MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nóng: Tàu Trung Quốc vừa đổ bộ thành công, mở ra kỷ nguyên mới khám phá nửa tối của Mặt trăng

02-06-2024 - 14:32 PM | Tài chính quốc tế

Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất dám tiến đến nửa tối của Mặt trăng.

Sứ mệnh Chang'e 6, nỗ lực đầu tiên trong lịch sử nhân loại nhằm đưa các mẫu từ nửa tối của Mặt trăng trở lại Trái đất, của Trung Quốc đã đạt đến một cột mốc quan trọng trong hành trình chinh phục Mặt trăng lịch sử của họ - tàu đổ bộ của Chang'e 6 đã hạ cánh thành công xuống bề mặt nửa tối của Mặt trăng vào ngày 2/6/2024, China Daily thông tin.

Với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Queqiao 2, tàu đổ bộ của Chang'e 6 đã nhẹ nhàng hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng lúc 6:23 sáng (giờ Bắc Kinh) tại một địa điểm được chỉ định bên trong Bồn địa Nam Cực-Aitken - lưu vực lớn nhất, lâu đời nhất và sâu nhất được công nhận trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất.

Cuộc đổ bộ đánh dấu sự xuất hiện thứ hai của tàu vũ trụ không người lái của Trung Quốc ở nửa tối Mặt trăng nơi được các nhà khoa học tin rằng có manh mối giải đáp nhiều bí ẩn xung quanh Mặt trăng và Hệ Mặt trời của chúng ta.

Cho đến nay, 2 lần đổ bộ đó đều do Trung Quốc thực hiện.

Dự kiến trong hai ngày tới, tàu Trung Quốc sẽ sử dụng cánh tay robot và máy khoan để thu thập các chất trên bề mặt và dưới lòng đất, sau đó cho chúng vào một thùng chứa kín trước khi nâng các vật liệu quý giá lên quỹ đạo Mặt trăng, bắt đầu cho hành trình quay về Trái đất.

Nóng: Tàu Trung Quốc vừa đổ bộ thành công, mở ra kỷ nguyên mới khám phá nửa tối của Mặt trăng- Ảnh 1.

Nhân viên kỹ thuật làm việc tại Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, ngày 2/6/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nếu giai đoạn thu thập và quay về này diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, con người có được bụi và đá từ nửa tối của Mặt trăng. Các mẫu thu thập trước đó đều thực hiện ở phía gần Mặt trăng, nơi luôn có ánh Mặt trời chiếu sáng.

Các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng, mẫu thu thập mới nhất này sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu trên toàn cầu những chìa khóa hữu ích để giải quyết các câu hỏi của họ về Mặt trăng và có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích khoa học vô giá.

Chang'e 6 'vượt cạn' thành công

Theo Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, hoạt động hạ cánh phức tạp của Chang'e 6 đã bắt đầu vào thứ Năm (30/5) khi tàu đổ bộ tách khỏi tổ hợp quỹ đạo, bao gồm một tàu quỹ đạo và một khoang quay lại.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng vào sáng sớm Chủ nhật (ngày 1/6), tàu đổ bộ bắt đầu tiến hành hạ độ cao theo quỹ đạo vào lúc 6h09 sáng cùng ngày.

Nóng: Tàu Trung Quốc vừa đổ bộ thành công, mở ra kỷ nguyên mới khám phá nửa tối của Mặt trăng- Ảnh 2.

Hình ảnh này được lấy từ video hoạt hình tại Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh vào ngày 2 tháng 6 năm 2024 cho thấy hình ảnh tàu đổ bộ và tàu bay lên của Chang'e 6 trước khi hạ cánh ở nửa tối của Mặt trăng. Ảnh: Tân Hoa Xã

Khi đạt độ cao khoảng 100 mét so với bề mặt Mặt trăng, tàu đổ bộ tạm dừng quá trình hạ độ cao và bay lơ lửng trong thời gian rất ngắn để thực hiện quét laser chính xác các chướng ngại vật trước khi tiếp tục hạ xuống với tốc độ chậm hơn, ổn định hơn.

Vào giây phút cuối cùng của hoạt động đầy thử thách, khi tàu cách bề mặt vài mét, động cơ chính của nó dừng lại và tàu kích hoạt hệ thống đệm và chạm nhẹ nhàng xuống bề mặt Mặt Trăng, trở thành tàu vũ trụ thứ hai đến vùng xa của Mặt Trăng, sau tàu đổ bộ của Chang'e 4 của Trung Quốc thực hiện hồi tháng 1/2019.

Chang'e 6 được phóng bằng tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5 vào ngày 3/5/2024 từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Giống như tất cả các tàu thăm dò Mặt trăng trước đây của Trung Quốc, tàu vũ trụ Chang'e 6 nặng 8,35 tấn được thiết kế và chế tạo bởi Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, và cũng bao gồm bốn thành phần chính là tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, tàu bay lên và tàu quay lại.

Trước đó, sứ mệnh Chang'e của Trung Quốc cũng thu thập thành công 1.731 gram mẫu Mặt trăng và đem về Trái đất nghiên cứu vào năm 2020.

Tham khảo: China Daily


Theo Trang Ly

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên