Nông sản, thực phẩm Việt rộng cửa vào Singapore và Malaysia
Các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển tại hai thị trường Singapore và Malaysia. Đây là thông tin được bà Đỗ Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương đưa ra tại Hội thảo trực tuyến "Giới thiệu cơ hội thương mại với một số đối tác thành viên Hiệp định CPTTP trong khu vực châu Á" do Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh An Giang tổ chức ngày 5/11.
- 05-11-2020Giá heo hơi sẽ giảm tiếp?
- 05-11-2020Nông dân Hà Nội trồng cây đặc sản, nuôi con đặc sản bán dễ, lời cao
- 05-11-2020Rau xanh khan hiếm, đắt ngang thịt gà, cá, tiểu thương không dám nhập bán
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia và Singapore tham gia trực tuyến từ đầu cầu Malaysia và Singapore.
Nhiều tiềm năng
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi- Bộ Công Thương, Việt Nam đã ký kết và thực thi các hiệp định mở cửa thương mại quan trọng; trong đó tiêu biểu là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (năm 2007), ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc ... Nhờ tham gia các hiệp định FTA, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm các cơ hội khẳng định vị thế doanh nghiệp, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, các nguồn viện trợ phát triển, các định chế tài chính quốc tế hay tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý thông qua các dự án đầu tư.
Hiện An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long vốn nổi tiếng với nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông sản, đặc biệt lúa gạo và thủy sản được đánh giá là các sản phẩm có chất lượng cao, chủ lực phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường các nước châu Á và ASEAN, nhất là hai thị trường Singapore và Malaysia, các mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển tại hai thị trường này.
Bà Đỗ Phương Dung, cho biết: Với Singapore, Việt Nam có mối quan hệ gắn bó lâu đời, liên kết đa chiều và hợp tác sâu sắc trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt 7,29 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,19 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 4,09 tỷ USD.
"Singapore là nền kinh tế không có ngành nông nghiệp, hầu như phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu nội địa. Chính vì không có nền nông nghiệp, Singapore là quốc gia có chính sách nhập khẩu tương đối cởi mở, với hơn 150 nước đối tác xuất khẩu. Do vậy, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển tại thị trường này", bà Dung khẳng định.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện Malaysia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN sau Thái Lan. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 11 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,8 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 7,3 tỷ USD. Việt Nam còn nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Malaysia, đặc biệt là một số mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao trong những năm gần đây như: gạo, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản…
Nhưng thiếu thông tin đối tác
Bà Đỗ Phương Dung cho rằng: Trong quá trình theo dõi hợp tác thương mại song phương với các nước trong khu vực châu Á – châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin về các đối tác thương mại, nhu cầu, thị hiếu, dung lượng thị trường, các chính sách thương mại và quy định xuất nhập khẩu, các cơ hội giao thương ...
"Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh; quy trình sản xuất, chế biến bài bản, chuyên nghiệp, đúng quy định và bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực, quốc tế; có bản lĩnh kinh doanh, dám đương đầu với hội nhập để vươn xa, vưon rộng ra các thị trường lớn. Làm được điều đó, các doanh nghiệp mới hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt có uy tín, danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới", bà Dung chia sẽ với các doanh nghiệp.
Dịch COVID-19 khiến nhiều đối tác, bạn hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU và các nước ASEAN. Nên hoạt động xuất khẩu của các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông thủy sản, công nghiệp chế biến cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Trong cao điểm của dịch, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn này đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, giao thương, dẫn đến việc hủy hàng loạt hợp đồng xuất khẩu. Vì vậy, việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, duy trì hoạt động xuất khẩu ổn định và đưa hàng Việt Nam vào các kênh phân phối nước ngoài thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức trực tuyến là hết sức quan trọng.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thị trường xuất khẩu có những xáo trộn và đứt gẫy, việc giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ nhất là đối với các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp.
"An Giang mong muốn Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore và Malaysia chia sẻ, cung cấp thêm thông tin, yêu cầu cụ thể, triển vọng hợp tác phát triển thương mại tại hai thị trường này để các doanh nghiệp An Giang có được cái nhìn toàn diện, từ đó có định hướng điều chỉnh phù hợp nhằm sớm đưa được các sản phẩm của mình xâm nhập vào thị trường này", ông Thư đề xuất.
Doanh nghiệp cần nắm rõ quy định
Từ Singapore, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cho rằng có 3 nhóm mặt hàng tiềm năng dành cho các doanh nghiệp An Giang và cả nước xuất khẩu vào thị trường Singapore như: Nhóm mặt hàng nông thủy sản gồm: rau quả, hạt điều, cao su, nông sản chế biến; nhóm nhiên liệu, nguyên liệu thô và khoáng sản như than đá, cao su…; nhóm công nghiệp chế biến như; bánh kẹo, hóa chất, sản phẩm gỗ, dây diện, đồ chơi, dụng cụ thể thao….
Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng bà Trần Thu Quỳnh cho rằng hiện các doanh nghiệp Việt lại ít quan tâm đến thị trường Singapore do thị trường nhỏ, yêu cầu cao về chất lượng, tiêu chuẩn, yêu cầu về giá cả; các nhà xuất khẩu Việt Nam chưa quen thuộc với hình thức thanh toán L/C (thư tín dụng), ít chấp nhận trả chậm...
"Để xuất khẩu vào Singapore, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, thiết kế bao bì, hướng dẫn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm bằng tiếng Anh như: Halal, ISO, VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực và chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại Singapore", bà Quỳnh đề xuất.
Từ Malaysia, ông Trần Quốc Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia thông tin: Malaysia có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng thực phẩm như gạo, cà phê, rau quả, thủy sản, bánh kẹo ... với giá trị hơn 50 tỷ RM mỗi năm. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn nhất các mặt hàng cho thị trường Malaysia như: gạo, cà phê, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ... Hiện doanh nghiệp trong nước đang có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này với các mặt hàng như: rau củ quả, hải sản, đồ uống, bánh kẹo, phụ phẩm thức ăn chăn nuôi ...
"Việc thâm nhập vào thị trường Malaysia cần chứng nhận Halal. Mặc dù chứng nhận Halal không phải là bắt buộc đối với các sản phẩm, nhưng Malaysia là quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số nên sản phẩm có chứng chỉ Halal sẽ có nhiều cơ hội tham nhập thị trường hơn", ông Quốc Anh lưu ý.
Ông Trần Quốc Anh cũng thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Malaysia cần tuân thủ Đạo luật Thực phẩm của Malaysia năm 1983 và Quy định về Thực phẩm năm 1985 nhằm kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, bao gồm tiêu chuẩn thực phẩm, vệ sinh thực phẩm, xuất nhập khẩu thực phẩm, quảng cáo thực phẩm; các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tuân thủ yêu cầu bao gói, dán nhãn… theo Quy định thực phẩm năm 1985.
An Giang cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, Vụ Thị trường châu Á- Phi, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore và Malaysia tổ chức mời đoàn doanh nghiệp Singapore và Malaysia đến An Giang để cùng địa phương cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh có những hợp tác thương mại sâu sắc, khai thác đúng tiềm năng và lợi thế của mỗi bên.
Báo Tin Tức