Nông sản Bình Định dễ tiếp cận hơn nhờ lên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Bình Định đẩy mạnh việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Cách làm này giúp khách hàng truy xuất được nguồn gốc nông sản, dễ tiêu thụ sản phẩm.
- 25-11-2022Giá Bitcoin hôm nay 25/11: Tiếp tục khởi sắc
- 24-11-2022Những trường hợp nào được làm CCCD gắn chip miễn phí?
Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định đang tập trung chuyển đổi số, từng bước ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh với phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương.
Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân được thành lập vào tháng 10/2020, chuyên mua các loại trái cây trên địa bàn huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định như bưởi da xanh, dừa xiêm, mít… Hợp tác xã này liên kết tiêu thụ trái cây với các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh Bình Định. Sau khi mua trái của người dân, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân liên hệ với Bưu điện tỉnh Bình Định để đưa trái cây lên sàn thương mại điện tử postmart và bán trên sàn giao dịch này.
Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã đã mua được 60 tấn bưởi của nông dân huyện Hoài Ân. Trong đó, khoảng 40 tấn được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Anh Thái Thành Việt, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cho biết, việc đưa trái cây của nông dân Hoài Ân lên sàn thương mại điện tử giúp bán sản phẩm nhanh hơn.
Một nông trại của người dân Hoài Ân.
Theo anh Việt: “Hợp tác xã của tôi đã ký hợp đồng cung ứng bưởi với bưu điện. Bưu điện tỉnh cũng tập huấn các hộ trồng bưởi trên địa bàn huyện, hướng dẫn cho bà con cách đưa một số sản phẩm trái cây của địa phương lên sàn giao dịch điện tử. Mã QR giúp nhận diện nhãn hiệu bưởi Hoài Ân, ngày thu hoạch và vườn của ai, số lượng bao nhiêu".
Hiện nay, huyện Hoài Ân đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích hơn 1600 ha, tập trung tại các xã Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và thị trấn Tăng Bạt Hổ. Toàn huyện Hoài Ân đã có 14 sản phẩm OCOP và 8 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, địa phương này có nhiều mô hình hình trồng trọt, chăn áp nuôi áp dụng công nghệ cao, sản xuất trong nhà màng, áp dụng tưới tiết kiệm và hệ thống tưới tự động trên các vùng cây ăn quả có diện tích tương đối lớn.
Người dân ứng dụng công nghệ tưới tự động.
Huyện Hoài Ân đang tập trung phát triển vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ tiến tới sản phẩm hàng hóa chất lượng và cấp mã số vùng trồng. Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoài Ân cho biết, ngành Nông nghiệp huyện đang từng bước thống kê diện tích trồng trọt để tạo cơ sở dữ liệu quản lý; khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sử dụng nhật ký điện tử.
“Tất cả những dữ liệu về mã số vùng trồng cũng như các dữ liệu về truy xuất nguồn gốc đối với các loại cây ăn quả có thế mạnh chủ lực trên địa bàn đều được số hóa. Số hóa để quản lý và truy xuất và bảo vệ thương hiệu và nhãn hiệu của các loại nông sản trên địa bàn" - ông Tín cho biết.
Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định triển khai hàng loạt giải pháp chuyển đổi số. Tại đây, trong lĩnh vực trồng trọt đã triển khai thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho rau an toàn hợp chuẩn VietGAP nhãn hiệu “Lá lành” của Hợp tác xã Phước Hiệp và Hợp tác xã Thuận Nghĩa. Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định sử dụng phần mềm trong quản lý dữ liệu về bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh hại.
Nông dân huyện Hoài Ân chăm sóc vườn cây ăn quả.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Công Thương và Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kênh thông tin cho các sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định rà soát đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định cho biết, Sở đang tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức cá nhân xây dựng mã QR, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực và lợi thế của địa phương.
Thông tin dưa lưới được quét qua mã QR.
Theo ông Thảo: “Trước mắt chúng tôi phối hợp tuyên truyền trong vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiến hành khảo sát và thu thập thông tin về chuyển đổi số tại Sở nông nghiệp để triển khai tham mưu ban hành kế hoạch chuyển đối số trong năm 2023. Thực hiện Nghị quyết chuyển đổi số thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đang phối hợp thiết lập các hệ thống thông tin dữ liệu của ngành nông nghiệp như quản lý bảo vệ rừng, cây trồng, chăn nuôi thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai phục vụ công tác quản lý trên địa bàn".
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cũng đang rà soát các ứng dụng, phần mềm hiện có để phân loại và số hóa, tạo thành dữ liệu chung. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành để đánh giá, phân tích và dự báo hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng.
“Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định, chúng tôi xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai nội dung này trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tiên là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu chung của tất cả lĩnh vực để xác định được cơ sở dữ liệu, xác định được từng lĩnh vực. Bên cạnh đó thì kho dữ liệu này rất cần thiết, sau này đụng tới lĩnh vực nào liên quan tới chuyển đổi số thì rất thiết thực" - ông Phúc nhấn mạnh.
VOV