MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch cá tra và cơ hội M&A

07-10-2013 - 09:49 AM |

“Muốn biết thực sự lượng cá tra trong ao còn bao nhiêu, chỉ cần nhìn vào lượng thức ăn cho cá mà các nhà máy chế biến thức ăn gia súc bán ra là biết”–lãnh đạo một công ty XK cá tra cho biết.

Từ tháng 8-2013 đến nay các doanh nghiệp chế biến thức ăn bán ra không quá 60.000 tấn/tháng, mức thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây.

Bốn tháng bi kịch

Sản lượng tiêu thụ thức ăn cho cá của Công ty chế biến thức ăn gia súc Việt Thắng (VTF-Hose) hiện còn 25.000 tấn/tháng, giảm mạnh từ mức 45.000 tấn/tháng những năm trước. Công ty Proconco bình thường tiêu thụ cho cá chừng 30.000 – 32.000 tấn/tháng, giờ sụt giảm còn hơn phân nửa, 17.000 – 18.000 tấn/tháng, Cỏ May từ 11.000 – 12.000 tấn xuống ước 5.000 tấn/tháng. Các nhà máy nhỏ khác bán được 1.000 – 2.000 tấn/tháng. Cứ đà này lượng thức ăn bán ra sẽ còn giảm nữa.

Năm 2011 - 2012 cá tra nguyên liệu có lúc lên tới 27.000 đồng/kg. Nông dân nuôi nhiều, sản lượng từ 1 triệu tấn/năm vọt lên 1,3 triệu tấn. Cùng thời điểm ấy Nga tăng hạn ngạch đánh bắt cá xuất khẩu từ 4 triệu tấn lên 7 triệu tấn/năm, còn Mỹ tăng sản lượng cá Colin Alaska (còn gọi là cá Minh Thai) thêm 2 triệu tấn/năm. Trước sự cạnh tranh của các nguồn cá khác trên thị trường quốc tế, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm.

Đầu năm 2013 đến tận tháng 7 vừa rồi, nhất là từ tháng 4 đến tháng 7, giá cá tra nguyên liệu rớt thê thảm. Nông dân lỗ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, họ không còn vốn để tái đầu tư. Diện tích ao trống tăng 40%. Những vùng nông dân gắn bó với nuôi cá, được ngân hàng cho vay vốn và các cơ sở sản xuất thức ăn hỗ trợ bằng cách cho nợ tiền mua trả dần, thì chuyển qua nuôi cá lóc, cá rô phi tiêu thụ nội địa, vừa có lời lại được thanh toán tiền bán cá ngay tức thì.

Cá tra từ chỗ thừa chuyển sang thiếu hụt. Giá cá tăng nhưng nông dân không còn cá để bán. Các đơn đặt hàng chào mua với giá tăng 15%-20% nhưng nhiều nhà xuất khẩu cân lên đặt xuống vì lo không đủ nguyên liệu đầu vào. Không phải đơn vị xuất khẩu nào cũng đầu tư cho nuôi cá do họ đã quen mua cá của dân rẻ hơn nuôi trồng. Tại thị trường Mỹ sau khi giá cá rô phi Trung Quốc tăng gần 50%, giá cá da trơn và cá tra nhập khẩu cũng tăng theo.

Cơ hội M&A

Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội Vasep, chủ tịch Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG-Hose) cho biết đến ngày 30-9-2013 lượng cá tra nuôi trồng trong dân và doanh nghiệp khoảng 1 tỉ con. Nếu tính bình quân mức hao hụt nuôi trồng 30%, thì có khoảng 700 triệu con cho thu hoạch. Sản lượng cá nguyên liệu từ nay đến cuối năm và đầu năm sau, như vậy, chỉ được 500.000 – 600.000 tấn, thiếu hụt cho tất cả các thị trường xuất khẩu.

Thiếu nguyên liệu đã đặt các nhà máy chế biến vào tình trạng báo động. Gần 80% các nhà máy chế biến đang chạy dưới 50% công suất. Điều này sẽ đẩy chi phí giá thành cá chế biến lên.

Cuộc khủng hoảng cá tra đang dần hiện rõ. Những doanh nghiệp không đầu tư cho nuôi trồng, không có vùng nguyên liệu sẽ gian nan. Nhưng khủng hoảng cũng là cơ hội. Những công ty tốt sẽ sống, sẽ tốt lên, còn những doanh nghiệp yếu, sẽ yếu luôn.

Khủng hoảng cũng là điều kiện thuận lợi để hoạt động M&A trỗi dậy. Tuần qua một đối tác Singapore, có quan hệ với một quỹ đầu tư danh tiếng của quốc gia này, cuối cùng đã đạt được những thỏa thuận cơ bản mua 30 triệu cổ phiếu của Hùng Vương với giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Theo ông Dương Ngọc Minh, Hùng Vương sẽ phát hành thêm cho nước ngoài và nâng vốn điều lệ lên 1.500 tỉ đồng. Phần thặng dư có được, khoảng 600 tỉ đồng, Hùng Vương sẽ đầu tư cho nuôi trồng và nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu ở công ty Agifish lên 80%. Agifish hiện là một trong số công ty con, công ty liên kết hoạt động hiệu quả nhất của Hùng Vương.

“Chúng tôi sẽ mua lại phần sở hữu của Nhà nước tại Agifish do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC quản lý” – ông Minh nói – “Tôi đã trao đổi với đại diện SCIC. Cái khó là theo qui định SCIC không được chuyển nhượng vốn thấp hơn giá trị sổ sách, mà thị giá của Agifish hiện giờ chỉ bằng 2/3 giá trị sổ sách”.

Đối với công ty chế biến thức ăn gia súc Việt Thắng, ông Minh bật mí đang có những đề nghị Hùng Vương chuyển nhượng toàn bộ sở hữu tại đây với giá gấp 5 lần giá vốn mà HVG đã đầu tư. Thị phần của Việt Thắng trong mảng thức ăn gia súc hiện nằm trong tốp đầu và nếu có được Việt Thắng, phía nhận chuyển nhượng có thể kiểm soát được thị trường này.

Tuy nhiên Hùng Vương đang mở rộng cả một chuỗi chu trình khép kín bao gồm từ con giống, thức ăn cho cá, nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu nên sẽ phải cân nhắc kỹ càng việc chuyển nhượng Việt Thắng. Hiện tại nhờ nuôi trồng mà HVG đảm bảo được một phần nguyên liệu và hạ được giá thành đầu ra. “Giá thành nuôi cá của chúng tôi bình quân 20.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường là 24.000 đồng/kg. Nhờ giá thành nuôi thấp và giá cá xuất khẩu tăng, lợi nhuận quí tư của nhóm Hùng Vương sẽ tăng trưởng mạnh” – ông Minh nhấn mạnh.

Thành Long

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên