MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao su giảm giá, khó tiêu thụ

06-08-2013 - 09:03 AM |

Năm 2013 giá cao su không chỉ giảm mạnh mà còn rất khó tiêu thụ. Việc tồn kho hàng chục nghìn tấn cao su khiến doanh nghiệp lao đao, các vườn cao su tiểu điền cũng bỏ cạo vì thu không đủ chi...

Chỉ sáng sủa với mủ latex

Không khí ảm đạm đang bao trùm lên các công ty cao su ở Tây Nguyên khi giá cao su giảm thấp hơn giá thành, hiện chỉ vào khoảng 41-42 triệu đồng/ tấn. Khó khăn thêm chất chồng khi hàng không thể bán được. Tính đến cuối tháng 6.2013, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) khai thác được 66.156 tấn, đạt 25,3% kế hoạch. Trong khi đó, VRG chỉ tiêu thụ được 86.964 tấn, lượng tồn kho ở mức 42.896 tấn.

Ở Tây Nguyên, nếu không tính dây chuyền sản xuất mủ latex của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đưa vào hoạt động năm 2010, sản phẩm chính của các công ty cao su chủ yếu là mủ cốm 3L, SVR 5, SVR 10, SVR 20 và RSS (mủ tờ xông khói). Cho nên việc chỉ những đơn vị có dây chuyền chế biến mủ RSS và latex bán được hàng là điều có thể hiểu được. 

Theo ông Phan Sỹ Bình - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông: “Triển vọng tiêu thụ sản phẩm cao su trong những tháng đầu năm và cả năm 2013 chỉ có sản phẩm CV, RSS và latex, đối với mủ cốm thời điểm này là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là không bán được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các công ty cao su ở Tây Nguyên (thuộc VRG) vẫn khá bế tắc về thị trường mới, còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường mậu biên của Trung Quốc, chủ yếu tiêu thụ nội địa và ủy thác xuất khẩu cho VRG. 

Trong năm 2013, tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp của các đơn vị Tây Nguyên còn khá thấp, ít có đơn hàng đi châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản. Chỉ duy nhất có Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông là có hợp đồng bán sản phẩm lên đến 6.240 tấn/9.200 tấn, trong đó bán dài hạn đối với mủ latex là 1.740 tấn sang thị trường Mỹ, ủy thác xuất khẩu được 2.500 tấn và tiêu thụ nội địa 2.000 tấn khi chưa vào mùa khai thác.

Nhiều chủ vườn gặp khó

Khó khăn của ngành cao su đã xuất hiện tình trạng công nhân cao su (lao động trực tiếp) bỏ việc. Nhiều nhất là Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang với hơn 100 người… Công nhân Rưn ở Nông trường Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang cho biết anh xin nghỉ việc với lý do: “Nhà mình có cà phê, có hồ tiêu, chăn nuôi thêm bò, công việc thì nhiều mà người lại không có, thuê người làm thì họ đòi công cao, còn mình lương công nhân thời điểm này không đủ để chi tiêu nên xin nghỉ”. 


Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường cao su, vườn cao su tiểu điền của các nông hộ cũng đang lâm vào tình thế lao đao. Tại huyện Đức Cơ (Gia Lai) - nơi có diện tích cao su tiểu điền khá lớn với hơn 4.200ha, người dân cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. 

Ông Đoàn Công Á ở thị trấn Chư Ty đang sở hữu khoảng 7ha cao su cho biết: Vì giá mủ hạ thấp, cao su đến thời điểm mở miệng cạo mà tiền công quá cao, sản lượng mủ ít, chúng tôi lỗ nặng nhưng không thể không làm. 

Những hộ có vườn cây khai khác lâu năm như ông Ngô Hữu Tuyền (có 11ha cao su kinh doanh), ông Văn Viết Tương (xã Ia Pin, 11ha), ông Hoàng Công Sự (xã Ia Pôn, 30ha)... đều cho biết đang tổ chức khai thác cầm chừng vì giá bán hiện chỉ trên dưới 11.000 đồng/kg mủ tươi (cùng kỳ năm trước là 17.000 - 18.000 đồng/kg), nên không đủ chi phí…

Cây cao su chỉ mới năm trước đây còn được tuyên truyền là loại cây “xóa đói giảm nghèo”. Việc giá cả lên xuống là điều bình thường đối với sản xuất nông nghiệp nước ta. Lúc này, cơ quan chức năng nên tăng cường công tác tuyên truyền để người dân yên tâm đầu tư, sản xuất. 

Việc giá cao su hạ thấp có thể sẽ xuất hiện tình trạng người dân phá bỏ để trồng cây khác như trường hợp đã xảy ra với cà phê, điều các năm trước đây, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch về cây trồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế vì một ha cao su từ khi trồng đến khi thu hoạch phải 5-6 năm và lãng phí hàng trăm triệu đồng. 

 

Theo Văn Dĩnh – Quốc Dinh

khanhnt

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên