Nông sản đón dòng tiền mới, giá bông lập đỉnh 10 năm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, ngoại trừ mức giảm không đáng kể của nhóm năng lượng, sắc xanh bao trùm 3 nhóm mặt hàng còn lại đã giúp chỉ số MXV-Index phục hồi 0,56% lên mức 2.394,17 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp trước đó.
- 22-10-2021Thị trường ngày 22/10: Giá dầu, vàng, đồng, sắt thép, nông sản đồng loạt lao dốc
- 18-10-2021Nhiều nông sản ở ĐBSCL tăng giá trở lại
- 18-10-2021Tăng tốc xuất khẩu nông sản
Dòng tiền chảy mạnh hơn vào nhóm nông sản
Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định ở mức gần 3.500 tỷ đồng, ngang với phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, tỉ trọng giao dịch nhóm nông sản tăng khoảng 20% và bù vào đó là mức giảm của nhóm kim loại, sau khi giá lúa mì đạt mức cao nhất 8 năm.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tháng 11, sắc xanh lan toả trên khắp thị trường hàng hoá. Đáng chú ý nhất là mức tăng vọt của các mặt hàng thuộc nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp.
Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản với mức tăng hơn 3%, lên gần sát mốc 800 cents. Lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu là nguyên nhân thúc đẩy giá đạt mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. Chính phủ Nga tiếp tục tăng mức thuế xuất khẩu lúa mì lên mức cao nhất niên vụ khiên giá xuất khẩu ở nước này cũng tăng mạnh. Trước tình hình đó, các nước nhập khẩu chính như Ai Cập và Saudi Arabia cũng ngay lập tức mua vào, hạn chế rủi ro giá tiếp tục tăng phi mã trong tương lai. Tuy nhiên, động thái này cũng vô tình thúc đẩy giá lúa mì tăng mạnh ngay trong phiên hôm qua.
Giá bông lập đỉnh mới, cà phê khởi sắc
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá bông tiếp tục lập đỉnh mới 10 năm với mức tăng 4,3% lên 119,8 cents/pound. Những yếu tố thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của thị trường bông trong 2 tháng nay xuất phát từ những cơn mưa lớn ở Mỹ làm giảm chất lượng bông được thu hoạch và những lo ngại xung quanh sản lượng bông ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, dòng tiền lớn của các quỹ nhằm đầu cơ vào thị trường bông cũng khiến cho giá tăng vọt 30% trong giai đoạn vừa rồi.
Cùng diễn biến khởi sắc, hai mặt hàng cà phê cũng nối dài đà tăng với giá Arabica tăng 2,3% lên 208,7 cents/pound, còn giá Robusta tăng 2,5% lên 2.269 USD/tấn. Những lo ngại về nguồn cung cà phê trên toàn cầu một lần nữa lại hỗ trợ tốt cho giá khi mà Liên đoàn những người trồng cà phê ở Colombia, nước sản xuất Arabica lớn thứ 2 thế giới, cắt giảm ước tính sản lượng niên vụ 2021/22 từ 14 triệu bao xuống 13 -13,5 triệu bao. Trong khi đó, tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng khiến cho khối lượng xuất khẩu Robusta của Indonesia trong tháng 10 đạt 12,35 triệu tấn, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam 10 tháng đầu năm ước tăng 4,1%
Ở thị trường Việt Nam, giá cà phê trong nước hôm nay vẫn khá ổn định, dao động trong khoảng từ 40.500 - 42.000 đồng/kg. Trong đó, ở Lâm Đồng, các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc được thu mua cà phê với mức giá 41.200 đồng/kg. Còn ở tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 42.000 đồng/kg. Nhìn chung, một số vùng trồng cà phê trọng điểm đã nâng giá khoảng 600 đồng/kg so với hôm qua.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm ước đạt 1,3 triệu tấn, tương đương 22,1 triệu bao, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới có thể tăng 4,1% lên 2,4 tỷ USD trong 10 tháng này. Tổng trị giá các lô hàng cà phê được xuất khẩu trong tháng 10 ước đạt 90 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu 193 triệu USD.
Báo tin tức