MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi tìm "siêu trái cây" Việt Nam để làm giàu

17-07-2013 - 13:04 PM |

Các chuyên gia đề nghị sớm có chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu, quảng bá cho các loại “siêu trái cây” (super fruit) để đẩy mạnh xuất khẩu, làm giàu cho nhà vườn. VN đang có những “siêu trái cây” nào?

Dù vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc xác định siêu trái cây (super fruit), nhưng tại cuộc hội thảo quốc tế “Siêu quả, ảo tưởng và sự thật” do Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức tại VN mới đây, trong danh sách đề cử siêu trái cây có nhiều loại trái cây đang được trồng tại VN với diện tích lớn.

Và theo các chuyên gia, điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho triển vọng xuất khẩu trái cây VN trong tương lai.

Nhiều “siêu quả” được trồng tại VN

Với hàm lượng các chất dinh dưỡng cao và giá trị thương mại lớn, thanh long VN được đa số chuyên gia quốc tế thừa nhận là một trong những siêu trái cây cần được phát triển.

Tại hội thảo này, đại diện của FAO đã đề nghị các chuyên gia VN cung cấp thông tin chi tiết về sản xuất và xuất khẩu thanh long thời gian qua. Ngoài thanh long, các chuyên gia nông nghiệp của Úc và VN đều cho rằng xoài mới là siêu trái cây. Úc nổi tiếng với trái xoài Úc, còn VN nổi tiếng với xoài cát Hòa Lộc.

Cũng tại hội thảo này, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã chiêu đãi khách bằng một loạt trái cây đặc sản, nhưng xoài cát Hòa Lộc mang ra bao nhiêu được dùng hết bấy nhiêu. “Tất cả chuyên gia dự hội thảo sau khi ăn xoài VN đều quả quyết đây mới là siêu trái cây mà mọi người đang đi tìm. Không chỉ chất lượng ngon mà còn rất bổ dưỡng. Người Nhật rất thích xoài cát Hòa Lộc nên đã nhập khẩu xoài này từ nhiều năm nay” - TS Nguyễn Minh Châu (SOFRI) nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ các nước cũng đề cử nhiều loại trái cây phổ biến ở quốc gia mình vào danh sách siêu quả. Theo ông Yi Ganjun (Viện Khoa học nông nghiệp Quảng Đông, Trung Quốc), người tiêu dùng nước này xem vải thiều, cam, quýt là các siêu trái cây do rất tốt cho sức khỏe. Riêng vỏ cam, vỏ quýt còn làm thuốc chữa bệnh. Cùng quan điểm, các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng cây có múi mới là siêu trái cây.

Theo các chuyên gia Indonesia và Thái Lan, măng cụt và mãng cầu xiêm là siêu trái cây vì chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh. Trong khi đó, Viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết người Mỹ xem trái blueberry (việt quất), rapsberry (mâm xôi) và cranberry (nam việt quất), vốn có nhiều ở Mỹ là những siêu trái cây. Các chuyên gia đến từ châu Âu lại cho rằng trái lựu, bơ, nho, táo là siêu trái cây và được người dân châu lục này ưa thích.

Bình luận xung quanh cuộc tranh cãi này, ông Kaison Chang (FAO) cho rằng khó có kết luận cuối cùng nhưng có thể thống nhất chung rằng: “Siêu trái cây là từ dùng để thúc đẩy thương mại loại quả đó”. Thực tế cho thấy các loại siêu trái cây mà các nước quan niệm đều có sản lượng tiêu thụ lớn.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Minh Châu nói dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có một điểm chung là VN có hàng chục loại siêu trái cây theo quan niệm của thế giới. Đó là thanh long, xoài, đu đủ, dứa, chuối, mãng cầu xiêm, bưởi, cam, quýt, vải thiều…

Quảng bá còn yếu

“Với hàng loạt loại trái cây được các nước xem là siêu trái cây, VN có cơ hội rất lớn để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây nếu biết kết hợp giữa phát triển vùng nguyên liệu với việc khai thác từng thị trường. Thậm chí bơ, nho và lựu cũng có thể tăng diện tích để xuất sang châu Âu, nơi xem các loại này là siêu trái cây” - TS Nguyễn Minh Châu nói.

Trong các loại siêu trái cây, ông Châu cho rằng VN có thế mạnh về trái thanh long, loại trái cây đang chiếm đến 50% giá trị xuất khẩu trái cây VN.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết diện tích thanh long của VN hiện đã lên tới hơn 25.000ha, chủ yếu ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Thanh long VN hiện xuất sang nhiều nước, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.

Nếu như năm 2008 chỉ xuất sang Mỹ 100 tấn thì trong hai năm 2011 và 2012 đã xuất được 1.200 tấn/năm. Còn thanh long xử lý hơi nước nóng xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 800 tấn/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Đạt - giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật) - cho biết hiện có nhiều nước trồng thanh long do tiềm năng lớn của siêu trái cây này. Ngay cả Mỹ cũng trồng được 500ha ở Hawaii, Nhật Bản trồng ở đảo Okinawa, hay Israel cũng trồng được 500ha thanh long. Thái Lan đã liên hệ để xuất thanh long chiếu xạ sang Mỹ. Chưa kể, Trung Quốc cũng trồng một diện tích lớn thanh long.

Do đó, ông Đạt cho rằng VN cần có chương trình quảng bá để thanh long đến với người Mỹ nhằm nâng giá trị trái thanh long, thay vì chỉ nhắm đến người tiêu dùng châu Á tại Mỹ.

Ngoài thanh long, theo TS Nguyễn Minh Châu, các loại siêu trái cây khác của VN cũng có rất nhiều cơ hội xuất khẩu vì diện tích trồng khá lớn. Chẳng hạn xoài có tới 64.000ha, dứa 22.000ha, bưởi 31.000ha, cam, quýt có 42.000ha…

Tuy nhiên, hiện các loại trái cây này xuất khẩu không nhiều do thiếu vùng nguyên liệu lớn. Hơn nữa, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (tiêu chuẩn VN và tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) không nhiều.

Đáng lo nhất là việc tiếp thị, quảng bá trái cây nói chung, siêu trái cây nói riêng thời gian qua rất yếu. VN chưa có những doanh nghiệp lớn đủ năng lực mua, xuất khẩu trái cây tầm cỡ thế giới như Tập đoàn Dole (Mỹ). Tập đoàn này đầu tư vào Philippines mua chuối, dứa... rồi xuất khẩu khắp thế giới. Hay các DN lớn của Nhật đến đầu tư ở Thái Lan rồi mua trái cây xuất ngược về Nhật.

Để siêu trái cây VN vươn ra thế giới mạnh mẽ, ông Châu kiến nghị Chính phủ nên mở hội nghị quốc tế có nội dung là xuất khẩu siêu trái cây VN.

“Chúng ta có rất nhiều trái cây chất lượng cao hay siêu quả được thế giới thừa nhận nhưng việc quảng bá quá kém. Từ sự thừa nhận của thế giới về siêu quả mới đây, VN hoàn toàn có cơ hội trở thành nước xuất khẩu trái cây hàng đầu thế giới như lúa gạo. Do đó cần phải thu hút các DN lớn chuyên về chế biến, xuất khẩu trái cây mới mong có điều kiện tổ chức lại sản xuất lớn một cách bài bản” - ông Châu nói.

Cùng quan điểm, ông Đạt cho rằng VN cần phải có chương trình quảng bá trái cây VN trong và ngoài nước để phát triển thêm thị trường, đặc biệt là ở những thị trường khó tính.

Vì sao gọi là siêu trái cây?

Cách đây khoảng 10 năm, ông Errol - phó chủ tịch Hội Làm vườn thế giới - đã sử dụng khái niệm siêu quả để nói về trái cây ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng chống lão hóa. Tuy nhiên qua thời gian, khái niệm này đã thay đổi, thiên về yếu tố thị trường nhiều hơn. Điểm chung của loại trái cây được gọi “siêu quả” hiện nay là quả có giá trị dinh dưỡng cao, chống lão hóa và được người tiêu dùng ưa chuộng với sản lượng tiêu thụ cao.

Theo TS Nguyễn Minh Châu, mặc dù cuộc tranh luận về siêu quả chưa ngã ngũ, nhưng đa số chuyên gia tạm chấp nhận ý kiến của ông Errol về siêu quả: “Đó là từ có ý nghĩa về mặt thương mại để hấp dẫn người tiêu dùng nhiều hơn. Trái cây nào được tiêu thụ nhiều, xuất khẩu nhiều thì đó là super fruit”.

Theo Vân Trường

khanhnt

Tuổi trẻ

Trở lên trên