Bán hàng qua Trung Quốc bằng… internet
Một sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp hàng nông thủy sản Việt Nam bán qua thị trường 1,3 tỉ dân này nhanh chóng, tránh tình trạng bị ép giá.
- 20-06-2015Việt Nam cần có chợ đấu giá nông sản xuất khẩu
- 16-06-2015Nông sản Việt trước hội nhập: Tái cơ cấu, hướng tới xuất khẩu
- 15-06-2015Nông dân tiếp tục khóc ròng vì nông sản rớt giá
Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu các sản phẩm hơn 10.000 tỉ USD, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vượt 500 tỉ USD… sẽ là cơ hội thương mại cho doanh nghiệp (DN) vùng châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Thông tin trên được ông Lý Chấn Dân, Lãnh sự thương mại, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM, cho biết tại hội thảo “Tăng cường hợp tác kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, diễn ra ngày 26-6.
Lật kèo, ép giá
Ông Lý Chấn Dân cho biết dự kiến kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ đạt 100 tỉ USD trong năm nay. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong ASEAN. “Hợp tác DN 2 bên ngày càng mật thiết nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Nhà nhập khẩu Trung Quốc không biết rõ thị trường Việt Nam, nhà xuất khẩu Việt Nam lại không liên hệ được các đối tác nhập khẩu Trung Quốc có năng lực” - ông Dân nhận xét.
Kể về tình huống “méo mặt” của mình, ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vân Tùng, cho biết có DN Trung Quốc đến thu mua nông sản xuất khẩu, thử nghiệm qua 1 container 20 feet nếu đạt chất lượng sẽ mua nhiều hơn. Đối tác tiếp tục đặt thêm container 40 feet (khoảng 25 tấn) và chuyển tiền rất nhanh. Những lần điện thoại kế tiếp, họ khẳng định hàng đạt tiêu chuẩn và đề nghị giao hàng 2 ngày/1 container 40 feet.
“Một lần xe chở hàng của công ty đã tới cửa khẩu Tân Thanh, một xe gần tới miền Trung, một xe vừa xuất phát và một xe đang chờ ở bến thì bất ngờ đối tác gọi điện bảo hàng không đạt chất lượng và lật kèo. May mắn là công ty có xưởng chế biến nên khi hàng chở về lại xưởng mới biết đây là chiêu chơi xấu của họ, chứ hàng không hư hỏng gì. Nếu DN nào mới hoặc “yếu tim” sẽ bị họ làm giá” - ông Vân bức xúc.
Theo nhiều DN, thời gian qua tình trạng thương lái Trung Quốc vào tận vườn, cảng cá thu mua nông thủy sản, cạnh tranh trực tiếp với DN xuất khẩu bản địa đã làm xáo trộn hoạt động xuất khẩu.
Không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết hiện có nhiều thương nhân Trung Quốc đến tận cảng cá và thu mua trực tiếp từ người nuôi. Sau đó xuất tiểu ngạch về nước gây khó khăn cho DN làm ăn chân chính. Còn theo đại diện Công ty Lương thực và Thực phẩm An Giang, có rất nhiều thương lái Trung Quốc đến mua gạo của nông dân và DN Việt nhưng không rõ nguồn gốc, uy tín. DN muốn tìm hiểu, xác minh thông tin nguồn gốc của thương lái thì không biết tìm ở đâu, kênh nào?.
Lập sàn thương mại xuyên biên giới
Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Lý Chấn Dân, cần sự phối hợp và tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng hai nước. Nên thành lập một sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc, tận dụng thế mạnh của mạng internet để minh bạch thông tin thị trường, DN.
Ông Miao RenLai, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết trước mắt sẽ là ý tưởng lập một sàn giao dịch nông sản ở ĐBSCL (cụ thể là Cần Thơ) để giúp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giúp nâng cao vai trò của nhà cung ứng và cung cấp thông tin cho đối tác. “Lâu nay thương lái Trung Quốc qua Việt Nam thu mua nông thủy sản chủ yếu là cá nhân nhỏ lẻ. Thị trường Trung Quốc với dân số 1,3 tỉ người và khoảng 400 triệu người dùng mạng internet, nếu hàng nông thủy sản Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc qua mạng sẽ rất hiệu quả” - ông Miao RenLai gợi ý.
Ông Lý Chấn Dân cho biết sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng Việt Nam để thiết lập đường dây nóng, hỗ trợ giải quyết sự việc, giám sát xuất khẩu và kiểm nghiệm sản phẩm… Cơ quan chức năng 2 bên sẽ họp định kỳ trao đổi thông tin nhằm nghiên cứu biện pháp hiệu quả cùng nhau thúc đẩy kinh tế thương mại song phương phát triển.
Bớt khâu trung gian thương lái
Phóng viên: Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như vải thiều, hành tím, khoai lang, thậm chí cả gạo… xuất qua Trung Quốc thường bị trục trặc, ép giá, theo ông vì sao?
- Ông Miao RenLai: Thông tin cụ thể từng mặt hàng thì tôi không nắm rõ. Riêng vải thiều, có thể do những năm Trung Quốc được mùa nên giảm thu mua từ Việt Nam. Theo tôi, DN Việt Nam có thể sơ chế, chế biến như làm vải khô sẽ để được lâu hơn và không bị ảnh hưởng bởi thời gian vận chuyển trên đường.
- Ông Lý Chấn Dân: Ở Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu gạo khoảng 5,3 triệu tấn và cấp hạn ngạch cho 100 DN nhưng thực tế vẫn có một lượng lớn gạo nhập vào Trung Quốc theo đường tiểu ngạch qua biên giới. Chính quyền Trung Quốc có biết và đang áp dụng biện pháp tăng cường quản lý, vì nếu không giám sát chặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến DN xuất khẩu của Việt Nam và cả thị trường Trung Quốc.
Riêng về xuất khẩu gạo, tôi nghĩ chính quyền các địa phương của Việt Nam và DN xuất khẩu nên phối hợp với nhau vì liên quan đến nông hộ. Nông dân trực tiếp sản xuất lúa gạo nhưng hiện nay thường phải bán qua trung gian rất nhiều, cả thương lái của Việt Nam lẫn thương lái Trung Quốc, ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ.
. Theo ông, vì sao thương nhân Trung Quốc thường xuyên dừng thu mua hàng nông sản Việt Nam?
- Ông Miao RenLai: Hiện tượng này xảy ra thường xuyên do nông dân Việt Nam tập trung vào một số thương lái nhỏ lẻ. Họ tự đi tìm nguồn hàng và khi cảm thấy không có lợi sẽ ngừng thu mua. Do đó, 2 nước nên kết nối, hợp tác để tìm được những nhà mua hàng có tiềm lực thật sự, kết nối người mua và người bán cần thiết.
Linh Anh thực hiện