Cá tra gặp khó ngay đầu năm
Việc Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật Nông trại 2013 hôm 4.2 vừa qua đã đặt thêm một chướng ngại vật lên đường đua xanh của cá tra nước ta tới thị trường Mỹ.
Theo một điều khoản của Dự luật Nông trại 2013 (Farm Bill 2013) - đang chờ Tổng thống ký phê chuẩn, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ đảm nhận chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá basa và cá tra của Việt Nam, thay vì Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) như từ trước tới nay.
Khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn tương đồng đối với cá tra nhập khẩu. Điều này có nghĩa, toàn bộ chuỗi sản xuất cá tra, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến đóng gói ở Việt Nam, đều phải tương đồng với điều kiện ở Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ không cho phép nhập khẩu cá tra vào thị trường này.
Dự luật được đưa vào thực hiện sẽ gây ra nhiều khó khăn cho xuất khẩu cá tra, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Nguyễn Việt Thắng nhận định. Tuy cá tra nước ta đã đạt những yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nhất định của Mỹ và các nước châu Âu nhưng so với các tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra cho các sản phẩm cá da trơn nội địa thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Hơn nữa, sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra nước ta hiện chưa vận hành theo một quy trình khép kín, vẫn còn quá nhiều các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, thiếu điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là về tiêu chuẩn con giống và xác định xuất xứ nguồn gốc sản phẩm.
Theo tính toán của Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ Đào Trần Nhân, nước ta sẽ phải mất 5 - 7 năm để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn tương đương với những nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản Mỹ trước khi có thể nối lại xuất khẩu vào Mỹ.
Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của nước ta, sau EU. Vì thế, việc Bộ Nông nghiệp nước này áp dụng tiêu chuẩn tương đồng đối sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ ngành sản xuất, chế biến cá tra nước ta. Ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, Hiệp hội Cá tra sẽ sớm họp và lên tiếng phản đối điều khoản này.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, điều khoản này thực chất là một hình thức bảo hộ từ phía Mỹ cho các sản phẩm cá da trơn nội địa chứ không xuất phát từ yêu cầu về chất lượng. “Không thể áp dụng tương đồng tất cả các tiêu chuẩn của cá da trơn tại Mỹ lên da trơn Việt Nam vì điều kiện nuôi của mỗi nước khác nhau với khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau”. Tuy vậy, ông cho rằng, chúng ta khó lòng, nếu không muốn nói là không thể, đảo ngược tình hình và chỉ còn cách chờ đợi Bộ Nông nghiệp Mỹ và FDA sẽ cùng phối hợp thực hiện chương trình thanh tra cá da trơn như thế nào. Ông hy vọng, trong tình huống xấu nhất - dự luật được ký ban hành - phía Mỹ cần có lộ trình áp dụng cho cá tra nước ta.
Tuy nhiên, khó khăn với ngành cá tra chưa dừng lại ở đây! Dự kiến, tháng 3 tới đây, Mỹ sẽ công bố kết quả cuối cùng đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Nhiều thông tin cho biết, có khả năng Mỹ sẽ lựa chọn Indonesia, thay vì Bangladesh như nhiều năm nay họ vẫn chọn, làm nước thay thế để tính toán giá thành sản xuất cá tra. Việc lựa chọn Indonesia sẽ là bất lợi lớn cho ngành cá tra Việt Nam. Thêm vào đó, Luật về hiện đại hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ đưa thêm một số quy định mới như quy định về thực hành sản xuất tốt, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu sản xuất, công nhận các đơn vị kiểm dịch của bên thứ ba... cũng là vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này cần lưu tâm trong năm 2014.
Nhìn ra bối cảnh rộng hơn, cá tra sẽ bị cạnh tranh bởi “đối thủ” là giống cá alaska pollock, Phó chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho biết. Sản lượng loại cá này trong năm nay đã tăng 10%, giá cả rất cạnh tranh so với cá tra. Các thị trường nhập khẩu chính của cá tra cũng ưa chuộng giống cá này. Hơn nữa, cá tra không còn là sản phẩm độc quyền của nước ta nữa. Hiện nay Indonesia đang bắt đầu phát triển giống cá này, còn Ấn Độ hàng năm sản xuất khoảng 500.000 tấn. Sở dĩ họ chưa tham gia thị trường quốc tế vì còn phục vụ thị trường trong nước.
Vừa đi qua một năm trăm bề khốn khó với sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp chế biến, sự thua lỗ nặng nề của nhiều hộ nuôi, cá tra lại tiếp tục một đường đua xanh đầy rào cản trong năm 2014. Để bảo đảm phát triển lâu dài, ngành cá tra bắt buộc phải đi theo cách thức sản xuất bền vững để phù hợp với xu thế hiện nay. Đó là hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường mà các nước nhập khẩu thuộc châu Âu hiện đang đòi hỏi.
Theo Tiểu Phong