MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứu ngành cà phê: Cách nào?

10-11-2013 - 18:15 PM |

Muốn gỡ khó cho ngành cà phê, trước hết phải tháo gỡ cho các doanh nghiệp, và bắt đầu từ chính sách thuế.

Khủng hoảng của ngành hàng cà phê khiến các doanh nghiệp sản xuất cà phê ở vùng trọng điểm Tây Nguyên đều rất khó khăn, vì giá cà phê thế giới giảm sâu, kéo theo giá cà phê trong nước chỉ còn dưới 30 triệu đồng/tấn, đẩy nhiều nông dân vào cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp cà phê phải hoạt động cầm chừng. Vấn đề được nhiều người, nhất là nông dân cà phê quan tâm lúc này là khủng hoảng sẽ tới mức nào và có cách nào để tháo gỡ?

Như thường lệ, dây chuyền sàng tuyển cà phê của Công ty TNHH Anh Minh, tỉnh Đắc Lắc lại khởi động khi niên vụ cà phê mới bắt đầu. Tuy nhiên, ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty cho biết, công suất hoạt động thời điểm này chưa bằng 1/3 so với niên vụ trước. Giá cà phê lao dốc và đang ở mức rất thấp, lẽ ra là thời điểm tốt để đẩy mạnh mua vào, nhưng vì sản lượng cà phê thế giới tăng nên doanh nghiệp này không thể mạo hiểm tạm trữ. Còn mua nhanh bán nhanh lúc này lại rất khó thực hiện vì vướng chính sách chống gian lận thuế VAT. 

Ông Phan Hùng Anh cho rằng, muốn tháo gỡ cho ngành cà phê, trước hết phải tháo gỡ cho các doanh nghiệp, và bắt đầu từ chính sách thuế: “Việc siết chặt thuế của nhà nước là điều rất tốt, làm cho thị trường cà phê được trong sạch ổn định để các doanh nghiệp làm ăn chân chính yên tâm hoạt động kinh doanh. Nhưng hệ lụy của nạn trốn thuế chưa được giải quyết. Các doanh nghiệp đang chờ ngành thuế giải quyết các tồn tại trước, còn giá cà phê xuống như vậy, các doanh nghiệp năm nay cũng rất thận trọng với mua bán”.

Một trường hợp khác, Công ty TNHH 1 thành viên Minh Hữu- Đắc Lắc, có hệ thống đại lý chủ yếu ở tỉnh Đắc Nông. Hơn 1 tháng từ đầu vụ đến nay, doanh nghiệp chỉ thực hiện mua- bán được gần 1 nghìn tấn, bằng 1/3 so với cùng thời điểm này của năm trước và không có lãi.

Ông Trần Văn Hữu, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Minh Hữu dự đoán, giá cà phê có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa, nếu không có chính sách phù hợp thì doanh nghiệp chỉ còn cách đứng nhìn thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ giải quyết khâu hoàn thuế rõ ràng. Các doanh nghiệp cà phê quá yếu về tín dụng trước các doanh nghiệp nước ngoài, cho nên nhà nước cần có cơ chế. Doanh nghiệp nào khó khăn thì khoanh lại rồi hỗ trợ tín dụng cho họ phát triển nếu không sẽ bị dồn vào tay doanh nghiệp nước ngoài”.

Sức mua của doanh nghiệp giảm sút, nông dân lại chịu sức ép phải bán ra để trả nợ đầu tư, cũng là nguyên nhân quan trọng khiến giá cà phê tiếp tục giảm. Theo ông Đỗ Quyệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên xuất nhập khẩu 2/9 Đắc Lắc, có một cách khác để giảm khủng hoảng cho ngành cà phê lúc này là đẩy mạnh tạm trữ ở cả hộ dân và doanh nghiệp.

Theo một số nhà chuyên môn, hiện giá cà phê giảm sâu nên sản xuất ở các diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp không có hiệu quả, thậm chí thua lỗ lớn nên cần đẩy mạnh tái canh. Việc này sẽ giúp giảm diện tích, giảm sản lượng để đẩy giá cà phê lên.

Ông Lê Thế Chỉ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, nói: “Đây cơ hội, cơ hội tái canh với điều kiện diện tích năng suất quá thấp không có hiệu quả kinh tế nữa thì mới tái canh. Cơ hội thì trong một năm hoặc trong một giai đoạn. Giá có thấp xuống trong vụ này chẳng hạn nên tái canh cho ba bốn năm tới cả việc làm cả thu nhập, riêng tái canh cũng rất cần và phải thận trọng không phải là tái canh ào ào được, rất thận trọng trong tái canh”.

Theo dự đoán của đa số doanh nghiệp cà phê ở Tây Nguyên, giá mặt hàng này có thể còn giảm sâu hơn trong thời gian tới, có thể chạm đáy 24 nghìn đồng/kg nhân sống, tương đương với hơn 5 nghìn đồng/kg quả tươi, tái lập cảnh giá trị kinh tế của cà phê không bằng cà pháo, giống như điều đã xảy ra hơn 10 năm trước đây.

Những gì đã từng diễn ra trong các giai đoạn khủng hoảng lớn của ngành cà phê, đều cho thấy nguyên nhân chính là sự gia tăng quá mức của sản lượng. Và nếu điều này không được kiểm soát, cho dù Nhà nước có bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ tạm trữ, chính sách thuế có thông thoáng đến đâu, cũng khó chống đỡ nổi sự chi phối của quy luật: cung vượt cầu tất yếu giá sẽ giảm mạnh./.

Theo Thế Thắng

khanhnt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên