tiêu, điều, cà phê, gạo, cao su, rau quả… đều có tăng trưởng tốt.

 Nông nghiệp cán đích kỷ lục  - Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành sẽ đi theo hướng xoay quanh 3 trụ cột: “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”


Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ hình thành và đang phổ biến, nhân rộng. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển, khi đàn lợn ước đạt khoảng 28,0 triệu con, tăng 7,1%; đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%; đàn bò khoảng 6,5 triệu con…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm qua, ngành nông nghiệp đã chủ động, linh hoạt thích ứng với diễn biến dịch COVID-19, duy trì sản xuất đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, Bộ đã thành lập các tổ công tác phía Bắc và phía Nam, nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản ở địa phương, tạo ra một hệ thống gỡ khó thông suốt; củng cố các chuỗi cung ứng nông sản an toàn.

Các tổ công tác đã kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng và các tổ chức vận chuyển hàng hóa nông sản. Hàng nghìn đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm ở phía Nam được kết nối, đảm bảo hàng trăm tấn hàng mỗi ngày cho các địa phương bị giãn cách có đủ lương thực, thực phẩm.

Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nông nghiệp là ngành có sự phục hồi nhanh chóng. Các nhà máy chế biến nông, thủy sản hoạt động linh hoạt, thích ứng nhanh trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã tăng trưởng trở lại.

Đóng góp vào thành tích xuất khẩu kỷ lục trên, lâm sản chính đạt 15,96 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm trước. Đây là nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành và hiệp hội, doanh nghiệp trong việc đàm phán và đạt được thỏa thuận trong cuộc điều tra theo Mục 301 của Mỹ về gỗ Việt Nam. Điều này sẽ tạo nền tảng để xuất khẩu đồ gỗ có thể sớm cán đích 20 tỷ USD mà Thủ tướng giao cho lĩnh vực này.

 Nông nghiệp cán đích kỷ lục  - Ảnh 2.

Năm 2021 cũng là kim ngạch gỗ và lâm sản chính đạt gần 16 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm trước



Cùng đó, thuỷ sản tưởng chừng như rất khó khăn do dịch COVID-19, nhưng đã có sự phục hồi mạnh mẽ những tháng cuối năm, và đạt con số xuất khẩu gần 9,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm trước.

Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,81 tỷ USD; tôm trên 3,85 tỷ USD; rau quả trên 3,52 tỷ USD; hạt điều 3,66 tỷ USD; gạo trên 3,27 tỷ USD; cao su trên 3,31 tỷ USD.

Gần 5.500 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, trên cả nước, tỷ lệ số xã đạt tiêu chí nông thôn mới 68,2%, số huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tăng 40 đơn vị; số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới 76%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Chương trình OCOP (Mỗ xã một sản phẩm) cũng có tốc độ phát triển mạnh mẽ, phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đến hết năm 2021, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh; 62 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận 5.496 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (gấp 1,7 lần so với năm 2020).

Khắc phục “mù mờ” thông tin

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Do vậy, toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, từ đại dịch có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp tích cực. Sức sống của các hộ nông dân là niềm tin để nông nghiệp - nông dân - nông thôn ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chỉ ra rằng, thông tin kết nối thị trường nông sản đang khá “mù mờ”, gần như bỏ ngỏ, người trồng thì cứ trồng, người mua cứ mua; chưa có sự kết nối từ đầu cung với đầu cầu.

Theo Bộ trưởng Hoan, mù mờ trong trạng thái bình thường đã khó điều hành, khi có nhiều yếu tố tác động mà càng mù mờ, càng dễ bị đứt gãy, khiến sự điều phối không đúng nơi, đúng chỗ. Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp là xây dựng cơ sở dữ liệu từ đầu cung cho tới đầu cầu. Thông qua cơ sở dữ liệu đó, Bộ NN&PTNT sẽ phát huy vai trò điều phối, tổ chức sản xuất.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu thì trước hết phải đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, Bộ đã đề xuất và được chấp nhận là việc đầu tư chuỗi cung ứng, logistics nền nông nghiệp, để vừa đảm bảo nền tảng thị trường trong nước, vừa tham gia xuất khẩu chủ động hơn.

Bộ NN&PTNT đang hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược vừa kế thừa những thành tựu đã đạt được vừa tổng hợp những quan điểm tiếp cận mới, xu thế mới, giá trị mới phù hợp với bối cảnh mới, xoay quanh 3 trụ cột: “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”.

Tư duy phát triển nông nghiệp chuyển từ sản xuất sang kinh tế; từ thiên về năng suất sản lượng sang tích hợp đa giá trị; từ cung ứng những mặt hàng có thể sản xuất sang đáp ứng đa dạng nhu cầu theo chuỗi giá trị hòa nhập với xu thế phát triển của toàn cầu.

“Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội”, Bộ trưởng Hoan phân tích.

Trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp

Theo Bộ NN&PTNT, lực lượng DN nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2021, thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 DN, nâng tổng số lên trên 14.400 DN nông nghiệp. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các DN nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, như: Nafoods, TH, Dabaco, Masan, Lavifood, Đồng Giao… Năm 2021 có 6 dự án, cơ sở chế biến với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động; góp phần giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Theo Nam Giang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên