MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nóng: Phụ huynh Hà Nội có con thi lớp 10 năm nay đang "khóc một dòng sông", nóng lòng mong Sở GD&ĐT sớm can thiệp vấn đề này

07-03-2024 - 14:18 PM | Sống

Đây là vấn đề nóng, đang được phụ huynh hết sức quan tâm.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2023 từng diễn ra tình trạng: phụ huynh có con thi trượt lớp 10 công lập nháo nhào, hốt hoảng tìm trường tư. Do không nghĩ đến việc con sẽ thi trượt nên nhiều phụ huynh chủ quan, không tính trước phương án dự phòng. Kết quả là phụ huynh phải thức thâu đêm xếp hàng nộp hồ sơ nhưng vẫn không tranh được suất học trường tư cho con. Không ít gia đình buộc phải gửi con về quê học, hoặc chấp nhận cho con học những trường tư khác quận, cách rất xa nhà.

Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay, ngay khi nhiều trường tư có thông báo tuyển sinh lớp 10, phụ huynh đã tấp nập tìm hiểu, nộp hồ sơ giữ chỗ cho con. Tuy nhiên, phụ huynh năm nay lại phải đối mặt với một vấn đề "mới mà cũ", đó là phí ghi danh, phí nhập học, phí đặt chỗ, ... Đây là tên gọi của những khoản tiền khác nhau mà các bậc phụ huynh phải nộp khi đăng ký cho con em mình vào lớp 10 tại hệ thống các trường ngoài công lập, các trường có yếu tố quốc tế.

Đây là khoản thu mang tính chất thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Nghĩa là nhà trường và phụ huynh phải cùng trao đổi về khoản thu này trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, hài hòa lợi ích. Tuy nhiên, hiện việc thu phí ghi danh/nhập học/giữ chỗ được nhiều trường áp đặt cho phụ huynh, tức là nếu phụ huynh chấp nhận cho con đăng ký vào trường thì phải nộp số tiền do nhà trường quy định.

Nóng: Phụ huynh Hà Nội có con thi lớp 10 năm nay đang

Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá căng thẳng hơn cả kỳ thi đại học (Ảnh minh hoạ)

Phí ghi danh/phí nhập học/phí đặt chỗ lên tới 23 triệu đồng!

Năm nay, mức phí ghi danh/phí nhập học/phí đặt chỗ của nhiều trường dao động từ 1,2 - 23 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, trường THPT Archimedes (Đông Anh) đang có mức phí nhập học cao nhất là 23 triệu đồng, một số trường như Hà Nội Academy (Tây Hồ) có mức phí ghi danh là 20 triệu đồng, trường THCS&THPT Lý Thái Tổ phí ghi danh là 1 triệu đồng, phí đặt chỗ là 10 triệu đồng,...

Theo thông báo của trường THPT Archimedes, phí nhập học không hoàn trả, không chuyển nhượng dưới mọi hình thức. Còn trường Lý Thái Tổ cũng cho biết trong thông báo tuyển sinh: "Phí đặt chỗ được tính trừ vào các khoản phí trong năm học 2024-2025 khi học sinh theo học tại trường. Nếu cha mẹ học sinh từ chối cho con theo học tại trường thì phí ghi danh và phí đặt chỗ sẽ không được hoàn lại trong mọi trường hợp".

Nóng: Phụ huynh Hà Nội có con thi lớp 10 năm nay đang

Nóng: Phụ huynh Hà Nội có con thi lớp 10 năm nay đang

Thông báo của trường Lý Thái Tổ

Ghi nhận cho thấy, năm nay nhiều trường có mức phí ghi danh/nhập học/đặt chỗ cao hơn hẳn so với năm ngoái, thậm chí là cao gấp đôi; khiến nhiều phụ huynh ví von chẳng khác nào "lạm phát".

Phụ huynh mong Sở GD&ĐT sớm có quy định về phí giữ chỗ

Trước mức phí quá cao và không được hoàn trả của nhiều trường tư, phụ huynh Hà Nội có con thi lớp 10 năm nay hiện đang "khóc một dòng sông". Chị Thu Phương (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Vẫn biết tiền cọc là khoản thoả thuận giữa phụ huynh và nhà trường nhưng tiền cọc năm nay mình cảm thấy "loạn" quá mức. Mỗi mùa tuyển sinh, chỉ cần thu tiền cọc thôi là nhà trường đã lãi được một khoản rất lớn rồi. Mình cảm giác tiền cọc giờ như một khoản kinh doanh của các trường vậy, có phần phản giáo dục".

Quyết định lựa chọn một trường tư danh tiếng có mức cọc đến 15 triệu đồng cho con, anh Hoàng Hải (quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Gia đình tôi cũng có điều kiện nên chấp nhận bỏ tiền để mua sự yên tâm, phòng trường hợp con không thi đỗ trường công lập. Tuy nhiên với những gia đình có khó khăn hơn về mặt kinh tế thì khoản cọc thực sự là một gánh nặng".

Anh Trần Đức (quận Thanh Xuân) đặt ra câu hỏi: "Năm ngoái từng diễn ra tình trạng phụ huynh đổ xô đi xếp hàng, mua hồ sơ cho con vào các trường tư vì trượt công lập. Nhiều người mất suất vì chậm chân. Phải chăng năm nay nắm được tâm lý sợ hãi của phụ huynh nên các trường tư mới tăng vọt mức phí đặt cọc vì biết có đắt thì phụ huynh vẫn phải chấp nhận, để nếu có trượt công lập thì con cũng không rơi vào thảm cảnh "bơ vơ"?".

Nói về việc các trường không hoàn trả tiền cọc, chị Thanh Nga (quận Hà Đông) cho rằng, điều này có thể hiểu và chấp nhận được, vì nếu học sinh nộp hồ sơ rồi lại rút ra vô tội vạ thì sẽ ảnh hưởng không chỉ đến việc thu chi của trường mà còn cả cơ hội học tập của các em học sinh khác thực sự có nhu cầu học tập ở trường. Tuy nhiên, mức phí đặt cọc cần có quy tắc thống nhất, không thể mỗi năm, mỗi trường mỗi khác và cao một cách "quá đáng" như năm nay.

Ý kiến này của chị Nga được khá nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Hiện tại, trên nhiều hội nhóm mạng xã hội, các phụ huynh đang thống thiết mong Sở GD&ĐT Hà Nội sớm có quy định rõ ràng về mức phí ghi danh, cần đưa ra một mức phí chung là bao nhiêu, thay vì để các trường tự quyết, dẫn đến việc "loạn cào cào" như năm nay.

Thực chất đã không ít lần Sở GD&ĐT Hà Nội có động thái để chấn chỉnh các trường. Năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi tới các trường yêu cầu không thu các khoản phí ghi danh, giữ chỗ, đồng thời cũng có văn bản riêng tới trường khi phát hiện vi phạm. Sau đó, nhiều trường ngoài công lập đã công khai trả lại tiền "phí giữ chỗ" cho phụ huynh. Tuy nhiên, đến nay khoản thu này vẫn tồn tại ở nhiều trường ngoài công lập, khiến phụ huynh bức xúc.

"Việc giữ học sinh và tuyển sinh tốt ở các trường ngoài công lập là ở chất lượng nhà trường, chứ không phải bằng biện pháp giữ tiền đặt chỗ hay giữ hồ sơ. Sở cũng yêu cầu các trường trong giai đoạn tuyển sinh không được thu tiền của phụ huynh. Trường chỉ được tự chủ những khoản mà Bộ GD&ĐT đã quy định như học phí và lệ phí tuyển sinh" , Ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội từng chia sẻ vào năm 2018.

Theo Thanh Hương

Phụ nữ mới

Trở lên trên