MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai chung lo với người nuôi tôm?

20-11-2013 - 10:20 AM |

Tại nhiều địa phương, do giá tôm tăng đột biến, nghề nuôi tôm đang được đua nhau khôi phục. Nhưng sự ổn định về giá thế nào, thị trường tiêu thụ sẽ ra sao thì chưa ai đảm bảo được.

Cần sự bền vững

Hiện, tôm sú loại 20 con/kg giá khoảng 300.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 180.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg giá 185.000 đồng/kg, 70 con/kg giá 139.000 - 145.000 đồng/kg. Mức giá này được xem là tương đương, thậm chí cao hơn một số thời điểm "vàng" như lễ, Tết. Thêm nữa, tôm được thương lái Trung Quốc nâng giá và tận thu đúng thời điểm giao mùa nên dễ khiến người dân ồ ạt thả nuôi trái vụ.

Nhiều chủ hộ nuôi tôm cho biết, có nằm mơ họ cũng không ngờ giá tôm cao ngất ngưởng ngay vụ chính. Đã thế, thương lái mua tôm đợt này lại rất dễ tính, không những không kén tôm như mọi khi mà còn "quên" yêu cầu kiểm tra dư lượng kháng sinh. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại "la" rằng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, và tìm mọi cách thu gom (kể cả đẩy giá tôm lên cao). Một câu hỏi đặt ra: "Vì sao đến thời điểm này doanh nghiệp mới mua tôm với giá cao, còn trước đó thì luôn ép giá người nuôi?".

Tuy nhiên, khi tôm được mùa, được giá, người nuôi cũng chưa thể an tâm, chưa thể vội mừng, bởi còn canh cánh nỗi niềm: "Liệu mức giá tăng cao này có tiếp diễn hay chỉ bột phát, có tính thời điểm?"; "Đầu tư sản xuất thêm rồi liệu sản phẩm có bị dư thừa, ép giá trở lại?". Sự thao túng về giá sẽ thế nào, khi sản phẩm họ làm ra không được "đỡ đầu", khi doanh nghiệp chỉ quan tâm số lượng và chạy theo thị trường?

Đừng "thả nổi" người nuôi!

Người nuôi là nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị, nhưng họ dường như bị "cho ra rìa", không được chia sẻ lợi nhuận. Không ít người nuôi tôm bức xúc: "Nuôi tôm được ví như đánh bạc. Nhưng đây là canh bạc mưu sinh của nông dân, khi mà tất cả tài sản, công sức và cả số phận gia đình đều phụ thuộc vào nó. 

Thế nhưng khi họ bị thiệt hại do thiên tai thì chẳng mấy khi được hỗ trợ, giúp đỡ, và có cũng không bao nhiêu. Thậm chí mấy năm liền, người nuôi tôm lao đao, khốn khổ, nhưng có mấy doanh nghiệp hay đại lý nào tự nguyện chia sẻ gánh nặng ấy? Thế mà lúc tôm được mùa, họ lại kì kèo, ép giá. Với cách hành xử này, làm sao chúng tôi dám chung tình với một mối". 

Không chỉ vậy, trước tình trạng giá tôm lên cao, đã xuất hiện tình trạng một số cơ sở, đơn vị cho nhân viên đến tận hộ nuôi để quảng bá, giới thiệu quy trình nuôi của mình; cùng đó là việc cung cấp thuốc, hóa chất. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả những quy trình này chưa ai có thể khẳng định, mà thực trạng là nhiều người nuôi ồ ạt thả, trong khi dịch bệnh vẫn là mối lo thường trực...

Ông Võ Hồng Ngoãn, "Vua tôm" tại Bạc Liêu, cho biết, nhiều hộ nghèo đã vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đào hồ nuôi tôm. Nếu tôm bị dịch bệnh hoặc thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua thì họ phải đối diện nợ nần chồng chất. 

Do đó, người nuôi không nên nóng vội, thấy giá cao mà thả tràn lan; cần thăm dò tình hình nuôi, thả nuôi kết hợp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuân thủ quy trình nuôi đã được khuyến cáo... Các ngành chức năng cần nghiên cứu, hoạch định cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp kiểm soát đầu vào, nhằm đảm bảo hoạt động nuôi tôm đạt hiệu quả, bền vững.

Để tạo được ổn định trong sản xuất, cung - cầu hợp lý, các doanh nghiệp phải chủ động thu hẹp khoảng cách, gỡ bỏ bức tường ngăn cách mình với nông dân; cần điều chỉnh mối quan hệ và bắt tay hợp tác với nông dân trong việc đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý.  

Theo Đức Chung

khanhnt

Thủy sản Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên