MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần chế tài đủ mạnh để ổn định thị trường phân bón

20-09-2013 - 21:33 PM |

Chỉ trong mùa Hè năm 2013, tình trạng các công ty lớn nhỏ sản xuất phân bón rởm thi nhau ra đời, không chỉ làm ảnh hưởng đến thị trường phân bón trong nước mà còn khiến nông dân điêu đứng.

Trước thực trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, gây tổn hại lớn cho nhà sản xuất chân chính và người nông dân cả nước, ngày 20/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) phối hợp với các bộ: Công Thương, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức hội thảo về thực trạng thị trường phân bón.

Phân bón "rởm" tràn lan

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch FAV, cho biết chỉ trong mùa Hè năm 2013, tình trạng các công ty lớn nhỏ sản xuất phân bón rởm thi nhau ra đời, không chỉ làm ảnh hưởng đến thị trường phân bón trong nước mà còn khiến nông dân điêu đứng. Không ít diện tích hoa, ngô, càphê của nông dân bỗng chốc chết lụi chỉ vì bón phân kém chất lượng.

Theo ông Thúy, phân bón "nhái," phân bón "rởm" thường được làm ở một số công ty, tổ hợp nhỏ lẻ nơi vùng sâu, vùng xa, nơi hẻo lánh rồi đưa đi tiêu thụ. Tính đến nay, có hơn 100 cơ sở tổ hợp nhỏ và trên 30 công ty bán ra phân bón kiểu này trên 40 tỉnh, thành trong cả nước.

FAV còn chỉ rõ tên tuổi một số đơn vị như các công ty Hưng Thịnh, Nam Bắc, Khổng Minh, Tân Khang trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai, Hải Phòng, Phú Yên… đã in nhãn mác của các doanh nghiệp phân bón có uy tín như Bình Điền, supe phốt phát Lâm Thao, phân bón miền Nam… Không chỉ nhái nhãn mác, chất lượng sản phẩm cũng khác xa chỉ tiêu công bố; trong đó có công ty ghi ngoài bao bì sản phẩm có tổng hàm lượng 53% dinh dưỡng, nhưng khi cơ quan thị trường đi kiểm định thì chỉ được 2,99%.

Nắm bắt tình hình hạn hán, thiếu nước ở các vùng Tây Nguyên, Phú Yên, Yên Bái, vào mùa Hè một số cơ sở sản xuất lấy vài thìa canh phân ure bột pha vào 5 lít nước để bán với lời giới thiệu là urê nước đậm đặc, bón cho đất vừa tốt vừa chống hạn... Đặc biệt, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều đại lý kinh doanh phân bón đều có trang bị máy trộn bêtông và một số phương tiện pha trộn phân bón tại nhà. Nhiều đại lý còn tuồn phân bón giả, kém chất lượng vào bán ngay đại lý của mình, tỏ ra rất hợp pháp.

Theo FAV, chiêu thức đưa sản phẩm phân bón kém chất lượng đến tay người dân của các công ty ngày càng tinh vi và còn lợi dụng danh nghĩa của các hội nông dân, mở hội thảo… Mới đây, Công ty Thaibico ở Tây Ninh liên hệ với Hội Nông dân huyện Cư Jut (Đắk Nông) nhờ tập hợp nông dân để tổ chức hội thảo, giới thiệu phân bón ưu việt và biếu mỗi người một túi mẫu phân bón, nông dân mang về dùng chấp nhận được. Sau đó, Công ty này bán rộng rãi cho nông dân hơn 100 tấn về bón nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi sử dụng loại phân này, hàng loạt rẫy càphê, ngô bị rụng lá và chết.

Tương tự, thông qua hợp đồng tín chấp và sự giới thiệu của Hội Nông dân, Công ty cổ phần quốc tế Động Trung đã bán cho nông dân một xã 140 tấn phân bón, sau 2 tuần bón phân, càphê và ngô của xã chết dần; Công ty trách nhiệm hữu hạn phân bón Vi Dân cũng thông qua một Hội Nông dân xã bán phân cho nông dân, sau hơn tuần bón loại phân này, gần 30.000 giỏ hoa và hoa màu khác rơi vào tình trạng không thể cứu chữa…

Cần chế tài đủ sức răn đe

Theo FAV, sự lộn xộn của thị trường phân bón hiện nay là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hiện phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép nên nhiều cơ sở nhỏ lẻ có đủ các điều kiện cần thiết, sản xuất với chất lượng kém vẫn có thể tham gia.

Thừa nhập sự lỏng lẻo trong quản lý, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn chưa hoàn chỉnh, dễ bị lợi dụng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng đã xử lý gần 1.400 vụ vi phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón với tổng tiền phạt hơn 17,2 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại. Đặc biệt, có những vụ bị thu giữ với số lượng lên đến 225 tấn phân DAP kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất.

FAV kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định, Thông tư thi hành việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón mới; đồng thời, có chỉ thị đánh giá đúng mức tình hình và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đồng loạt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm ngặt vi phạm tình hình thị trường phân bón hiện nay.

Trước kiến nghị của FAV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết Bộ đã hoàn tất dự thảo Nghị định về quản lý phân bón, thay thế Nghị định 113 và Nghị định 191 hiện hành. Dự thảo hướng tới việc phân công rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về phân bón, điều kiện để các tổ chức, cá nhân được cấp phép sản xuất phân bón, loại bỏ những cơ sở yếu kém, không đủ điều kiện kinh doanh.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng đưa ra một số giải pháp; trong đó quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý có liên quan đến chất lượng phân bón, quy chuẩn Nhà nước đối với từng loại phân bón để làm cơ sở điều hành sản xuất và quản lý kinh doanh phân bón; hoàn tất các văn bản pháp lý về kiểm tra, kiểm soát, xử phạt trong kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra, kiểm soát phân bón lưu hành trên thị trường.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cho nông dân trong sử dụng phân bón theo đúng tiêu chuẩn, hiểu rõ tính năng, tác dụng của từng loại phân bón cũng là một trong những việc cần làm ngay để nông dân không rơi vào tình trạng thiếu hiểu biết, dẫn đến thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp./.

Theo Liên Phương

khanhnt

TTXVN

Trở lên trên