MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông sản xuất Mỹ, xuất Trung biến động giữa chiến tranh thương mại

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, bao gồm các loại hàng hóa nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên cũng có một số mặt hàng nông nghiệp xuất Mỹ giảm.

Mỹ

Về thủy hải sản, tính lũy kế quý I/2019, nhập khẩu cá tra Việt Nam của Mỹ tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối lượng nhập khẩu phile cá tra đông lạnh đạt 20.178 tấn trong 3 tháng đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị nhập khẩu phile cá tra đông lạnh đạt 95,99 triệu USD, tăng 42,9%; đơn giá nhập khẩu bình quân đạt 4,75 USD/kg, tăng 27,6% (tương đương 1,03 USD/kg) so với 3,72 USD/kg đạt được cùng kỳ năm 2018.

Nhưng giá cá tra trong tháng 5 lại chững lại và sụt giảm so với thời điểm được giá năm 2018 do thị trường xuất khẩu có nhiều biến động, đặc biệt là sự sụt giảm xuất khẩu vào những thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ. 

Trong tháng 5/2019, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 có xu hướng diễn biến chậm, do nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu chủ yếu tập trung thu hoạch, chế biến cá tra do doanh nghiệp tự nuôi và hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu trong dân, nhất là khi doanh nghiệp chưa ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu. 

Tại thị trường Mỹ, tính lũy kế quý I/2019, nhập khẩu tôm của Mỹ giảm cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 146.338 tấn (giảm 5.8%), trị giá 1.260 triệu USD (giảm 14,89). Đơn giá nhập khẩu tôm bình quân 3 tháng đầu năm đạt 8,61 USD/kg, giảm 10,5% (tương đương 0,91 USD/kg) so với 9,52 USD/kg đạt được cùng kỳ năm 2018.

Về các loại cây công nghiệp, Hoa Kỳ cùng với Đức tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 10,1% và 12,8%. Mỹ cũng là một trong bốn thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất, một trong ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam 4 tháng đầu năm.

Giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (Tocom) diễn biến giảm trong nửa đầu tháng 5/2019 do các nhà đầu tư bán ra chốt lời trong bối cảnh lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 - chiếm 79% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó nhập khẩu gỗ Việt của Hoa Kỳ tăng tới 34,7% so với cùng kỳ.

Về sản phẩm chăn nuôi, giá lợn hơi giao tháng 6/2019 thị trường Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 3,35 UScent/lb xuống còn 89,425 UScent/lb. Giá lợn hơi giảm do nguồn cung dồi dào trên thị trường thế giới.

Đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong 4 tháng đầu năm 2019, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Trung Quốc

Về thủy hải sản, cá tra nhập khẩu Trung Quốc cũng tăng trong 3 tháng đầu năm và chững lại trong tháng 4 và tháng 5. 

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của sắn Việt Nam, chiếm tới 89,2% thị phần, nhưng trong tháng 5, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc đã giảm 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc cũng đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với 73,7% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1,04 tỷ USD, tăng 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Cùng với Mỹ, Trung Quốc cũng nằm trong top 3 nhà nhập khẩu điều Việt Nam, và top 4 nhà nhập khẩu gỗ Việt Nam.

Trung Quốc cùng với Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 64,3%, 8,4% và 3,5%.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục xuất lượng lớn hàng hóa nông sản sang Việt Nam. Phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 30%, tăng 6,4% khối lượng và 2,2% giá trị so với cùng kỳ. Nhập khẩu gỗ tăng 35,5% so với cùng kỳ. Thủy sản, rau củ quả nhập hàng Trung Quốc tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn.

Hoàng An

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên