MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghiệp thực phẩm... “khó sống”

17-06-2013 - 11:41 AM |

Những khó khăn như thiếu nguyên liệu, tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng… đã đẩy ngành công nghiệp thực phẩm vào thế “khó sống” trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Thiếu nguyên liệu, khó cạnh tranh

Ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được như áp dụng có hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư cao thì ngành công nghiệp thực phẩm còn nhiều bất cập.

Trước tiên, nguyên liệu sản xuất trong nước hiện chưa đáp ứng được sản xuất. Ví dụ ngành dầu ăn, hiện ở Việt Nam chưa phát triển được cây nguyên liệu có dầu, nên  hàng năm các DN chế biến dầu phải NK trên 90% nguyên liệu dầu thô các loại để tinh luyện thành dầu ăn tiêu thụ trong nước và phục vụ XK. Tương tự, ngành sữa mới chỉ đáp ứng được khoảng 25%, còn lại phải NK.

“Do phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu NK, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ, một số DN nhỏ do địa phương quản lý, thiếu vốn làm ăn chộp giật đã đầu tư thiết bị lạc hậu, không đồng bộ sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn như công bố trên bao bì đã làm ảnh hưởng đến sản phẩm có thương hiệu uy tín”, ông Thắng nói.

Thậm chí, nhiều DN còn chưa ý thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của thương hiệu trong hoạt động kinh doanh như nâng cao vị thế cạnh tranh của DN trên thị trường để thu hút khách hàng. Do đó, hầu hết các DN chế biến Việt Nam vẫn đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh do thương hiệu của DN chưa được biết đến nhiều trên thị trường khu vực và thế giới.

Theo ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam, một vấn đề còn tồn tại khiến các DN thực phẩm Việt Nam phải đối mặt với khó khăn là do tâm lý ưa dùng hàng ngoại, nên người tiêu dùng thường ít quan tâm đến sản phẩm sản xuất trong nước. Ông Phổ dẫn chứng, Hiệp hội có 8 hội viên sản xuất sữa với sản lượng rất lớn.

Đơn cử như Vinamilk có tới 12 nhà máy sản xuất sữa, nhiều nhà máy có công suất lên đến hàng chục nghìn tấn sữa bột/năm. Về chất lượng sữa do DN Việt Nam sản xuất không hề thua kém sản phẩm nhập ngoại. Vinamlik đã sản xuất được sữa tương đương với chất lượng sữa của Abbot (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, do tâm lý “sính ngoại”, các sản phẩm trong nước chưa xây dựng được thương hiệu nên khó cạnh tranh với các hãng sữa ngoại.

Minh bạch thông tin

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành chế biến thực phẩm chiếm một tỷ lệ đáng kể sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp nói chung và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nói riêng. Ước tính, lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm luôn chiếm khoảng 15% GDP cho thấy đây là một ngành công nghiệp tiềm năng.

Bởi vậy, để ngành công nghiệp này phát triển bền vững, ông Thắng cho rằng, cần triển khai đồng bộ các quy hoạch phát triển ngành công nghiệp thực phẩm do Bộ Công Thương phê duyệt (ngành bia, rượu, nước giải khát; ngành sữa; ngành dầu thực vật) trong đó tập trung vào những nhóm sản phẩm quan trọng và có thế mạnh.

Đứng từ góc độ DN, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng giám đốc TH True Milk nêu ý kiến, để xây dựng uy tín thương hiệu thì các DN trong ngành chế biến thực phẩm càng phải quan tâm đến việc tạo lập uy tín chất lượng sản phẩm. Ví dụ, thị trường sữa hiện nay đa dạng, có nhiều nguồn nguyên liệu sữa bột khác nhau, giá rẻ, người tiêu dùng khó phân biệt được, dễ mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Với sữa nước, nhiều sản phẩm chỉ là sữa nước hoàn nguyên, phụ thuộc vào nguồn chất lượng sữa bột… vì thế thị trường sữa nước cũng như một “ma trận”. 

Vậy nên, ông Hải đề nghị minh bạch hóa nguồn thông tin. “Công ty đã kiến nghị và thực hiện ghi xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì nhãn mác sản phẩm. Nhưng nếu chỉ mình DN thực hiện thì chưa đủ mà cần minh bạch đối với các DN. Minh bạch thông tin cũng là cách bảo vệ thương hiệu của mình, đây cũng là con đường duy nhất phát triển thương hiệu bền vững”, ông Hải nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo ông Hồ Quốc Thịnh, Giám đốc Maketing Công ty TNHH Bia Huế, hiện nay, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường. Thời gian qua, nhiều DN đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tin đồn như: Công ty Vinagame bị bán cho Trung Quốc; bánh snack có đỉa; sữa có đỉa... Ông Thịnh kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có chế tài và hình thức xử lý mạnh hơn để răn đe các DN thiếu tôn trọng khách hàng, cạnh tranh bằng những chiêu thức không lành mạnh.

Theo Phan Thu

khanhnt

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên