MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp Tây Nguyên - dấu ấn “tỷ đô” và giá trị của liên kết

Nông nghiệp Tây Nguyên - dấu ấn “tỷ đô” và giá trị của liên kết

Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên dồn toàn lực để vừa chống dịch Covid-19 vừa duy trì phát triển kinh tế. Khó khăn là chưa có tiền lệ, nhưng sự phối hợp của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân cũng trở nên chặt chẽ và nhịp nhàng, giúp các tỉnh hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu.

Trong đó, nông nghiệp Tây Nguyên đã ghi dấu một năm thành công ấn tượng khi có tỉnh vừa kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả ở thị trường trong nước, vừa xuất khẩu đạt mức 1 tỷ USD. Đồng thời, Tây Nguyên cũng ghi dấu một năm kêu gọi đầu tư được những dự án nông nghiệp lớn, làm hạt nhân cho liên kết nông nghiệp, tiền đề cho phát triển bền vững.

Kết thúc năm 2021, ông Võ Đình Danh, Giám đốc hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đăk Mil, xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông nở nụ cười lạc quan. Không chỉ đạt toàn bộ các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, mà hợp tác xã còn kiểm chứng được độ chân thành và giá trị của các đối tác liên kết. Ông Danh cho biết, trong bộn bề đại dịch, cà phê và hồ tiêu của hợp tác xã vẫn bán được giá cao; trong ách tắc toàn diện, các mặt hàng rau-quả tươi của hợp tác xã vẫn tiêu thụ hết. Quan trọng nhất là cả nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đều giữ vững ý chí, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.

“Hợp tác xã thì chủ yếu kinh doanh cà phê. Còn về rau màu thì có cà tím. Trong dịch thì bên công ty liên kết họ vẫn tiêu thụ bình thường. Công ty này làm với hợp tác xã được mấy năm rồi và đến năm nay họ vẫn duy trì đầu ra cho hợp tác xã và còn tăng giá cho mình trong mùa dịch” - ông Danh nói.

Trong khi các mặt hàng rau-quả của các tỉnh Tây Nguyên có một năm vượt khó-thoát hiểm thì các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như cà phê, cao su, hồ tiêu lại khai thông bế tắc, phát triển ấn tượng. Không chỉ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu (với 2 tỉnh đạt hơn 1 tỷ USD), năm 2021, nông sản Tây Nguyên còn thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và EU, đánh dấu bước tiến về chất lượng sản phẩm và sự đổi mới, trưởng thành của các doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đăk Lăk, doanh nghiệp đầu tư-xuất khẩu cà phê- nông sản lớn nhất tại tỉnh chia sẻ: cước vận tải biển năm 2021 có thời điểm tăng gấp 10 lần, việc giao hàng cho các đối tác cực kỳ khó khăn, nhưng xuất khẩu của đơn vị vẫn tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 270 triệu USD.

Theo ông Huy, thành công này là nhờ chiến lược đầu tư bài bản trong nhiều năm, từ liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đến trẻ hóa đội ngũ. Nhờ liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, Simexco Đăk Lăk có nguồn hàng lớn và chất lượng; nhờ sự trẻ hóa kịp thời, doanh nghiệp đã kết nối được thêm nhiều khách hàng quốc tế trong bối cảnh nhiều khó khăn.

“Năm vừa rồi thì rất khó để mình làm việc trực tiếp với đối tác. Chuyển sang kênh bán hàng online, săn khách hàng online đã đẩy được sản lượng hàng tiêu thụ lên gấp đôi, đạt 16.000 tấn” - ông Huy chia sẻ.

2021 là năm khó khăn, cũng là năm rất thành công của nông nghiệp Tây Nguyên với thị trường cà phê, hồ tiêu, cao su phục hồi mạnh mẽ, giá xuất khẩu tăng từ hơn 20% trở lên so với cùng kỳ năm trước. Nền tảng của nông nghiệp Tây Nguyên cũng tiếp tục được củng cố với hàng loạt dự án lớn trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

Theo ông nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai, việc tỉnh thu hút hàng chục dự án lớn về chăn nuôi trong năm 2021 là tín hiệu rất tốt. Nếu tạo điều kiện tốt để các nhà đầu tư triển khai dự án thì chỉ riêng với 43 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, vốn đăng ký gần 5.600 tỷ đồng, Gia Lai đã có thể tính đến một hệ sinh thái nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ hoàn chỉnh để phát triển bền vững.

“Vấn đề là liên kết thành chuỗi giá trị khép kín, như nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, rồi vùng nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy thức ăn đó. Tất cả những thứ đó tạo cho kinh tế dịch vụ phát triển. Từ đó, đất đai và nhiều tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng giá trị” - ông Lâm nói.

Cũng không thể quên một thực tế là năm 2021, nhà nông Tây Nguyên trầy trật trong nhiều tháng dài, liên tiếp các mùa cam, mùa ổi, mùa xoài, mùa dưa hấu bị giảm giá, khó tiêu thụ, gây nhiều thiệt hại.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông cho rằng, các thiệt hại như vậy là khó tránh khỏi. Lý do là kết nối thị trường thụ động luôn có độ trễ, không tiêu thụ kịp khi các nông sản tươi vào vụ.

Để đảm bảo phát triển bền vững trong hoàn cảnh mới, Đăk Nông xác định phải chủ động xây dựng các liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, khép kín từ vùng nguyên liệu tới thị trường. Để làm được điều này, tỉnh Đăk Nông đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp lớn, bỗi dưỡng các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trở thành hạt nhân liên kết.

"Chúng tôi cũng đã khảo sát đánh giá một số cơ sở chế biến sản xuất nông sản trong tỉnh. Một trong những vấn đề lớn mà họ gặp phải là vấn đề thiếu hụt nguyên liệu. Đây là vấn đề đặt ra đối với ngành nông nghiệp, làm sao giúp được có được vùng nguyên liệu ổn định. Chúng tôi đang cùng với các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn làm từng bước để để làm sao các nhà máy luôn có đủ nguyên liệu đáp ứng được công suất. Còn với các tập đoàn lớn có nhiều kinh nghiệm thì họ họ không cần hỗ trợ gì về tài chính đâu, mà họ cần một môi trường hành chính minh bạch, chính quyền luôn đồng hành với doanh nghiệp" - ông Anh cho biết.

Năm 2021, 4/5 tỉnh Tây Nguyên có mức tăng trưởng xuất khẩu nông sản mạnh mẽ; trong đó có 2 tỉnh xuất khẩu đạt trên dưới 1 tỷ USD, cho thấy năng lực của nông nghiệp-nông dân và doanh nghiệp ở Tây Nguyên đã được nâng cao. Bên trong những điển hình thành công của một năm đầy khó khăn, đều lấp lánh giá trị của đổi mới và liên kết. Đây sẽ tiếp tục là động lực để nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục hướng tới các mục tiêu mới./.

Theo Đình Tuấn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên