Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Không để nhóm ưu thế khống chế giá nông sản
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ngày 13-6, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ băn khoăn về chính sách mua tạm trữ lúa gạo còn nhiều bất cập trong nông dân.
- 13-06-2013Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu còn dễ dãi
- 13-06-2013Quyết liệt ngăn ngừa “nạn” phân bón giả
- 13-06-2013Có giải pháp để người nông dân có lãi trong chăn nuôi
- 12-06-2013Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Người trồng lúa không lãi được 30%"
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi với mức giá hiện nay mục tiêu người nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu là 30% có thực hiện được không, giải pháp thế nào? Trong khi đó, ĐB Y Thông (Phú Yên) đặt nghi vấn: “Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ trưởng có thấy nhóm lợi ích nào thao túng ở lĩnh vực này hay không?”.
Giải đáp những câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ với những khó khăn của nông dân: “Phải rất vất vả mới làm ra được nông sản nhưng khi bán hàng thì giá chẳng được bao nhiêu”. Để giải quyết những bất cập trên, Bộ trưởng cho biết đang cùng với các bộ, ngành liên quan thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tìm ra mọi giải pháp để khắc phục tình trạng nông dân “được mùa, mất giá”, bán sản phẩm ra nhưng được lãi rất ít; còn những thành phần khác được hưởng lợi nhiều hơn.
Cụ thể, sẽ tập trung cùng các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sản xuất cây trồng, vật nuôi với năng suất cao, giá thành thấp hơn. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ nông dân hình thành hợp tác xã, tổ liên kết hình thành chuỗi sản xuất để khẳng định vị thế mạnh hơn của nông dân trên thị trường. Hiện nay nước ta có tới 9,5 triệu hộ gia đình nông dân canh tác lúa. Mỗi một hộ nông dân sản xuất với một lượng gạo nhỏ lẻ sẽ rất khó tác động, đàm phán với các thương lái về giá.
“Song song với đó, chúng tôi sẽ tìm biện pháp tạo ra môi trường
cạnh tranh, không để cho tổ chức, nhóm đơn vị có ưu thế trên thị trường khống
chế giá bán nông sản trên thị trường” - Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Theo các ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), chủ
trương thu mua tạm trữ của Chính phủ là đúng, nhưng nông dân chưa đồng tình với
cách làm như người nông dân bán lúa, doanh nghiệp lại mua tạm trữ bằng gạo. Lúc
nông dân có lúa thì chưa tạm trữ, nông dân bán hết rồi lại tạm trữ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, tạm trữ là giải pháp tình thế chứ không phải là biện pháp căn cơ giải quyết mọi vấn đề của thị trường lúa gạo. Vì vậy, ngành lúa gạo cần phải có sự chuyển biến căn bản. Mặc dù chúng ta có chủ trương giữ 3,8 triệu ha lúa nhưng cơ cấu cây trồng trên diện tích đó phải được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.
“Không nhất thiết đất lúa là phải trồng lúa. Người dân có thể
trồng những cây trồng khác đem lại thu nhập cao hơn. Còn những diện tích trồng
lúa thì phải được quy hoạch và hướng dẫn hỗ trợ nông dân sản xuất bằng những loại
giống có chất lượng cao, năng suất tốt theo công nghệ hiện đại để người dân có
sản phẩm cao, với giá thành ưu thế có thể cạnh tranh trên thị trường” - Bộ trưởng
Cao Đức Phát nói.
Được chủ tọa phiên họp yêu cầu thông tin thêm cho QH về tín dụng đối với lĩnh vực
nông nghiệp, nông thôn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết tính từ năm
2008 đến nay, trung bình mỗi năm tín dụng cho tam nông tăng 20%.
Đặc biệt từ năm 2010 khi Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho tam nông thì tín dụng lĩnh vực này tăng nhanh chóng, trong 5 năm qua tín dụng tam nông tăng gấp 2 lần.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, để nâng cao hiệu quả của
hoạt động sản xuất đòi hỏi làm tốt nhiều khâu như giống, kỹ thuật, tiền vốn và
quy hoạch… Liên thông được các vấn đề này mới đảm bảo đồng vốn ngân hàng thu hồi
được.
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
cho rằng, để ngành nông nghiệp phát triển cả số lượng, chất lượng, hiệu quả, cần
đưa nhanh khoa học công nghệ vào nông nghiệp.
Giải quyết các vấn đề liên quan từ giống, sản xuất, dự trữ, học tập kinh nghiệm của nông nghiệp thế giới. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt các khâu sản xuất, lưu thông, phân phối, khắc phục tình trạng tiêu cực, hàng giả, kém chất lượng, buôn gian bán lận. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản góp phần gia tăng xuất khẩu, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
“Cần xây dựng cho được thương hiệu, phát triển thị trường bình đẳng cạnh tranh, tiến tới nền nông nghiệp sản xuất sạch, sản phẩm giá trị, người tiêu dùng không chỉ Việt Nam mà thế giới yêu chuộng, trân trọng hàng nông sản Việt Nam” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Theo Bảo Minh