Đẩy mạnh nhập khẩu bông sợi từ Tây-Trung Phi
Bông châu Phi chất lượng khá tốt do được hái bằng tay nên tỷ lệ xơ ngắn thấp, tỷ lệ đồng đều về sợi cao, độ chín tương đối tốt. Đặc biệt, giá cả bông sợi của thị trường Tây và Trung Phi rẻ hơn thị trường Mỹ.
Tại buổi giao thương giữa các DN bông vải sợi Việt Nam và các nhà phân phối bông sợi châu Phi vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông vải sợi Việt Nam cho biết, lượng bông nhập khẩu từ các nước của Việt Nam như sau: 40% từ Hoa Kỳ, 20% Ấn Độ, 20% từ thị trường Tây và Trung Phi, còn lại là ở các thị trường nhỏ khác.
Tại thị trường Tây và Trung Phi, Việt Nam đang nhập từ 19 quốc gia khác nhau, trong đó nhiều nhất là Mali (30.210 tấn, kim ngạch 60,17 triệu USD), Bờ Biển Ngà (27.311 tấn, 54,68 triệu USD), Burkina Faso (19.618 tấn, 38,46 triệu USD), Benin (13.267 tấn, 28,6 triệu USD), Tanzania (8.603 tấn, 16,38 triệu USD), Cameroon (7.654 tấn, trị giá 15,58 triệu USD), Togo (7.486 tấn, 15 triệu USD)…
Theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, bông châu Phi có chất lượng khá tốt do được hái bằng tay nên tỷ lệ xơ ngắn thấp, tỷ lệ đồng đều về sợi cao, độ chín tương đối tốt. Đặc biệt, giá cả bông sợi của thị trường Tây và Trung Phi (1,55 USD/kg) rẻ hơn thị trường Mỹ (1,65 USD/kg) nên rất phù hợp để Việt Nam phát triển thế mạnh xuất khẩu sợi CD và các sản phẩm khác của thị trường nội địa, từ đó nâng cao lợi nhuận của ngành.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện nay các DN Việt Nam đang nhập khẩu bông sợi của châu Phi qua các nhà phân phối lớn của các nước thứ 3 như: Pháp, Ấn Độ, Thuỵ Sỹ. Đây không phải là một rào cản mà có thể nói là một lợi thế cho các DN Việt Nam. Bởi vì, các nhà phân phối lớn với hệ thống logistics và chuỗi cung ứng hiện đại, toàn cầu sẽ góp phần giảm thời gian giao hàng, lưu kho của nguyên vật liệu, từ đó nâng cao chất lượng nguyên liệu bông sợi nhập khẩu.Ngoài ra, theo định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm dệt may, quần áo của Việt Nam ra thế giới, châu Phi đang được xem là một điểm đến đầy tiềm năng và hứa hẹn bởi sức mua tại thị trường này rất phát triển trong khi dung lượng hàng may mặc của Việt Nam tại thị trường này còn khá khiêm tốn. Khi đó, việc xúc tiến nhập khẩu bông sợi từ thị trường Tây, Trung Phi sẽ góp phần thúc đẩy giao thương thương mại, từ đó tạo đà gia tăng xuất khẩu các sản phẩm may mặc của Việt Nam sang thị trường này được tốt hơn.
Tuy nhiên theo ông Mai Hoàng Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Sợi – Tổng Công ty 28, do nhập khẩu qua trung gian nên việc phản hồi chất lượng bông tới nhà sản xuất rất phức tạp và mất thời gian, bởi việc khiếu nại hoặc thắc mắc phải thực hiện qua bên thứ ba. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất và giao hàng của DN nhập khẩu. Vì vậy, trong quá trình nhập khẩu bông, sợi từ thị trường này, các DN Việt Nam cần chú ý vấn đề tạp chất, màu sắc của những lô bông từ châu Phi, đồng thời cân nhắc giữa chất lượng nguyên liệu với quy cách của sản phẩm xuất khẩu của mình.