“Cò” bán cây giống náo loạn Tây Nguyên
Một trong những nguyên nhân khiến giá cây giống tăng lên 10 -15% đó là sự xuất hiện những “tay cò” cây giống.
Hiện nay, ở Tây Nguyên đang là mùa mưa, đây là thời điểm thích hợp để bà con nông dân bắt tay vào việc lựa chọn các loại cây giống về trồng. Năm nay, về chủng loại cây giống so với mọi năm cũng không có gì biến động nhiều.
"Cò” xuất hiện
nhan nhản
Đã thành thông lệ thường niên, ở Tây Nguyên vào đầu mùa mưa bà con nông dân thường tìm về khu vực Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (khu vực xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) để tìm mua các loại cây giống về trồng cho kịp thời vụ. Hiện tại giá cây giống năm nay được các cơ sở ươm trồng, cung ứng cây giống ra thị trường cao hơn năm trước khoảng 10 -15%. Các loại cây trồng chủ lực tại đây như cà phê, tiêu, bơ… tăng từ 1 ngàn đến 10 ngàn đồng/cây, những cây trồng khác như ca cao, măc ca, cao su… cũng theo đó mà tăng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cây giống năm nay tăng lên so với mọi năm do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính đó là do xuất hiện những “tay cò”. Lợi dụng tâm lý người dân ở các tỉnh xa (như Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước…) tìm về Đăk Lăk mua cây giống, một số người hành nghề xe ôm, bán hàng tạp hóa… tại đây đã kiêm luôn nghề “cò cây giống”, vừa nhận tiền hoa hồng từ chủ các cơ sở cây giống vừa kiếm thêm tiền từ người dân qua việc bán cây giống giá cao hơn.
Anh Thanh- một người dân sống tại xã Hòa Thắng cho biết: “Các anh có ý định mua cây giống thì hãy cẩn trọng tìm hiểu kỹ trước khi mua, ngoài việc tìm các cơ sở có uy tín để mua ra, các anh còn phải cẩn trọng kẻo bị mấy tay cò chèo kéo và bán lại với giá cao hơn đó… Tôi là người dân sống ở đây lâu tôi chẳng lạ gì mấy chiêu thức làm ăn này nữa…”.
Các “tay cò” cây giống thường xuất hiện ở những con đường như: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ… cũng như trước các cơ sở bán cây giống để chèo kéo khách tới mua, thậm chí họ còn tràn xuống cả lòng đường để giành giật khách. Khi quan sát thấy nông dân nào có ý định mua cây giống là ngay lập tức những “tay cò” này liền không ngừng vẫy gọi, mời chào rối rít: Anh tìm mua cây giống à? Giống cà phê hay tiêu…? Chỗ chúng tôi cây giống chất lượng đảm bảo… giá phải chăng thôi! Anh vào xem nhé…
Ông Lê Văn Sáu ở tỉnh Đăk Nông tìm tới đây mua giống cà phê về trồng tái canh cho biết: "Mới đây không lâu do thấy tôi chở một chiếc sọt tới đây tìm mua cây giống, ngay lập tức có rất nhiều anh, chị đã chặn xe của tôi lại và chèo kéo tôi mua cây giống, họ còn giới thiệu nào là giống chất lượng tốt! giá cả phải chăng!... May mà tôi là người tới đây mua giống thường xuyên nên không bị họ cò bán giá cao hơn…".
Có sự bắt tay giữa chủ
và “cò”
Hàng ngày có cả trăm nông dân từ các tỉnh đổ xô về xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk để tìm mua cây giống. Để thu hút được đông đảo khách hàng tới mua cây giống tại cơ sở của mình, các ông chủ đã bắt tay với “cò” trong việc làm ăn. Đây là mối liên kết hòng kiếm lời từ nông dân mà chủ và “cò” đều có lợi. Các chủ cơ sở cây giống thì bán được giống, còn ngược lại các “tay cò” ngoài việc được hưởng phần trăm hoa hồng từ các chủ cây giống còn được thêm khoản chênh lệch giá từ việc phát huy “tài năng” lôi kéo được đông khách tới.
“Hiện nay, tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột có tới trên dưới 200 cơ sở bày bán cây giống, đây là một trong những khó khăn về sự cạnh tranh giữa các cơ sở kinh doanh cây giống. Do vậy, một số người làm nghề xe ôm, bán hàng bày tỏ muốn chèo kéo khách về cơ sở của chúng tôi. Điều này có lợi cho cả hai bên nên chúng tôi cũng đành vậy, mặc dù biết là nông dân sẽ bị mua với giá cao hơn…”- anh N.V.Đ chủ cơ sở cây giống tại đây cho biết.
Nếu như giá cây tiêu giống tại cơ sở bán chỉ có 5 ngàn đ/cây thì qua những “tay cò” sẽ chào lên tới 6 - 6,5 ngàn đ, rồi 7 ngàn đ. Tương tự cây cà phê sẽ được chào từ 4 lên 5 ngàn đ và cao hơn, cây bơ chào cao hơn từ 40 ngàn lên 50 ngàn đ/cây. Đó là chưa kể đến việc cò được hưởng phần trăm hoa hồng từ các chủ cơ sở bán cây giống. Thông thường nếu các “tay cò” bán được cây giống sẽ được hưởng thêm 0,5-0,7% tiền hoa hồng nữa, tùy vào số lượng cây giống bán được. Như vậy, hàng ngày ngoài công việc chạy xe ôm, bán hàng tạp hóa ra các “tay cò” cây giống này cũng kiếm thêm được từ 200-300 ngàn đồng.
Việc xuất hiện những “tay cò” rõ ràng là móc thêm từ túi tiền những người nông dân. Đó là chưa kể đến những cây giống kia có bảo đảm chất lượng hay không? Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng này ngoài việc các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý thì người nông dân cũng cần phải là "người tiêu dùng thông thái”: Ngoài việc cần lựa chọn kỹ những cơ sở bán cây giống có uy tín, chất lượng cũng cần phân biệt rõ giữa đâu là những ông chủ bán cây giống thật sự.
Theo Văn Thanh