Để cá ngừ không xuống giá...
Với kiểu đánh bắt bằng đèn cao áp, sản lượng tăng cao, cá ngừ bắt lên nhìn rất tươi ngon; nhưng chỉ sau vài giờ, chất lượng đã giảm rõ rệt, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu.
m,Gần đây, ngư dân khai thác cá ngừ áp dụng phương pháp câu mới, khiến chất lượng cá giảm, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá cá theo đó trượt dốc không phanh, ngư dân thua thiệt nặng. TSVN vừa trao đổi với ông Vũ Đình Đáp (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam về vấn đề này.
Mấy tháng đầu năm, sản lượng đánh bắt cá ngừ rất cao, nhưng niềm vui không trọn vẹn, bởi giá cá tuột dốc. Theo ông, điều đó do đâu?
Giá cá ngừ đang thấp hơn nhiều so với mấy năm gần đây, do một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, hiện nay ngư dân chủ yếu áp dụng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp nên chất lượng cá không đảm bảo. Thứ hai, phương pháp và thiết bị bảo quản sau thu hoạch trên tàu của ngư dân còn thô sơ, chưa đồng nhất và đạt yêu cầu, bởi đa phần tàu của ngư dân đều quy mô nhỏ và thường học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Thứ ba, những tháng đầu năm 2013 một số ngư dân nhận thấy chi phí đầu tư ban đầu cho câu tay không cao (chỉ khoảng 100 triệu đồng để đầu tư dàn đèn cao áp) nên đã chuyển đổi từ câu rạng sang câu tay khiến sản lượng tăng đáng kể so với thời điểm này năm ngoái; trong khi đó các tàu cá thường cập bến từ ngày 6 đến 14 trong tháng nên doanh nghiệp không thể mua hết hàng, vì sản lượng vượt quá nhu cầu mua và dự trữ của doanh nghiệp. Thứ tư, vì giá cá ngừ trên thế giới đang có xu hướng giảm, ảnh hưởng một phần đến giá cá ngừ nguyên liệu trong nước.
Vì sao câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp khiến chất lượng cá ngừ giảm?
Trước đây, đánh bắt cá ngừ đại dương được thực hiện bằng cách câu ở độ sâu 70 - 100m (câu vàng), năng suất không cao nhưng cá chất lượng tốt. Hiện nay, ngư dân chuyển sang đánh bắt bằng đèn cao áp chiếu sáng, tức là chiếu đèn xuống nước ở độ sâu 30 - 50m, để cá ngừ đại dương tập trung đến, rồi dùng câu tay để bắt. Với kiểu đánh bắt này, sản lượng tăng cao, cá bắt lên nhìn rất tươi ngon; nhưng chỉ sau vài giờ, chất lượng đã giảm rõ rệt.
Tuy chưa có nghiên cứu chính thức về việc đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp mới ảnh hưởng đến chất lượng cá, nhưng có thể việc thắp đèn rồi câu tay trực tiếp khiến cá bị sốc và tiết ra nhiều kháng chất nên chất lượng thịt cá không tốt.
Theo ông, nên giải quyết vấn đề này thế nào?
Trước mắt, nên giải thích cho ngư dân hiểu là chưa nên tập trung chuyển sang câu tay khi chưa có nghiên cứu đầy đủ; nên giãn mật độ đưa cá vào bờ; nâng cao khâu bảo quản cá sau thu hoạch để cá đánh bắt được không bị giảm chất lượng bằng cách áp dụng theo các mô hình tàu cá đã hoạt động hiệu quả.
Về lâu dài, cần phải thiết kế đội tàu khai thác cá ngừ hiện đại từ khâu đánh bắt đến bảo quản sau thu hoạch. Hiện, đội tàu khai thác cá ngừ của Việt Nam chủ yếu vỏ gỗ, trang thiết bị phục vụ bảo quản sản phẩm chưa được chú trọng, nhiều tàu không có máy sản xuất đá vảy và hệ thống làm lạnh; hầm bảo quản chủ yếu ốp xốp và phủ bạt nên chất lượng kém... Đồng thời, phải tổ chức lại hoạt động quản lý, mua gom, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Ngoài ra, nên thiết lập quota (hạn ngạch đánh bắt) để hạn chế việc tập trung vào sản lượng, nâng cao chất lượng, từ đó đảm bảo ngành khai thác thủy hải sản nói chung, cá ngừ nói riêng phát triển bền vững.
Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đang làm gì để ngành cá ngừ nước ta phát triển bền vững, thưa ông?
Hiệp hội đang cùng một số tổ chức quốc tế xây dựng hệ tiêu chuẩn Hội đồng Quản lý biển (MSC) cho khai thác cá ngừ bền vững; nỗ lực hợp tác quốc tế trong chuyển giao đóng tàu composite công suất 200 - 300 CV, trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao khả năng của các tàu đánh bắt cũng như chất lượng sản phẩm.
Hiệp hội cũng đang tích cực vận động ngư dân thực hiện Quy định về quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hạn chế nghề câu tay phát triển theo hướng tự phát; kêu gọi ngư dân giữ nghề câu truyền thống, không nên dùng phương pháp mới khi chưa có kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng.
Cùng đó, Hiệp hội đang là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với ngư dân và người sản xuất, để hoạt động khai thác nguồn lợi cá ngừ đại dương hiệu quả theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.