Chăn nuôi cuối năm: Gà mếu, lợn cười!
Cùng là hai sản phẩm chăn nuôi chủ lực, nhưng nghịch lí là trong khi người nuôi lợn cả năm nay lãi to vì được giá, thị trường ổn định, thì người nuôi gia cầm lại đang khóc ròng vì giá rẻ thảm hại.
Gà: Trứng lỗ 200 đ/quả, thịt lỗ 8.000 đ/kg
Vừa bắt máy điện thoại, anh Hoàng Ngọc Đoàn, chủ trại gà đẻ trứng lớn nhất huyện Đông Anh (Hà Nội) khẩn khoản than: “Chú sang đây xem tình hình thế nào thông tin gỡ giúp cánh nuôi gà bọn anh. Lại sắp sập tiệm đến nơi rồi chú ơi!”.
Trại gà đẻ anh Đoàn ở xã Tàm Xá (Đông Anh) chuồng khép kín. Còn nhớ giữa năm 2012, tôi đến trại gà của anh khi trứng tồn lại chất như núi, thối la liệt. Chị Quế vợ anh vừa khóc vừa khiêng trứng thối ra bờ sông Hồng đổ đi.
Giá trứng lúc ấy rớt xuống chỉ còn dưới 1.000 đ/quả. Vực dậy sau giai đoạn lao đao ấy, lần này sang thấy trại gà của anh hoành tráng thêm, bởi mới đây anh tiếp tục mở rộng chuồng, nâng tổng số đàn lên tới 3,5 vạn con. Từ khoảng tháng 3/2013, giá trứng bắt đầu nhích dần lên, có thời điểm đã lên tới 2.200 đ/quả. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ròng rã từ tháng 9/2013 đến nay, giá trứng gà liên tục lao dốc, đến giữa tháng 10/2013 chỉ còn 1.500 đ/quả và giẫm chân tại chỗ từ đó tới nay.
Anh Đoàn tính toán: Tiền thức ăn hết 120 g/con/ngày, nhân với tỉ lệ đẻ cao lắm khoảng 80%, với giá cám 10 nghìn đ/kg, tính ra giá thành mỗi quả trứng hiện không dưới 1.700 đồng. Nhưng giá trứng đỏ (gà công nghiệp) hiện chỉ từ 1.400 - 1.500 đ/quả, chưa tính chi phí nhân công, thuốc thú y, điện nước..., mỗi quả trứng lỗ ít nhất 200 đồng.
“Trại của tôi tự pha trộn thức ăn, nên tiết kiệm được khoảng 200 đ/quả, hiện tại, nếu chỉ tính tiền thức ăn thì đang hòa vốn. Với các trang trại phải mua thức ăn tinh thì lỗ nặng, nhất là anh nào nuôi gà thịt còn nguy to!” - anh Đoàn cho biết. Theo anh, giai đoạn giá gà thịt còn được giá, mỗi con gà đẻ lông đỏ thanh lí cỡ 2 kg có giá tới 130 - 140 nghìn, xem như hòa vốn với giá giống ban đầu. Tuy nhiên do giá gà thịt đang xuống rất thấp nên hiện giá gà đẻ lông đỏ thanh lí chỉ còn 90 - 100 nghìn đồng/con.
Liên hệ với ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội), ông Chiến nói như mếu: “Giải tán hết rồi, lỗ liên tiếp 3 - 4 lứa liên tục, không còn trại nào trụ được nữa”.
Ông Chiến cho biết, giá gà lông trắng từ chỗ 48 nghìn đ/kg, hiện đã giảm kỷ lục xuống chỉ còn 20 - 21 nghìn đ/kg (xuất tại chuồng); giá gà lông đỏ Lương Phượng từ 47 - 48 nghìn đ/kg giờ chỉ còn 34 - 35 nghìn đ/kg. Ngay cả gà thả đồi có giá ổn định nhất cũng chỉ còn 80 - 82 nghìn đ/kg (giảm 10 - 15 nghìn đ/kg). Với giá này, các trang trại nuôi gà thịt công nghiệp đang lỗ từ 7.000 - 8.000 đ/kg.
Nhận định nguyên nhân thảm hại của thị trường sản phẩm gia cầm, các chủ trang trại mỗi người nghĩ một nguyên nhân. Chủ trang trại Hoàng Ngọc Đoàn phân tích: Thị trường bây giờ hình như chẳng có quy luật gì nữa. Thường thì thời điểm này đến Tết Nguyên đán đang là mùa cưới xin lễ lạt, năm ngoái giá trứng gà đỏ lên tới 2.200 - 2.300 đ/quả, năm nay đột nhiên giữa mùa cưới chỉ còn 1.400 đ/quả. Điều lạ là thông thường, giá trứng gà trắng Ai Cập lúc nào cũng cao hơn trứng gà đỏ 400 - 500 đ/quả, ấy vậy mà năm nay thì lạ chưa từng thấy, khi trứng gà đỏ lại đắt hơn trứng gà Ai Cập 100 - 200 đ/quả.
Một chủ buôn chuyên mua trứng của trại anh Đoàn phân phối tại thị trường Hà Nội lại cho rằng: “Trứng gà đỏ bỏ mối cho các cơ sở và NM làm bánh kẹo rất lớn. Đang mùa làm bánh kẹo Tết nên trứng gà đỏ bán chạy, đắt hơn trứng gà Ai Cập. Nhưng nhìn chung năm nay lượng trứng gà Ai Cập quá nhiều, mà tiêu thụ ở các nhà ăn cũng giảm mạnh do ít công nhân”.
Lợn: Lãi 1 triệu đ/con
Trái với thảm cảnh của người nuôi gà, người nuôi lợn nhiều tháng nay ung dung ngồi thu lãi. Càng gần Tết, cánh chủ trại lợn càng hớn hở ra mặt.
Gặp tôi, anh Trương Mạnh Quân, chủ trại lợn thịt 8.000 con ở vựa chăn nuôi huyện Văn Giang (Hưng Yên) mặt tươi như hoa cho biết, giá lợn thịt siêu nạc xuất tại chuồng hiện đang trên 49 nghìn đ/kg. Với giá thành khoảng 41 nghìn đ/kg, mỗi đầu lợn xuất chuồng 90 - 100 kg lãi sơ sơ 800 nghìn đồng. Đối với các hộ tự túc được nguồn giống hậu bị, giá thành chỉ khoảng 38 - 39 nghìn đ/kg thì có thể lãi 1 - 1,3 triệu đ/con.
Ông chủ này phân tích: Năm 2013 có thể nói sáng sủa nhất về giá lợn trong mấy năm gần đây, khi người chăn nuôi liên tục có lãi. Mặc dù giai đoạn giữa năm 2013, có thời điểm giá lợn có tụt nhẹ xuống 42 - 43 nghìn đ/kg, nhưng sau đó tăng đều cho lên tới 49 nghìn đ/kg.
Còn lại về căn bản, cả đầu và cuối năm, người nuôi lợn đều có lãi khá. Điều đáng mừng là năm 2013, giá TĂCN, thuốc thú y nhìn chung chỉ tăng nhẹ khoảng dưới 10%, tương đương với mức tăng lãi suất ngân hàng, cộng với dịch bệnh yên ắng cả năm nên chủ trang trại dễ thở.
Về sự ổn định của giá thịt lợn năm nay, anh Quân đánh giá: XK lợn đi Trung Quốc (TQ) suốt 3 năm từ 2010 đến 2012 rất lèo tèo, cũng là giai đoạn mà giá thịt lợn trong nước khốn đốn. Tuy nhiên năm nay, tình hình rất khả quan.
Hiện tại, mỗi ngày riêng tại vựa trang trại lợn khu vực huyện Văn Giang có từ 2 - 3 xe tải (mỗi xe 150 - 200 con) lợn được thu gom xuất đi TQ. “Nhu cầu nội địa tôi nghĩ là kịch kim lắm rồi, khó mà tăng thêm được. Tình cảnh NM, KCN giảm công nhân thế này nữa thì càng gay go. Nếu không có lợn xuất đi TQ, tôi nghĩ giá lợn năm nay khó mà vượt qua được 45 nghìn đ/kg” - anh này quả quyết.
Một trùm lái lợn nhà nghề tên Quỳnh (quê Quảng Ninh), chuyên thu gom lợn tại các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang... cho biết, XK lợn sang TQ thời gian qua rất thuận lợi do thương lái TQ mua với giá rất tốt. Hiện giá lợn giao tại cửa khẩu khoảng 51 nghìn đ/kg, trừ chi phí, thương lái cơ bản có lãi. Vị này ước tính, lượng lợn thịt XK qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh) hiện giao động khoảng 50 - 60 xe/ngày, tương đương hơn 1.000 tấn.
Với mức này, lượng lợn thịt XK sang TQ tại các tỉnh ĐBSH chiếm khoảng 30% tổng đàn. Đặc biệt tại một số vùng không nuôi lợn siêu nạc, tỉ lệ lợn XK qua TQ chiếm khoảng 50 - 60%. Riêng anh Quỳnh mỗi ngày gom ít nhất 2 xe tải, mỗi xe 200 con chuyển lên biên giới Lạng Sơn, Móng Cái để XK sang TQ.
Nhận xét về tình hình XK lợn sang TQ, anh Quỳnh tiết lộ: Lợn XK đi TQ rất dễ tính, họ không yêu cầu phải là lợn càng siêu nạc càng tốt như ở ta, ngược lại họ rất thích lợn mỡ. Khác với lợn xuất chuồng trong nước hiện nay thường chuộng cỡ 90 - 100 kg/con, TQ lại thích lợn to, cỡ 120 - 130 kg/con, thậm chí 140 kg/con.
Vì thế, có thể nói từ lợn quá lứa, lượn sề, cho tới lợn cỏ (giống lợn ta) họ đều mua giá cao. Điều này rất thuận lợi cho việc tiêu thụ lợn cỏ, tỉ lệ nạc thấp vốn bị thị trường trong nước chê, đặc biệt tại các địa phương nuôi lợn cỏ nông hộ như tại Lí Nhân, Bình Lục (Hà Nam), hay một số vùng ở Nam Định, Thái Bình...
“Chính sách cửa khẩu của phía TQ hiện rất thông thoáng. Thường thì phía TQ chỉ yêu cầu lợn khỏe mạnh, đồng đều là được, đặc biệt phải đủ số lượng. Chẳng hạn họ đặt chuyến 100 con thì phải đúng 100 con, chứ có 99 con là họ tuyệt đối không lấy.
Trong khi đó do việc nuôi lợn nhỏ lẻ, phải đi gom nhiều nơi nên việc tập hợp hàng rất khó khăn. Bên cạnh đó, “luật lá” dọc đường vận chuyển hàng tới cửa khẩu ở phía Việt Nam nặng nề quá, mỗi chuyến tới cả chục triệu chứ chẳng chơi!” - anh Quỳnh bộc bạch.
Theo Lê Bền